Nhiều giải pháp giúp nông dân tiêu thụ nhãn

NDO -

Tỉnh Hưng Yên có khoảng 4.500 ha nhãn đang cho thu hoạch rộ, với sản lượng ước đạt từ 50.000-55.000 tấn, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nhãn của nông dân. Nhiều giải pháp về vận chuyển, kinh doanh, chế biến được triển khai giúp nông dân tiêu thụ nhãn quả thuận lợi.

Các nhà vườn phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên thu hoạch nhãn chính vụ. (Ảnh: PHẠM THÀNH)
Các nhà vườn phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên thu hoạch nhãn chính vụ. (Ảnh: PHẠM THÀNH)

Xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên là vùng trồng nhãn tập trung lớn, có diện tích gần 200 ha. Ông Nguyễn Minh Lăng, cán bộ phụ trách sản xuất nông nghiệp xã Hồng Nam cho biết: Đây là thời điểm thu hoạch rộ nhãn chính vụ. Năm nay, sản lượng nhãn ở xã Hồng Nam ước khoảng 1.700 tấn.

Hiện nay, nông dân rất lo cho việc tiêu thụ nhãn, bởi mọi năm tư thương, doanh nghiệp từ các nơi đổ về Hồng Nam đặt mua nhãn rất đông, xe ô-tô, xe máy chở nhãn chạy nườm nượp; còn năm nay người đến đặt hàng mua nhãn rất ít, giá nhãn xuống thấp. Do vậy, ngoài việc bán nhãn quả ăn tươi, các chủ vườn nhãn có phương án bán cho các chủ lò sấy trong xã để làm long nhãn; tuy giá có thấp hơn nhưng đầu ra không lo, bao nhiêu cũng tiêu thụ hết.

Nói về câu chuyện này, anh Nguyễn Quang Điện, Giám đốc Hợp tác xã nhãn lồng Tiên Châu, xã Hồng Nam cho biết thêm: Năm nay, Hợp tác xã Tiên Châu có khoảng 130 tấn nhãn. Để khắc phục khó khăn trong việc vận chuyển và tiêu thụ nhãn quả tươi, Hợp tác xã đã triển khai bán nhãn trên sàn giao dịch thương mại điện tử và được hai doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh ký hợp đồng đặt mua. Hợp tác xã đã giao cho doanh nghiệp được 20 tấn nhãn quả tươi thì phải dừng lại do dịch Covid-19 làm gián đoạn vận chuyển nhãn đến TP Hồ Chí Minh.

Nhiều giải pháp giúp nông dân tiêu thụ nhãn -0
Năm nay, sản lượng nhãn ở xã Hồng Nam ước khoảng 1.700 tấn. (Ảnh: PHẠM THÀNH)

Hiện nay, Hợp tác xã nhãn lồng Tiên Châu đang thực hiện hợp đồng bán nhãn cho Bưu điện tỉnh Hưng Yên; đồng thời, ký hợp đồng vận chuyển nhãn với một số nhà xe được cấp mã “QR” vào để đưa đi tiêu thụ ở Hà Nội và 1 số tỉnh, thành phố trong nước.

Theo Giám đốc Bưu điện tỉnh Hưng Yên Đỗ Văn Tư, với sự hỗ trợ vận chuyển của Trung tâm logistics thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Bưu điện tỉnh Hưng Yên đã triển khai ký hợp đồng tiêu thụ 200 tấn nhãn với một số Hợp tác xã nhãn lồng ở xã Hồng Nam, Quảng Châu, Phương Chiểu… ở TP Hưng Yên và đã có 30 tấn nhãn được tiêu thụ với mức giá khá cao; sau đó sẽ tiếp tục triển khai ký hợp đồng với 1 số Hợp tác xã ở huyện Khoái Châu, phấn đấu tiêu thụ cho các hộ trồng nhãn trong tỉnh từ 500-600 tấn.

Cùng với các đơn vị khác, từ đầu vụ đến nay, Công ty Xuất nhập khẩu Phương Thảo (thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ) cũng đã mua của các nhà vườn hàng chục tấn nhãn lồng. “Việc vận chuyển nhãn khá thuận lợi, chúng tôi giao hàng cho đối tác ở tổng kho thuộc địa phận thị xã Mỹ Hào, sau đó doanh nghiệp sử dụng xe chuyên dụng được cấp mã “QR” vận chuyển đến các chuỗi siêu thị của doanh nghiệp”- chị Dương Thị Phượng, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Phương Thảo cho biết.

Tuy nhiên, hiện cũng còn 1 số khó khăn trong khâu vận chuyển nhãn đi Hà Nội giao cho khách hàng của xe tư nhân, như anh Nguyễn Văn Hợi (ở TP Hưng Yên) phàn nàn là không có điểm đỗ để giao hàng. Mặc dù xe ô-tô chở nhãn quả có đầy đủ giấy tờ (mã QR, giấy chứng xét nghiệm Covid-19 âm tính, giấy chứng nhận tiêm chủng...), được chạy luồng xanh vào Hà Nội. Vì thế xe ô-tô chỉ chở đến khu vực gầm cầu Thanh Trì, giao hàng cho các phương tiên khác, như xe ôm… để họ chở tiếp đến cho khách hàng đặt mua nhãn.

Tỉnh Hưng Yên có khoảng 4.800 ha nhãn; trong đó, có 4.500 ha nhãn cho thu hoạch; năm nay tỷ lệ nhãn ra hoa, đậu quả cao; sản lượng ước đạt từ 50.000-55.000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15% đến 20%. Để giúp nông dân tiêu thụ nhãn đạt hiệu quả cao, tỉnh Hưng Yên đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp như: Tổ chức mời gọi, kết nối các doanh nghiệp, siêu thị, chợ đầu mối, đơn vị phân phối... tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại nhãn quả của tỉnh; đưa quả nhãn của tỉnh Hưng Yên lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, chợ online, gian hàng trực tuyến...

Nhiều giải pháp giúp nông dân tiêu thụ nhãn -0
Chế biến làm long nhãn ở xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên. (Ảnh: PHẠM THÀNH)

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại các tỉnh, thành phố;  tư vấn, hỗ trợ công tác đóng gói, vận chuyển sẵn sàng đưa quả nhãn Hưng Yên đến với người tiêu dùng trong cả nước. Kết nối, phối hợp với cơ quan tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài lựa chọn, tham gia một số sự kiện xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản quốc tế, để tìm kiếm thị trường mới; nâng cao tính chuyên nghiệp, kỹ năng bán hàng trực tuyến; hỗ trợ thực hiện các thủ tục có liên quan đến xuất khẩu rau quả để đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường có tiềm năng và tương đồng về văn hóa, tiêu dùng với Việt Nam như Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ, vừa tạo sự ổn định trong sản xuất, tiêu thụ vừa bảo đảm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Hỗ trợ thúc đẩy các tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản các sản phẩm nhãn, long nhãn…

Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hưng Yên đã tạo mọi điều kiện cho việc vận chuyển, tiêu thụ nhãn, đến nay tỉnh đã cấp mã QR cho hơn 3.000 xe vận tải, trong đó có nhiều xe chuyên chở nhãn; đồng thời đã huy động được nhiều thương nhân, doanh nghiệp tham gia tiêu thụ nhãn quả tươi, nhất là việc chế biến long nhãn để người nông dân bớt lo đầu ra cho quả nhãn.