Nhiều công trình ở huyện Tân Hiệp bị "rút ruột" và thanh toán khống

NDO -

Xây nhà cho người nghèo không đạt chất lượng, xây chợ trong cụm dân cư vượt lũ không đúng thiết kế... là thực trạng đáng buồn đang tồn tại ở huyện Tân Hiệp (Kiên Giang).

Những căn nhà ở kênh Đòn Dong (Huyện Tân Hiệp) mới xây xong đã bị tốc mái.
Những căn nhà ở kênh Đòn Dong (Huyện Tân Hiệp) mới xây xong đã bị tốc mái.

Rút ruột công trình

Nằm trong chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư giai đoạn hai, huyện Tân Hiệp được UBND tỉnh Kiên Giang quyết định cho xây dựng bốn tuyến dân cư, với diện tích 67,5 ha, vốn đầu tư hơn 139,6 tỷ đồng. Công trình này sau khi hoàn thành sẽ bố trí 1.646 hộ dân vào ở, trong số này có 506 hộ tham gia đấu giá những nền sinh lợi, 1.140 hộ mua nhà theo chế độ chính sách Nhà nước quy định.

Công trình thiết kế gồm ba hạng mục: San lấp mặt bằng, làm đường giao thông và xây dựng các dãy nhà. Hiện cả bốn tuyến dân cư này đã thi công xong phần mặt bằng, một dự án đang thi công các dãy nhà, nhưng ngay từ khâu đấu thầu, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã phát hiện sai phạm.

Theo Kết luận của Thanh tra Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Kiên Giang, UBND huyện Tân Hiệp phê duyệt dự toán từ kênh Một đến kênh Ze-ro hạng mục san lấp mặt bằng có cự ly vận chuyển không phù hợp thực tế, gây thiệt hại hơn 106 triệu đồng ngân sách. Cao trình chưa đạt theo khảo sát thiết kế nhưng đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Kinh phí đầu tư cho các hợp đồng thi công san lấp mặt bằng hơn 34,4 tỷ đồng, nhưng việc xem xét, đánh giá lựa chọn nhà thầu mang tính hình thức, không căn cứ vào tiêu chuẩn hồ sơ yêu cầu. Có nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính và kinh nghiệm như doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Bảo Thi, DNTN Bảo Phúc, DNTN Thành Công vẫn được giao thầu.

Mặc dù, cơ quan chức năng phát hiện sai phạm yêu cầu chấn chỉnh, nhưng những người có trách nhiệm trong dự án này vẫn bỏ ngoài tai, tiếp tục gây ra những sai phạm khác lớn hơn. Sau một trận mưa dông, đã có 40 trong tổng số 300 căn nhà của tuyến dân cư vượt lũ kênh Ðòn Dong (từ kênh Ba đến kênh Ze-ro) bị sập và tốc mái. Sau sự cố, chủ đầu tư là UBND huyện Tân Hiệp không tiến hành làm rõ nguyên nhân, mà ông Lê Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ huyện Tân Hiệp vội vàng làm tờ trình xin chủ trương hỗ trợ nhà thầu xây dựng - DNTN Ba Sẵn (huyện Giồng Riềng) 216,5 triệu đồng, với lý do nhà sập do thiên tai.

Trả lời báo chí,Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Tân Hiệp Nguyễn Thành Hiển cho biết: "Chất lượng không thể bảo đảm được, do suất đầu tư quá thấp cho nên ba khâu rất quan trọng nhằm bảo đảm chất lượng công trình là tư vấn thiết kế, giám sát thi công và bảo hiểm công trình bị bỏ qua, hoàn toàn không có.

Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang kết luận: Công trình không đạt chất lượng. Trả lời phóng viên Báo Nhân Dân bằng văn bản, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Kiên Giang Trần Ngọc Tính cho biết: Hồ sơ thiết kế mẫu nhà cụm tuyến dân cư vượt lũ huyện Tân Hiệp đã được Phòng Công thương huyện thẩm định và trình UBND huyện Tân Hiệp phê duyệt theo Quyết định số 943 ngày 28-11-2011, với giá trị dự toán 20.655.000 đồng/căn.

Kết quả kiểm tra cho thấy, chất lượng công trình xây dựng không bảo đảm theo hồ sơ thiết kế và các quy chuẩn hiện hành. Móng không đạt độ sâu chôn móng theo thiết kế, bê-tông cột, đà kiềng không đạt mác thiết kế; thi công cốt thép trong cột, đà kiềng, dầm giằng không đúng đường kính; thi công cốt thép trong dầm giằng không đủ số lượng theo thiết kế; gạch xây không đồng đều về chất lượng theo tiêu chuẩn quy định...

Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn một ở huyện này cũng đã có nhiều sai phạm tương tự. Tại các cụm dân cư vượt lũ xã Tân Thành do DNTN Ba Sẵn thi công có 21 căn nhà; Cụm dân cư vượt lũ xã Tân An và Tân Hội do Công ty TNHH Hưng Lộc thi công có 30 căn nhà... đều không đạt yêu cầu sử dụng. Nguyên nhân do nhà thầu bớt vật tư cho nên cột bê-tông, gạch nén không đạt cường độ; xà gồ (đòn tay), dầm giằng thiếu thép, tôn lợp không đủ độ dày. Bốn chợ tại các cụm dân cư vượt lũ xã: Tân Hòa, Tân An, Thạnh Ðông B và Thạnh Trị cũng bị đơn vị thi công rút bớt vật tư cho nên không bảo đảm yêu cầu đưa vào sử dụng. Bốn chợ này đã được khởi công từ năm 2009, sau đó dừng thi công trong một thời gian dài, gây bức xúc cho chính quyền và người dân địa phương.

Chính quyền và nhân dân xã Tân Hòa và Thạnh Trị kiên trì, bền bỉ phản ánh tình hình, cho nên sau hơn hai năm bỏ phế, nhà thầu cho công nhân quay lại lợp mái nhà lồng chợ, còn hai chợ Tân An và Thạnh Ðông B đang trong tình trạng hoang phế. Công trình khôngbảo đảm chất lượng, chưa hoàn thành nhưng chủ đầu tư đã cho nhà thầu thi công - Công ty TNHH Quốc Thông ứng đến ba tỷ đồng trong tổng vốn khoảng hơn 3,1 tỷ đồng.

Thanh toán khống công trình nông nghiệp

Tháng 3-2011, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện được Chủ tịch UBND huyện giao làm chủ đầu tư Dự án công trình kè chống sạt lở vùng lũ Tân Hiệp và Ban quản lý dự án (BQL) được thành lập do ông Lê Văn Tuyền, Trưởng Phòng NN và PTNT làm giám đốc. Mặc dù đây là một dự án có ý nghĩa quan trọng đối với địa phương, nguồn vốn đầu tư từ Trung ương hơn 205,3 tỷ đồng nhưng trong quản lý lại rất tùy tiện, dẫn đến nhiều sai phạm.

Hạng mục ba kè chống sạt lở bảo vệ bờ sông xáng Tân Hội, BQL chỉ định thầu cho Công ty TNHH tư vấn đầu tư và xây dựng Trường Thịnh phần thiết kế, trong khi đơn vị này không có chức năng. Ðây là công trình kè chống sạt lở vùng lũ thuộc công trình thủy lợi nhưng chủ trì thiết kế - ông Hà Thanh Liêm chỉ có chứng chỉ hành nghề thiết kế kết cấu công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật - chuyên ngành cấp thoát nước.

Hơn nữa chứng chỉ hành nghề của ông Ngô Quang Dũng đã hết hạn sử dụng cách đó hơn bảy thángcòn đơn vị thẩm tra không có hồ sơ năng lực không ký tên, đóng dấu vào bản vẽ kỹ thuật thi công. Ðơn vị thi công thì không lập hệ thống quản lý chất lượng công trình, không thực hiện thí nghiệm kiểm tra vật liệu, không có bảng tiến độ thi công chi tiết. Ðơn vị giám sát thì không kiểm tra điều kiện khởi công công trình xây dựng; biên bản nghiệm thu thanh toán không đủ căn cứ...

Từ việc lỏng lẻo trong quản lý đầu tư xây dựng dẫn đến công tác quản lý tài chính cũng rất tùy tiện. Ðến thời điểm hiện tại, Kho bạc Nhà nước đã giải ngân cho dự án này gần 101 tỷ đồng, trong đó chi phí mà BQL nhận là 1,5 tỷ đồng. Số tiền chi phí, BQL đã chi sai quy định hơn 363,5 triệu đồng, chi khống hơn 172,8 triệu đồng. Ngoài ra, BQL còn sử dụng tiền mua trang thiết bị, với năm hợp đồng trị giá 449,3 triệu đồng nhưng không nhận hàng; biếu không cho UBND thị trấn Tân Hiệp ba máy lạnh và 60 triệu đồng.

Ông Lê Văn Tuyền thừa nhận đã cho quyết toán hai công trình nạo vét kênh 3B và 4B cho DNTN Minh Cảnh với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng khi hai công trình này vẫn chưa đâu vào đâu. Việc cho nghiệm thu hai công trình này khi chưa hoàn thành là nhằm giữ vốn, vì đơn vị thi công cam kết sẽ thi công tiếp khi không còn trở ngại. Ông Tuyền cũng thừa nhận đã cho một số nhà thầu thi công các dự án nông nghiệp trên địa bàn huyện được ứng trước vốn từ 70 đến 90%; trong số này có các trạm bơm ở xã Tân An, Tân Hiệp B, Ðông Thuận do DNTN Quốc Thông thi công.

Dư luận đang quan tâm và mong có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, cũng như sự vào cuộc gấp rút của cơ quan điều tra để làm rõ và xử lý các sai phạm.