Tập trung đào tạo lực lượng nòng cốt
Từ năm 1992, sau khi chương trình IPM được đưa vào Việt Nam, người dân ở nhiều địa phương đã đón nhận và áp dụng rộng rãi. Nhờ đó, tác động tích cực cho sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, những năm gần đây, việc áp dụng IPM có xu hướng chững lại. Nguồn giảng viên IPM quốc gia rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Lê Quốc Doanh cho rằng, lĩnh vực trồng trọt hiện chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất và kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Trong số 10 mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu đạt kim ngạch một tỷ USD thì trồng trọt chiếm tới bảy mặt hàng. Chương trình IPM hay nói rộng ra là bảo vệ “sức khỏe” cây trồng có vai trò rất quan trọng. Hiện nay, cả thị trường trong nước và xuất khẩu đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng nông sản. Việc đẩy mạnh áp dụng chương trình IPM được xem là chìa khóa để mở rộng và đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của thị trường.
Trước yêu cầu của thực tế, trong năm 2020, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã tổ chức hai khóa đào tạo giảng viên IPM (TOT). Trong đó, một lớp được tổ chức tại phía nam và một lớp tổ chức ở phía bắc. Tổng số mỗi lớp học là 30 học viên, thời gian học kéo dài trong 105 ngày, bằng một vụ lúa. Kết thúc khóa học, các học viên trở thành giảng viên quốc gia đào tạo về IPM và trở về các địa phương truyền đạt lại những kiến thức đã học cho nông dân và cán bộ cơ sở. Phó Giám đốc Trung tâm BVTV phía bắc Dương Thị Ngà cho biết, tại phía bắc, mỗi tuần các học viên học sáu ngày, trong đó có năm ngày học tại trung tâm, một ngày thực hành tập huấn cho lớp nông dân (TTS). Phương pháp đào tạo theo hình thức trao đổi hai chiều, vừa học vừa thực hành. Theo đó, học viên được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn như nghiên cứu đồng ruộng; hệ sinh thái; sinh lý của cây lúa; sinh vật gây hại và các biện pháp quản lý; sinh vật có ích và các biện pháp quản lý; nuôi côn trùng; vòng đời và mạng lưới thức ăn; thuốc BVTV; các kỹ năng điều tra, đánh giá… Sau khóa đào tạo TOT, trên cơ sở thảo luận, trao đổi và thực hành, các học viên sẽ nắm được phương pháp điều tra, phân tích hệ sinh thái đồng ruộng lúa; theo dõi diễn biến mật độ, tỷ lệ hại của các đối tượng dịch hại phát sinh cũng như thảo luận đánh giá, phân tích và đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp. Đồng thời, nâng cao nhận thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lúa, nắm bắt được sinh lý của cây lúa qua các giai đoạn phát triển cũng như quy trình quản lý tổng hợp các loại dịch hại trên cây lúa như sâu hại, bệnh hại, cỏ dại, chuột... Cùng với lớp đào tạo TOT, Trung tâm BVTV phía bắc còn phối hợp các địa phương của tỉnh Hưng Yên tổ chức năm lớp huấn luyện nông dân (FFS) trên cây lúa vụ mùa năm 2020. Mỗi lớp học gồm 30 nông dân. Tại khóa huấn luyện này, các học viên TOT trực tiếp triển khai tập huấn cho nông dân từ các kiến thức đã học trong khóa đào tạo.
Ưu tiên nguồn lực nhân rộng chương trình IPM
Chia sẻ về hiệu quả của chương trình IPM, học viên lớp TOT Trần Văn Bính (Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, tại mô hình thí nghiệm đồng ruộng lớp TOT-IPM trên lúa vụ mùa, khi áp dụng quy trình IPM, nhà nông giảm được 40% số giống, giảm một lần phun thuốc BVTV, giảm lượng phân bón hóa học, tăng năng suất 7,5 tạ/ha (khoảng 12%) và tăng hiệu quả kinh tế gần 13,5 triệu đồng/ha so với sản xuất theo tập quán địa phương. Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế, kết quả này còn tạo sức thuyết phục lớn đối với người nông dân. Do đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục nhân rộng chương trình IPM ở tất cả các địa phương. Đồng thời, mở rộng chương trình IPM không chỉ trên lúa mà còn trên nhiều loại cây trồng khác như rau màu, cây ăn quả…
Để tạo lan tỏa việc áp dụng IPM, trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ giao Cục BVTV tiếp tục mở thêm các khóa đào tạo giảng viên IPM tại các địa phương, nhất là tại khu vực Tây Nguyên - “thủ phủ” của cây công nghiệp, cây ăn quả. Đồng thời, phải triển khai áp dụng IPM một cách căn cơ, bài bản, bền vững và hiệu quả. Để làm được điều đó, trước hết ngành nông nghiệp, các địa phương phải nâng cao nhận thức về IPM cho tất cả đối tượng liên quan trong từng chuỗi sản phẩm. Trong đó, các thành phần tham gia vào chuỗi sản xuất, từ doanh nghiệp sản xuất cung ứng vật tư đầu vào như phân bón, thuốc BVTV, đến doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu nông sản... đều phải có trách nhiệm gắn kết, có cơ chế ưu tiên nguồn lực và phối hợp triển khai áp dụng chương trình IPM…
Theo Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam Hoàng Minh Tú, trong giai đoạn tới, chương trình IPM ở nước ta sẽ cần phải có cách tiếp cận theo hướng “sức khỏe cây trồng”. Bởi hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu lớn về nông sản, có vai trò góp phần bảo đảm cho an ninh lương thực - thực phẩm của thế giới. Nông sản Việt Nam không chỉ từng bước đáp ứng những yêu cầu, điều kiện về cạnh tranh nông sản như năng suất, chất lượng, mà còn phải bảo đảm các yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu cho một nền sản xuất có chất lượng về các yếu tố về môi trường - xã hội, tính nhân văn...