Tiềm năng lớn cho phát triển nội dung số
Theo báo cáo kết quả dự án “Nghiên cứu đề xuất những hướng dẫn thực thi để phát triển nội dung số bản địa tại các nước ASEAN”, do Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (NIICS), thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện, Cộng đồng ASEAN với hơn 400 triệu người là một hệ sinh thái rất lớn thúc đẩy sự phát triển của nội dung số. Doanh thu hẳng năm của ngành công nghiệp nội dung số khu vực ước đạt 150 tỷ USD, trong đó nguồn thu từ bản quyền đạt 5-7 tỷ USD và lên tới 55-65 tỷ USD cho các dịch vụ nội dung số. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó khi đang ở nhóm dẫn đầu về tăng trưởng các dịch vụ giáo dục trực tuyến, vượt cả Thái-lan và Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2016, Việt Nam có 309 dự án đầu tư vào giáo dục trực tuyến với tổng số vốn đăng ký hơn 767 triệu USD. Ngoài ra, doanh thu của ngành công nghiệp trò chơi trong năm 2018 được dự báo sẽ đạt 145 triệu USD và con số này có thể tăng lên tới 208 triệu USD bốn năm sau. Việt Nam cũng dẫn đầu khu vực với 92% dân số xem video trực tuyến mỗi tuần, tiếp sau là Philippines (85%), Indonesia (81%), Thái-lan (76%) và Malaysia (74%). Trong khi đó, doanh thu quảng cáo trên thiết bị di động trong năm 2017 của Việt Nam đạt 78 triệu USD và con số này được dự báo sẽ tăng mạnh lên tới hơn 200 triệu USD vào năm 2020.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức đối với Việt Nam và các nước ASEAN nói chung trong việc phát triển nội dung số bản địa. Theo PGS.TS Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng NIICS, 80% nội dung trực tuyến được tạo ra bằng 10 ngôn ngữ phổ biến trên thế giới. Hơn 50% nội dung được viết bằng tiếng Anh, và chỉ 21% dân số thế giới hiểu được. Chính điều này đã đặt ra nhu cầu cấp thiết cần phải phát triển nội dung số bản địa tại các nước ASEAN. Ông Triệu Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, khu vực ASEAN đã có nhiều sáng kiến về phát triển hạ tầng kết nối, nhưng vẫn rất thiếu các giải pháp thúc đẩy nội dung số bản địa. Hiện nay, chính phủ các nước trong khu vực đều ủng hộ phát triển công nghiệp nội dung số. 87% các nước thành viên ASEAN đều có tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm riêng về phát triển và hỗ trợ nội dung số bản địa. 67% các nước áp dụng các tiêu chuẩn sáng tạo nội dung số và 80% đã thực hiện những sáng kiến nội dung số bản địa.
Nhưng vẫn còn khoảng cách nhất định khi nhóm dẫn đầu như Malaysia và Singapore dù phát triển mạnh nội dung bản địa nhưng vẫn còn thiếu tần suất, môi trường sáng tạo, khung pháp lý và hiểu biết số, trong khi Thái-lan, Indonesia và Philippines có khoảng cách về cạnh tranh thị trường, tần suất giữa các nhà khai thác và môi trường pháp lý. Trong khi đó, các nước như Việt Nam, Myanmar và Campuchia vẫn chưa đạt được hầu hết các tiêu chí trừ việc hình thành nên một môi trường pháp lý chung.
Phát triển nội dung số bản địa mang bản sắc ASEAN
Theo PGS.TS Trần Minh Tuấn, để giải quyết những vấn đề trên, cần phải có những đề xuất, hướng dẫn chung cho các nước ASEAN trong chiến lược phát triển nội dung số ở từng quốc gia, sao cho phù hợp với văn hóa truyền thống, cũng như hướng tới các công nghệ mới mà thế giới đang hướng tới trong xu thế phát triển chung như thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), mà vẫn giữ được bản sắc của các dân tộc ASEAN.
Việc cần phải làm ngay là xây dựng khung khuôn khổ chiến lược ASEAN cho ngành công nghiệp nội dung số bản địa, bắt đầu với việc lập bản đồ năng lực ngành nội dung số, đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tăng cường nhận thức về nội dung số, đồng thời thúc đẩy tính khả thi của các mô hình dựa trên nền tảng công nghiệp nội dung số thành công để nhân rộng trên phạm vi toàn quốc, cùng với cải thiện mối liên hệ giữa ngành công nghiệp số với các cơ sở nghiên cứu, giáo dục và đào tạo.
Ngoài ra, cũng cần xác định rõ cơ hội để phát triển nội dung số ở ASEAN, đặc biệt là trong vấn đề cạnh tranh với những nguồn dữ liệu, nội dung số từ các “gã khổng lồ” công nghệ như Netflix, Spotify, Google, YouTube, cũng như các vấn đề đánh thuế bản quyền và quản lý nội dung số. Liên quan đến vấn đề quản lý nội dung số một cách hiệu quả, các nước ASEAN cũng cần trao đổi về việc quản lý các nội dung có liên quan đến trẻ em, các hành vi bạo lực trên môi trường mạng.
Đối với Việt Nam, PGS.TS Trần Minh Tuấn cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông trong quản lý nội dung số hướng tới việc bảo đảm tốt hạ tầng, internet, các hệ thống máy chủ để bảo đảm các nội dung số có thể đến được với người dân, đặc biệt là việc phát triển các hệ thống máy chủ ở Việt Nam để các nhà khai thác nội dung số ở trong nước cũng như các nhà cung cấp không phải lưu trữ dữ liệu ra ngoài quốc gia.
Để phát triển nội dung số một cách lành mạnh, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang định hướng xây dựng các mạng xã hội ở Việt Nam do Viettel và VCCorp phát triển, cũng như tiếp tục thúc đẩy phát triển mạng xã hội trên nền tảng Zalo và phát triển hệ thống tìm kiếm ở Việt Nam, Phó Viện trưởng NIICS thông tin.
PSG. TS Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông. (Ảnh: Trung Hưng)