Nhưng các vấn đề kinh tế mà nông dân Nhật Bản đang phải đối mặt khiến họ gần như không thể thu lãi từ việc trồng lúa.
Kết quả là Chính phủ Nhật Bản phải trợ giá cho ngành sản xuất lúa gạo và tìm cách không cho nhập khẩu gạo.
Các nước xuất khẩu gạo phàn nàn rằng việc trợ giá này là vi phạm nguyên tắc buôn bán của thế giới, nhưng nếu không có sự trợ giúp như vậy thì nông dân trồng lúa ở Nhật Bản sẽ rất khó khăn.
Thử đến xem làng Matsunoyama nằm cách thủ đô Tokyo 300km về phía bắc. Thậm chí vào cuối tháng ba, khi hoa anh đào đã nở ở miền nam Nhật Bản thì tuyết vẫn phủ dày trên các cánh đồng lúa ở làng này.
Tuyết phủ dày trên các cánh |
Ông Keichi Obuchi, một nông dân 72 tuổi sống ở làng này, phàn nàn rằng rất khó để kiếm sống trong hoàn cảnh tuyết nhiều như vậy và ông không biết tương lai sẽ ra sao.
Ông Obuchi nói: Tôi đã làm nghề trồng lúa được 40 năm, nhưng tôi không thể tưởng tượng được nghề trồng lúa ở đây sẽ được duy trì mãi mãi. Nông dân trồng lúa ngày càng khó làm ăn. Số hộ trồng lúa đã giảm nhiều.
Ông nói tiếp: Sẽ rất khó duy trì nghề trồng lúa, trong bối cảnh chính sách trợ giá của chính phủ không ổn định.
Ông nói: Cá nhân tôi, tôi không có ai để kế tục nghề trồng lúa khi tôi nghỉ hưu. Cho nên, tôi không biết ruộng lúa của tôi sau này sẽ như thế nào.
Các con gái của ông đã rời bỏ làng lâu rồi, và dân số trong làng đã giảm từ 50.000 người xuống còn 2.800 người trong vòng 50 năm qua.
Tình hình cũng tương tự tại nhiều nơi khác ở Nhật Bản. Chẳng hạn như chung quanh thành phố Yokohama, nhiều ruộng lúa đã biến mất trước làn sóng đô thị hoá.
Các nông dân đã đồng ý bán ruộng lúa của họ cho các công ty phát triển nhà ở và khách sạn, làm thay đổi hẳn cảnh quan một cách nhanh chóng.
Lo ngại các cánh đồng lúa sẽ biến mất, chính phủ nước này đã nỗ lực bảo vệ ngành sản xuất lúa gạo theo hai cách.
Trước hết, nước này ngăn chặn việc nhập khẩu tất cả các nguồn lúa gạo giá rẻ từ các nước lân cận như Trung Quốc và Mỹ.
Thứ hai, chính phủ mua lúa gạo của nông dân với giá cao gấp bốn lần giá thị trường và sau đó bán gạo cho các cửa hàng lương thực với giá thị trường.
Việc mua đắt bán rẻ như vậy khiến người dân đóng thuế Nhật Bản phải chịu phí tổn gần 2 tỷ USD một năm.
Mỹ cho rằng giống lúa Nhật được trồng ở California sẽ được người dân Nhật Bản ưa chuộng và rẻ hơn các giống lúa khác trồng ở Nhật Bản.
Ông Michael Rue thuộc Uỷ ban Lúa gạo California nói: Chúng tôi rất nhạy cảm với quan điểm của Nhật Bản về giá trị văn hoá và an ninh lương thực của ngành sản xuất lúa gạo ở Nhật Bản.
Nhưng tổng sản lượng lúa gạo của chúng tôi chỉ chiếm một phần nhỏ so với lượng gạo mà Nhật Bản tiêu thụ và sản xuất, cho nên gạo California không phải là mối đe doạ đối với sự tồn tại của ngành sản xuất lúa gạo ở Nhật Bản.
Ông nói tiếp: Tuy nhiên, chúng tôi muốn được tự do tiếp thị sản phẩm của mình tới người tiêu dùng Nhật Bản, cũng giống như người Nhật tiếp thị các mặt hàng của họ xuất sang Mỹ.
Australia và Trung Quốc cũng muốn mở rộng thị phần của mình trong thị trường lúa gạo Nhật Bản và muốn nước này chấm dứt các quy định trợ giá lúa gạo và hạn chế việc nhập khẩu gạo.
Nhưng nông dân Nhật Bản nhận thấy rằng họ có thể sẽ mất kế sinh nhai nếu như phải cạnh tranh với lúa gạo giá rẻ của nước ngoài.