Bài 1: Nhiều cơ hội bứt phá
Các FTA thế hệ mới với những cam kết sâu rộng và toàn diện về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ cùng những cam kết cắt giảm thuế quan ở mức độ sâu nhất, gần như về 0% theo lộ trình đã đẩy mạnh tăng trưởng thương mại và đa dạng hóa thị trường cho hầu hết các mặt hàng nông sản Việt Nam.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU năm 2021 đạt 5,59 tỷ USD, tăng 51% so với năm 2020 nhờ lợi thế EVFTA; trong đó, xuất khẩu nhóm hàng nông sản chính đạt kim ngạch khoảng 2,45 tỷ USD. Tại thị trường Anh, kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2021 tăng tới 70,8% so với năm 2020 từ việc thực thi UKVFTA…
Tăng kim ngạch từ lợi thế thuế quan
Theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Lê Hoàng Tài, EVFTA có hiệu lực đã mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam, hưởng lợi nhiều nhất phải kể đến ngành hàng thủy sản. Theo đó, có khoảng 220 số dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở từ 0% đến 22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6% đến 22% đã được đưa về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, số dòng thuế còn lại được cắt giảm về 0% theo lộ trình 3 đến 7 năm, góp phần quan trọng tăng cao sức cạnh tranh về giá của thủy sản Việt Nam so với các sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác.
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu về thủy sản tại thị trường EU đã phục hồi rõ rệt. Riêng 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt gần 28 triệu USD, tăng gần 76%; đối với mặt hàng tôm, xuất khẩu sang EU đạt 159 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Hà Lan, Đức, Bỉ tăng lần lượt là 77%, 59% và 82%. Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020; trong đó, xuất khẩu sang hầu hết các nước thành viên EU đều tăng.
Không chỉ thủy sản, gạo cũng là một trong những mặt hàng tận dụng được nhiều lợi thế nhờ các hiệp định EVFTA, UKVFTA, RCEP. Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận cho biết: “Ngay từ tháng 2/2022, Công ty cổ phần Nông sản Lộc Trời đã hoàn thành việc giao đợt hàng đầu năm hơn 4.500 tấn gạo, trị giá hơn 3 triệu USD (khoảng 80 tỷ đồng), gồm gạo thơm, gạo trắng, gạo lứt và nếp… cho các đối tác tại thị trường EU, ASEAN, Hồng Công (Trung Quốc)... Từ nay đến cuối năm 2022, Lộc Trời tiếp tục tăng cường xuất khẩu gạo thơm vào thị trường EU”. EU hiện cũng là thị trường có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gạo rất khả quan nhờ tận dụng lợi thế EVFTA.
Cụ thể, năm 2021, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 60.000 tấn, trị giá 41 triệu USD, tăng gần 1% về lượng, nhưng tăng hơn 20% về trị giá so với năm 2020 nhờ giá bán cao với chủng loại chủ yếu là gạo thơm. Tính riêng 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 15.500 tấn gạo sang EU, đạt kim ngạch 11,7 triệu USD, tăng gần 4 lần về lượng và tăng 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá gạo bình quân xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 755 USD/tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021.
Đối với Hiệp định RCEP được 10 nước thành viên ASEAN ký kết với các nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã tạo thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, xét về quy mô dân số (với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới) và GDP hơn 27.000 tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.
Sau khi RCEP có hiệu lực, các bên ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình, trong đó có các cam kết cắt bỏ thuế quan. Điều này được kỳ vọng tạo ra nhiều lợi thế cho các mặt hàng nông sản Việt Nam trong thời gian tới, nhất là đối với ngành hàng thủy sản vì ngoài các thành viên ASEAN thì 5 nước đối tác tham gia RCEP đều là các đối tác quan trọng của ngành thủy sản Việt Nam. Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản vào thị trường RCEP hiện chiếm khoảng 52% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Ngoài ra, mặt hàng gạo và trái cây cũng có nhiều cơ hội vì RCEP có sự tham gia của Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng đầu hai mặt hàng này của Việt Nam.
Dư địa thị trường còn rộng lớn
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng: Ngành rau quả, gia vị Việt Nam thuộc tốp đầu ngành hàng được hưởng ưu đãi thuế quan từ EVFTA. Năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường châu Âu có tốc độ tăng trưởng cao, đạt 303 triệu USD, tăng 17,4% so với năm 2020. Đáng chú ý sau giai đoạn phong tỏa, giãn cách vì dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả tại các quốc gia khu vực EU gia tăng mạnh, trong đó sản phẩm rau quả tươi tăng từ 15 đến 20%/năm; sản phẩm chế biến tăng hơn 30%.
Tiềm năng thị trường lớn như vậy, nhưng hiện nay, mặt hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu vào EU mới chỉ chiếm dưới 1% nhu cầu thị trường này cho nên dư địa để doanh nghiệp khai thác còn khá lớn. Bên cạnh rau quả, gạo cũng đang còn nhiều dư địa xuất khẩu vào EU. Theo thông tin từ Bộ Công thương, năm 2021, EU nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo; trong đó 1,6 triệu tấn giao dịch nội khối và 2 triệu tấn nhập khẩu từ các nước bên ngoài EU nhưng thị phần gạo của Việt Nam tại EU mới chỉ chiếm 3,1% trong tổng lượng gạo ngoại khối nhập khẩu vào EU.
Ngoài ra, các thị trường chất lượng cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand hiện cũng rất rộng mở cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam khi Hiệp định RCEP có hiệu lực. Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh thông tin: Nhật Bản hiện đang nhập nhiều loại trái cây, rau, củ của Việt Nam như: chuối, dừa, vải, sầu riêng, hạt điều, đậu tương Nhật, khoai môn… Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu của Việt Nam đều còn ít, cụ thể: xoài tươi mới chiếm 5,5% thị phần nhập khẩu so với Thái Lan là 17,1%; xoài sấy chiếm 4,3% thị phần so với Thái Lan là 19%; đậu tương Nhật, khoai môn mới chỉ chiếm lần lượt 1% và 0,1% thị phần (hai mặt hàng này Nhật Bản chủ yếu nhập từ Trung Quốc).
Ngoài ra, ông Vũ Hoàng Đức, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản cho biết thêm: Hiện số lượng người dân đến từ các nước châu Á đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản khá lớn, đồng thời số lượng người Việt Nam tăng rất nhanh trong những năm qua. Do vậy, hàng nông, thủy sản, thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi và có lượng tiêu thụ tốt tại thị trường Nhật Bản. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 1,8 tỷ USD. Nông, thủy sản Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu sang Nhật Bản trong thời gian tới cho nên cần xúc tiến mở cửa thị trường cho nhiều mặt hàng hơn nữa để sớm tận dụng các ưu đãi từ RCEP.
(Còn nữa)