Câu hỏi chung được đặt ra là cuộc triển lãm đã được tổ chức thế nào và đánh giá về chất lượng triển lãm ra sao?
Triển lãm thể hiện sự năng động, sáng tạo của giới nhiếp ảnh
(Ông Lê Tiến Thọ- Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin- Trưởng ban tổ chức triển lãm)
Năm 2000, Bộ Văn hóa - Thông tin với sự ủng hộ tích cực của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức thành công Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc. Từ cuộc triển lãm này Bộ Văn hóa - Thông tin kết hợp với Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam dự kiến tổ chức định kỳ 5 năm một lần. Nhưng trước thực tế hoạt động mạnh mẽ của giới nhiếp ảnh, sự say mê sáng tác của các tác giả cùng với đặc trưng riêng của ngành nghệ thuật hiện đại này đã đặt ra yêu cầu thúc bách cần nhanh hơn về thời gian tổ chức.
Tiếp nối và phát huy thành tựu của 22 cuộc Triển lãm toàn quốc do Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức, năm 2004, Bộ Văn hóa - Thông tin quyết định phối hợp Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ 23. Ðây là cuộc triển lãm quy mô quốc gia. Sau đó sẽ tổ chức định kỳ hai năm một lần vào các năm chẵn.
Khai trương vỉa 11.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước và Hội nghề nghiệp chắc chắn sẽ tạo một bước phát triển cả về số lượng và chất lượng nghệ thuật góp phần đưa nghệ thuật nhiếp ảnh nước nhà tiến bước lên tầm cao mới; góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hội đồng nghệ thuật làm việc công phu và khách quan
(Ông Hoàng Ðức Toàn - Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật và nhiếp ảnh - Phó Trưởng ban triển lãm ảnh toàn quốc lần thứ 23)
Với tinh thần trách nhiệm trước toàn thể giới nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội đồng nghệ thuật đã làm sát tiêu chí, đúng quy chế, coi đó là thước đo chất lượng để thẩm định kỹ càng từng bức ảnh, cố gắng không bỏ sót những tác phẩm tốt, đồng thời không để lọt những tác phẩm chưa đạt yêu cầu vào triển lãm. Hội đồng đã rất công phu, dân chủ, khách quan để chọn ra 353 tác phẩm trưng bày và 24 tác phẩm trong số đó để trao giải, gồm bốn giải nhì, huy chương bạc, (không có giải nhất), sáu giải ba và 14 giải khuyến khích.
Đến chợ.
Nhiều tác phẩm nhiếp ảnh để riêng thấy đạt, nhưng khi đặt trong tương quan chung của triển lãm, với hàng nghìn tác phẩm, thì bộc lộ sự lặp lại, hoặc không bứt lên vượt trội, nên bỏ lỡ cơ hội được trưng bày.
1.004 tác giả từ 57 tỉnh thành đã gửi về 3.622 tác phẩm ở rất nhiều đề tài. Ban tổ chức cuộc thi đã chọn trong số đó 353 tác phẩm của 278 tác giả để trưng bày, tất cả đều được phóng to với khuôn khổ lớn, với một chất lượng khá đồng đều. |
Các tác phẩm được giải cao đã thỏa mãn những tiêu chí rất chặt chẽ của Hội đồng nghệ thuật, nhưng nhìn chung yếu tố mới, độc đáo, trong tìm tòi sáng tạo về ngôn ngữ nhiếp ảnh chưa nổi trội, vì vậy không có tác phẩm được giải nhất (huy chương vàng)
Ảnh đẹp nhưng cần có sự bứt phá
(Ông Lê Phức - Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo triển lãm ảnh toàn quốc lần thứ 23)
Thật tiếc là những tác phẩm đoạt giải khá đồng đều, không có tác phẩm nào nổi trội hẳn, mang tính đột phá để giành giải nhất (huy chương vàng), bởi vậy, Hội đồng nghệ thuật đã nhất trí tặng bốn giải nhì, sáu giải ba và 14 giải khuyến khích.
Mỗi tác phẩm có một vẻ đẹp riêng, phản ánh một khía cạnh của đời sống khá tinh tế, tạo cho bộ ảnh đoạt giải lần này phong phú, đa dạng... Nhìn chung, phòng ảnh rất hoành tráng, phản ánh sinh động hiện thực đổi mới đất nước ta gần 18 năm qua.
Thế nhưng, trong một cuộc triển lãm lớn, mang tầm quốc gia mà không có tác phẩm được trao giải nhất cũng là điều đáng tiếc. Ðể "bù" lại, Hội đồng nghệ thuật đã nhất trí điều chỉnh cơ cấu giải cho phù hợp thực tế và chất lượng ảnh, vì thế bốn tác phẩm đoạt giải bạc được coi là xuất sắc nhất cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ 23.
