Nhà nhiếp ảnh… không học chụp ảnh
Marc Riboud sinh năm 1923 tại thành phố Lyon, Marc Riboud bấm máy tấm ảnh đầu tiên trong đời vào năm 14 tuổi. Làm quen với máy ảnh từ rất sớm, khởi đầu với chiếc máy Kodak cũ kỹ của cha để lại, nhưng đến tận năm ngoài 20 tuổi, ông mới bắt đầu chính thức nghiên cứu về kỹ thuật nhiếp ảnh.
Sau đó, từ năm 1943 cho đến năm 1945, Riboud tham gia phong trào phản chiến ở Pháp, và theo học ngành kỹ thuật từ năm 1945 đến năm 1948. Cho đến năm 1951, ông vẫn làm việc với vị trí một kỹ sư tại một vài nhà máy ở Lyon, nhiếp ảnh chỉ như một thú vui tay trái của ông. Năm 1953, ông gặp Henri Cartier-Bresson và Robert Capa, những người sáng lập Magnum, và nhận lời làm việc cho hãng thông tấn này. Trong gần ba thập kỷ ở đây, Marc Riboud đã làm nên thành công cho hãng thông tấn này với những bức ảnh phản chiến thấm đẫm tính nhân văn. Ông cũng giữ những vị trí quan trọng trong thời gian làm tại Magnum.
Trong cuộc đời cầm máy ảnh của mình, Marc Riboud từng đặt chân tới nhiều nơi trên thế giới, từ chiến tranh thế giới thứ 2 ở Pháp, cho đến châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu. Ông có khả năng chộp được những khoảnh khắc vô cùng đắt giá trong cuộc sống, điều này đã làm nên danh tiếng cho những bức ảnh. Các tác phẩm của Marc Riboud từng xuất hiện trên nhiều tạp chí, tờ báo nổi tiếng, như Life, Geo, National Geographic, Paris-Match, Stern… Marc Riboud từng hai lần giành giải thưởng nhiếp ảnh của Câu lạc bộ báo chí quốc tế và có triển lãm thành tựu tại Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại Paris và Trung tâm Ảnh báo chí quốc tế tại New York.
Trả lời phỏng vấn của Reuters, Riboud cho biết: “Tôi cho rằng, kinh nghiệm của tôi có được nhờ sự độc lập. Hồi còn làm ở Magnum, tôi từng từ chối một hợp đồng chuyển nhượng rất quan trọng với tạp chí National Geographic, bởi tôi cho rằng một số điều khoản quá khắt khe. Hồi đó, nhiều người ở Magnum còn cho rằng tôi mất trí”.
Riboud tin tưởng rằng “bản năng” săn ảnh, năng khiếu nhiếp ảnh bẩm sinh là quan trọng nhất, và luôn khẳng định mỗi khi bấm máy, ông hoàn toàn không để ý đến kỹ thuật, thậm chí nhiều lúc còn chẳng biết đến kỹ thuật nữa.
Từ năm 1955 cho đến 1957, ông tác nghiệp tại Ấn Độ và Trung Quốc. Đầu thập kỷ 60, ông có mặt ở Liên Xô cũ và Algeria, tại đây ông đã chụp được những hình ảnh về cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Algeria. Từ năm 1968 đến 1969, Marc Riboud lăn lộn tại chiến trường Việt Nam. Tại đây ông đã đi từ Bắc vào Nam, ghi lại được nhiều hình ảnh quý giá về cuộc chiến. Nói về những tấm ảnh của mình, Riboud cho rằng ông chỉ cố gắng kể lại câu chuyện bằng cách nhìn từ cả hai phía, khác với cách mô tả chỉ súng ống, xe tăng, đạn pháo… của không ít phóng viên chiến trường khác.
Ông chia sẻ: “Bạn phải nhìn nhận sự kiện từ cả hai phía, dù sự kiện đó liên quan đến một đất nước hay chỉ một thị trấn nhỏ. Đó là cách tôi đã làm ở cả miền bắc và miền nam Việt Nam trong cuộc chiến tranh, hay ở Israel và các nước A-rập. Tôi làm việc hoàn toàn độc lập. Khi chụp ảnh, đừng cố gắng tìm kiếm, hãy theo sự mách bảo của bản năng, bởi vì khi tìm kiếm, nhiều khi bạn sẽ bỏ qua chính thứ mình cần”.
Những bức ảnh làm nên lịch sử
|
Nhiếp ảnh gia lừng danh này được biết đến với những tấm ảnh chiến tranh từ nhiều vùng đất trên thế giới. Trong đó, được ca ngợi nhiều nhất là bức ảnh chụp một cô gái cầm hoa đứng trước hàng rào lính súng ống đầy mình trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam diễn ra ở thủ đô Washington D.C.
|
Một trong những bức ảnh danh tiếng khác của Marc Riboud là “Người sơn tháp Eiffeel”, chụp tại Paris năm 1953. Bức ảnh mô tả một người thợ sơn đang làm việc tại công trình kiến trúc nổi tiếng này, nhưng không phải trong tư thế bình thường mà như đang múa lượn giữa những thanh thép của ngọn tháp, bên dưới là toàn cảnh thành phố Paris mờ ảo.
Sự hiu quạnh dường như luôn có mặt trong các bức ảnh của Marc Riboud, cho dù bức ảnh đó được chụp tại Ankara hay Paris. Ông cũng hay nhấn mạnh vào cảnh vật, cây cối, bầu trời hay sông nước nhưng trong ảnh của ông, cảnh vật dù chiếm không gian rộng mà vẫn không hề lấn át con người.
Riboud bấm máy bức ảnh hôm 21-10-1967, giữa hàng nghìn người biểu tình phản đối sự dính líu của quân đội Mỹ đến Việt Nam, đúng khoảnh khắc Jane Rose Kasmir cầm một đóa hoa trong tay, dịu dàng nhìn thẳng vào hàng rào lính Mỹ súng giương cao sẵn sàng chặn đoàn biểu tình. Riboud nhớ lại: “Ánh mắt cô ấy như muốn nói chuyện với những người lính, cố gắng thu hút sự chú ý của họ. Chứng kiến khoảnh khắc ấy, tôi đã có cảm giác rằng những người lính dường như đang sợ hãi hơn là cô gái đứng trước những mũi lê nhọn hoắt”. |
Thời gian sau này, khi đã ra khỏi các cuộc chiến, Marc Riboud vẫn tiếp tục đi và chụp ở nhiều nơi trên thế giới, tuy nhiên, như ông nói, nhiệt huyết đã giảm đi ít nhiều, và chụp chủ yếu làm tư liệu. Ông ghi lại tất cả những gì mình thích, như cảnh vật ở Sơn Tây (Trung Quốc), quần thể đền Angkor (Cam-pu-chia), Niger, Bénarès hay Acapulco… và cả cuộc sống thường ngày của trẻ em ở Paris…
Ngày 16-4 tới, Marc Riboud sẽ nhận giải thưởng Sony World Photography Awards tại thành phố Cannes, miền nam nước Pháp. Đây là sự tưởng thưởng hoàn toàn xứng đáng cho một sự nghiệp nhiếp ảnh đồ sộ.