Ngày 26/11, Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và Hội khoa học kinh tế y tế Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo đánh giá chính sách, pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, tạng tại Việt Nam. Nhiều vấn đề bất cập về chính sách pháp luật trong hiến, ghép mô, tạng được đặt lên bàn hội thảo.
Cần bảo đảm chế độ cho người hiến tạng
Số liệu cập nhật từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia (đến ngày 30/9/2021), cả nước đã thực hiện 6.113 ca ghép tạng, trong đó có 5.729 ca ghép thận, 316 ca ghép gan, 54 ca ghép tim, 1 ca ghép khối thận-tụy, 1 ca ghép khối tim-phổi, 8 ca ghép phổi, 2 ca ghép ruột và 2 ca ghép chi trên.
Tính đến ngày 19/11/2021, số lượng đăng ký hiến tạng đạt 45.341 người. Tuy nhiên, nguồn tạng hiến từ người cho chết não còn quá ít, 93,85% nguồn tạng ghép vẫn đến từ nguồn cho sống.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, hiện nay, chế độ cho người hiến, gồm người hiến sống và người hiến sau khi chết não chưa đầy đủ và hợp lý.
Luật không quy định kinh phí dành cho chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí đối với người đã hiến mô, tạng tại cơ sở y tế cũng như khám sức khỏe định kỳ miễn phí sẽ được lấy từ nguồn nào.
Luật Bảo hiểm y tế cũng không có nội dung nào quy định về thanh toán chi phí cho đối tượng này. Do đó, theo ông Phúc, cần bổ sung thêm các quy định về chế độ cho người hiến mô, tạng.
“Chúng ta cần phải xây dựng cơ cấu giá ghép tạng là cơ sở cho bảo hiểm y tế thanh toán. Đề xuất rõ mức hỗ trợ của bảo hiểm y tế từ 50-80%”, ông Phúc đề xuất.
Trao đổi về vấn đề này, TS Đặng Hồng Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết, hiện nay chi phí một ca ghép tạng tại Việt Nam thấp so với thế giới nhưng là con số rất cao so với người dân trong nước. Tuy nhiên, bảo hiểm y tế hiện nay mới chỉ thanh toán một phần chi phí về vật tư, xét nghiệm, giường thuốc.
Danh mục kỹ thuật được bảo hiểm y tế thanh toán chỉ thanh toán với phẫu thuật ghép thận tự thân mà chưa có quy định về thanh toán bảo hiểm y tế đối với phẫu thuật ghép bộ phận cơ thể người từ người này cho người kia.
Ngoài ra, các chi phí liên quan đến người hiến tạng như chi phí đánh giá, kiểm tra sức khỏe, chi phí phẫu thuật lấy bộ phận cơ thể của người hiến, chi phí xác định chết não, đánh giá chức năng mô, bộ phân, chi phí cho quả thận, gan, tim… hiện chưa được quy định rõ ràng là do bệnh viện thực hiện ghép, hay quỹ bảo hiểm y tế, hay người bệnh chi trả.
Đề xuất giảm độ tuổi cho người đăng ký hiến tạng
GS, TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đề xuất cần phải thay đổi quy định tiêu chuẩn để xác định chết não về thời gian giảm từ 12 giờ xuống 6 giờ.
Bổ sung thêm cho ý kiến này, GS, TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, trong tất cả các trường hợp chẩn đoán chết não, chẩn đoán sau 6 giờ không khác với kết luận cuối cùng sau 12 giờ. “Tuy nhiên, có nhiều tạng bị suy sau 12 giờ trong thời gian chờ chẩn đoán chết não”, GS Hệ cho hay.
Bên cạnh đó, hiện nay trong công tác điều phối, cần phải thành lập hội đồng chẩn đoán chết não di động, hội đồng lấy tạng di động với sự tham gia của các đơn vị ghép tạng, trung tâm điều phối ghép tạng, các bệnh viện trong cả nước.
Điều này sẽ khắc phục được hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành, thúc đẩy hoạt động xác định chết não tại các cơ sở khám, chữa bệnh bao gồm cả các cơ sở không thực hiện chức năng ghép tạng để góp phần tăng nguồn hiến mô, bộ phận cơ thể người từ người cho chết não.
Về độ tuổi được đăng ký hiến tạng hiện nay phải từ 18 tuổi cũng gặp bất cập khi có một số trẻ không may bị chết não có thể hiến tạng như hiến giác mạc lại không thể thực hiện quy định này.
GS Trịnh Hồng Sơn cho rằng, luật cần bổ sung người dưới 18 cũng có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết, hiến xác nếu được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, hiện cơ quan xây dựng dự thảo Luật đang nghiêng về phương án là không giới hạn về độ tuổi đối với người hiến chết não. Đối với người hiến sống sẽ tách biệt: Người hiến sống cùng huyết thống phải đủ từ 18 tuổi trở lên; Người hiến sống không cùng huyết thống phải từ đủ 30 tuổi trở lên.
Điều này sẽ giúp cho Nhà nước giảm được gánh nặng bệnh tật, chi phí bảo hiểm y tế, chi phí an sinh từ hoạt động hiến mô, bộ phận cơ thể người và tăng cường được công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Điều này cũng phù hợp với thông lệ, kinh nghiệm các nước trên thế giới.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cũng chia sẻ thêm về việc thiếu nhiều giải pháp quan trọng về các chính sách pháp luật liên quan đến hiến, lấy, ghép mô tạng như chưa có quy định về quy trình điều phối ghép mô, tạng; Chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm đối với các đơn vị ghép tạng.
Hiện nay, chúng ta cũng chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm đối với các đơn vị ghép tạng và đơn vị điều phối khi không tuân thủ, dễ dẫn đến việc các đơn vị ghép tạng tự tìm nguồn, tự ghép cho các bệnh nhân không có trong danh sách chờ ghép; Chưa có quy định các cơ sở y tế phải báo cáo về Trung tâm thông tin về bệnh nhân chết não; Chưa có quy định về thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, dừng các cơ sở ghép tạng nếu như có biểu hiện vi phạm pháp luật….