Những tác phẩm này đều là những bức ảnh đẹp: Nghệ sĩ múa Ðặng Linh Nga của Nguyễn Văn Thanh ở Thừa Thiên-Huế có cách thể hiện động, lôi cuốn người xem. Nồng ấm cội nguồn của Lương Chính Hữu (Ðác Lắc) lại rất tĩnh mà sâu lắng. Tác giả Lại Diễn Đàm (Hà Nội) với bức ảnh đen trắng Dáng nhà nông rất gây ấn tượng, vừa gần gũi vừa mở ra hướng hiện đại. Tác phẩm Khi đất mất mầu xanh của Minh Nhựt (Bến Tre) là bức ảnh sử dụng kỹ thuật, kỹ xảo khá thành công, cảnh báo con người phải giữ gìn môi trường, mầu xanh cho cuộc sống. Tuy nhiên như tôi đã nói, mức độ nổi trội của những tác phẩm này so với mặt bằng sáng tác nhiếp ảnh nói chung chưa phải cao lắm, nên mong muốn có được những tác phẩm xuất sắc hơn đành gửi lại triển lãm lần thứ 24.
Ngôn ngữ nhiếp ảnh có bước tiến mới
|
(Ông Chu Chí Thành - Phó Tổng Thư ký Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh - Chủ tịch HÐNT Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Ủy viên HÐGK)
Trong triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ 23 này, ngôn ngữ ảnh đã được khai thác và vận dụng một cách khéo léo, có hiệu quả, thể hiện được tính đa dạng phong phú ở một trình độ cao.
Tổng hợp lại, ta thấy có hai dòng ảnh lớn. Dòng thứ nhất, ảnh được hình thành qua cách mô tả trực tiếp, người ta quen gọi là ảnh chụp. Dòng thứ hai, ảnh làm ra có sự tham gia điều chỉnh của phần mềm vi tính (trước đây người ta thi công trong buồng tối ảnh) được gọi là ảnh kỹ xảo. Ảnh chụp có phương pháp thể hiện riêng và nét đặc thù riêng. Cách bộc lộ ý tưởng, nội dung xã hội, nội dung thẩm mỹ của ảnh phải thông qua những con người, những hành động, sự việc, sự vật cụ thể, những trạng thái tình cảm nảy sinh trong những hoàn cảnh cụ thể. Nhờ vào thời điểm bấm máy đúng lúc, bối cảnh phù hợp và ánh sáng vừa đủ tạo khối, tạo đường nét uyển chuyển mà những tác phẩm đoạt giải bạc: Nghệ sĩ múa Ðặng Linh Nga của Nguyễn Văn Thanh; Nồng ấm cội nguồn của Lương Chính Hữu; Dáng nhà nông của Lại Diễm Ðàm, hay Nỗi đau của mẹ huy chương đồng của Trần Tuấn... đạt được thành công và được đánh giá cao trong thể loại ảnh chụp. Với ảnh chụp, người ta đòi hỏi bố cục ban đầu sau cú bấm máy được giữ nguyên, các chi tiết trong ảnh không thay đổi, hình ảnh trung thành với đối tượng chụp, nhằm xác định tính chân thực của bức ảnh. Phương pháp này ảnh báo chí , ảnh tài liệu rất coi trọng. Nó đòi hỏi người nghệ sĩ luôn phải bám chặt lấy từng hơi thở của cuộc sống, phải giàu cảm xúc và luôn luôn tìm tòi.
Bên cạnh ảnh chụp, dòng ảnh kỹ thuật, kỹ xảo có ngôn ngữ cách điệu cũng trở nên quen thuộc hơn với người xem trong cuộc triển lãm này. Ðây là loại ảnh có thể chắp ghép, thêm bớt, thay đổi chi tiết, mầu sắc trong ảnh, thậm chí có thể dùng cả kỹ thuật đồ họa để truyền tải ý tưởng. Phương pháp này tạo một không gian mở cho trí tưởng tượng và sự liên hệ của cảm xúc với tư duy. Nó tìm tới cách ẩn dụ, so sánh, tượng trưng và ước lệ trong tạo hình nhiếp ảnh cũng như trong tâm thức người sáng tác và người xem. Những tác phẩm Khi đất mất mầu xanh của Minh Nhựt, Hiểm họa của Ðinh Mạnh Tài (Vĩnh Phúc), huy chương đồng; Chân dung tự họa của Duy Anh (Tiền Giang), giải khuyến khích... là những tác phẩm tạo được dấu ấn trong dòng ảnh này. Theo thể lệ, loại ảnh này được chấm chọn riêng, có tiêu chí riêng. Chính sự rạch ròi của Ban tổ chức đã làm cho việc đánh giá ảnh công bằng và hợp lý. Sự rạch ròi đó cũng làm cho tác giả có ý thức chau chuốt ngôn ngữ nhiếp ảnh, sử dụng triệt để hơn khả năng ngôn ngữ của từng loại trong sáng tác, cũng như trong thưởng thức nghệ thuật nhiếp ảnh.