Ðiển hình là cầu Bà Rén, ở Km 957+637, quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn (Quảng Nam). Cây cầu này xây dựng từ trước năm 1975, có tuổi thọ gần nửa thế kỷ, hư hỏng, xuống cấp trầm trọng đã được báo động mấy năm nay. Khu Quản lý Ðường bộ 5 đề nghị xin xây dựng cầu mới để thay thế, nhưng chỉ được cấp kinh phí sửa chữa bảo đảm giao thông. Ðến cuối năm 2009, khi cầu sắp bị sập thì việc xây lại cầu Bà Rén mới được xem xét. Ðể giải quyết tình thế, Tổng cục Ðường bộ cho bắc cầu tạm bằng sắt. Như vậy, cùng một lúc, Nhà nước phải chi ra khoản tiền lớn để sửa chữa cầu cũ (1,4 tỷ đồng), bắc cầu tạm (27 tỷ đồng) và triển khai xây cầu mới. Nhưng đến nay, dự án xây cầu mới vẫn đang giai đoạn trình duyệt kết quả đấu thầu, không biết bao giờ khởi công? Lúc cao điểm, cầu tạm bằng sắt phải gia cố, sửa chữa, ngành giao thông vẫn cho xe lưu thông một chiều trên cầu cũ đã xuống cấp sắp sập!
Tình trạng 'nước đến chân mới nhảy' như vậy, còn xảy ra ở một số cầu khác như cầu Hương An (Quảng Nam), cầu Nam Ô (TP Ðà Nẵng). Trưa ngày 21-12-2010, chúng tôi đến công trình xây dựng cầu Hương An, ở Km 964+781, quốc lộ 1A, cả công trường 'vắng hoe'. Anh Nguyễn Văn Khoa, Ðội trưởng thi công cầu Hương An, thuộc Công ty XDCT 525, cho biết: 'Do vướng mắc về giải tỏa mặt bằng, không xây được mố để lao dầm nhịp cuối cùng phía bắc, cho nên phải dừng thi công hơn nửa năm nay rồi !'. Làm việc với chúng tôi, ông Ðỗ Văn Hòa, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án 5, được chủ đầu tư là Tổng cục Ðường bộ Việt Nam ủy quyền điều hành dự án, bức xúc: 'Cầu Hương An xuống cấp nghiêm trọng, khởi công từ tháng 8-2008, dự kiến thời gian thi công 24 tháng hoàn thành, đưa vào hoạt động. Vì tính cấp bách của công trình, được Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định thầu theo cơ chế đặc thù. Nhưng gần ba năm thi công, đến nay mới lao lắp xong năm nhịp dầm cầu, còn mố cầu, nhịp thứ sáu và đường dẫn vào cầu phía bắc, vướng mặt bằng, do còn gần 70 hộ dân chưa giải tỏa được. Theo báo cáo của UBND huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam), dự kiến đến hết tháng 6-2011, mới hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trong phạm vi xây dựng cầu và đường dẫn vào cầu cho chủ đầu tư dự án xây dựng cầu Hương An. Vì không có mặt bằng, từ tháng 3-2009, các đơn vị xây dựng phải dừng xe, máy thi công gây lãng phí cho các nhà thầu. Công trình xây dựng cầu Nam Ô (Ðà Nẵng) cũng trong tình trạng ách tắc, do còn vướng 34 hộ dân, dự kiến hết quý I năm 2011 mới giải tỏa, bàn giao mặt bằng. Gặp chúng tôi trên đường, ông Trần Văn Thành, lái xe công-ten-nơ Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Thịnh Phát, bức xúc: 'Trước đây cầu Nam Ô chưa xuống cấp và chưa hư hỏng xe đi từ các tỉnh phía bắc vào Khu công nghiệp Hòa Khánh (Ðà Nẵng) theo đường Nguyễn Lương Bằng khá thuận lợi. Hơn hai năm nay, cầu xuống cấp, trọng tải của cầu hạ xuống còn 10 tấn, xe chúng tôi phải đi đường vòng dài thêm hơn 20 km, đẩy chi phí lên cao !'. Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, cầu Nước Ngọt, qua huyện Phú Lộc, trụ cầu bị nứt, mặt cầu bong tróc, ngành giao thông đang cố gắng sửa chữa bảo đảm giao thông, hằng ngày các phương tiện chỉ lưu thông một chiều, giao thông ách tắc. Theo ông Phan Thái, Phó Tổng Giám đốc Khu Ðường bộ 5: 'Ðiều đáng quan tâm là hiện nay miền trung còn gần 20 cây cầu quá yếu, do hư hỏng nặng, nguy hiểm cho phương tiện tham gia giao thông, nhưng chưa có dự án đầu tư kinh phí, là: Cầu Giếng Trời (Quảng Nam); cầu Bàu Giang, cầu Bà Trà, cầu Nước Mặn II (Quảng Ngãi); cầu Bà Nam (Phú Yên); cầu Suối Dừa, cầu Nước Ðục, cầu Ninh Ða, cầu Ấp Thanh Châu, cầu Rù Rì, cầu Bãi Giếng (Nha Trang); cầu số 9, cầu số 27 (quốc lộ 26); cầu Hà Lan 3 (Ðác Lắc); cầu Ðắk Pôi, cầu Ngô Trang, cầu Ia-tô-ven I, cầu Hòa Phú (Kon Tum)... Tình trạng xuống cấp chung của các cây cầu này là, bản mặt cầu xuất hiện nhiều vết nứt, dầm chủ nứt xiên, nứt ngang nặng, dầm dọc và dầm ngang bị rỉ. Móng, thân mố bị nứt, vỡ... Nhằm bảo đảm trục giao thông huyết mạch bắc - nam, những cây cầu này hiện tồn tại dựa vào nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa, chắp vá hằng năm, nguy cơ mất an toàn rất cao'. Mới đây, Tổng cục Ðường bộ đề nghị Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư, ưu tiên xây mới 45 cầu, thời gian từ 2011 đến 2013, nhưng tiến độ thực hiện vẫn chưa giải quyết được thực trạng các cầu đang xuống cấp hiện nay.
Những ngày cuối năm Canh Dần, nhu cầu trao đổi hàng hóa giữa hai miền bắc - nam tăng đột biến, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, vận chuyển tăng cao. Ðề nghị Bộ Giao thông vận tải có phương án khẩn trương bố trí kinh phí xây dựng mới các cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Các địa phương phối hợp với ngành giao thông tích cực đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng, sớm bố trí đất tái định cư cho người dân ổn định cuộc sống và bảo đảm tiến độ thi công các công trình. Ngành giao thông có kế hoạch thi công, sửa chữa, phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông, không để xảy ra ách tắc qua các cầu trên quốc lộ 1A trong những ngày giáp Tết Tân Mão.