Đẩy mạnh lưu thông, tiêu thụ nông sản

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên cả nước, nhất là tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, khu vực này có nhiều địa phương nằm trong vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, nên việc tiêu thụ nông sản đang bị ảnh hưởng lớn.

Mô hình tiêu thụ nông sản mùa dịch đảm bảo an toàn.
Mô hình tiêu thụ nông sản mùa dịch đảm bảo an toàn.

Tại các địa phương có diện tích cây ăn trái lớn như: Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng..., nông dân đang đối diện nỗi lo thua lỗ nếu các cấp, các ngành không có biện pháp giúp tiêu thụ nông sản kịp thời, nhất là trong điều kiện 19 tỉnh, thành phố phía nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Vì thế, xây dựng kế hoạch lưu thông, tiêu thụ nông sản phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 đang là yêu cầu cấp bách, vừa bảo đảm tránh tồn hàng cho nông dân, vừa phục vụ nhu cầu thiết yếu về lương thực, thực phẩm của người dân vùng dịch.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam, đồng thời chỉ đạo sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các địa phương rà soát, đánh giá tình hình sản xuất các loại nông sản chính, dự kiến thời gian, sản lượng thu hoạch theo từng tháng đến hết năm 2021; dự báo những vướng mắc trong tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; từ đó đưa ra kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ, giải quyết.

Về vấn đề lưu thông hàng hóa, các tỉnh, thành phố phía nam cũng đã lập thêm “luồng xanh” đường bộ, đường thủy để giải tỏa ách tắc. Đối với vận tải hàng hóa trong nội bộ 19 tỉnh, thành phố phía nam, lái xe, người đi cùng trên xe không cần phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, điều này cũng đã kịp thời giải quyết được vướng mắc, bảo đảm lưu thông hàng hóa. 

Một vấn đề đáng lưu ý hiện nay là cần tập trung cho hoạt động xuất khẩu nông sản, vì tại nhiều địa phương sản xuất nông nghiệp hàng hóa, lượng nông sản rất lớn, chủ yếu phục vụ xuất khẩu, thí dụ như lúa gạo, trái cây, thủy hải sản… ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Các cơ quan chức năng cần đánh giá sát tình hình thương mại nông sản qua một số cửa khẩu đường bộ trong bối cảnh diễn biến mới của dịch Covid-19; nắm chắc thông tin về cửa khẩu, lối mở tuyến biên giới đất liền để hướng dẫn các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp về các quy định, chính sách, phân luồng…, từ đó chủ động có kịch bản phối hợp khi diễn biến dịch phức tạp hơn.

Mặt khác, tiếp tục đàm phán, ký các nghị định thư mở cửa thị trường chính ngạch đối với các sản phẩm nông sản vào thị trường Trung Quốc; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cơ quan thương vụ, tham tán thương mại tại các quốc gia, khu vực khác như Mỹ, EU... để nắm bắt thị trường.