Xây dựng đồng bằng sông Hồng trở thành vùng kinh tế động lực đi đầu

 
Tiềm năng đa dạng và lợi thế vượt trội của vùng

Vùng ÐBSH gồm 12 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Nam Ðịnh, Ninh Bình; chiếm 6,3% diện tích và 23,7% dân số cả nước. Vùng có những ưu thế có thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước. Vùng có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời mang đậm đà bản sắc dân tộc; nhiều danh lam thắng cảnh và những di tích lịch sử gắn liền với những chiến công hào hùng, oanh liệt trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của thế kỷ trước, ÐBSH là hậu phương vững chắc, cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến chống giặc, góp phần giành lại nền độc lập của Tổ quốc.

ÐBSH có tiềm năng to lớn và nhiều lợi thế vượt trội so với nhiều vùng kinh tế khác; có vị trí rất thuận lợi cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Trước hết, ở đây có các vùng sinh thái đa dạng, có cả đồng bằng, trung du và miền núi; có đồng ruộng màu mỡ với đồng bằng ven biển từ thị xã Móng Cái (Quảng Ninh), đến huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và đồng bằng châu thổ sông Hồng. Những vùng sinh thái phong phú như vậy là điều kiện cơ bản để phát triển nền sản xuất hàng hóa nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện. Nhờ đó, ÐBSH được mệnh danh là vựa lúa; hằng năm, tổng sản lượng lương thực có hạt, thực phẩm và nhiều loại nông sản khác đứng thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long); đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh lương thực và hàng hóa nông sản xuất khẩu. Trong vùng có một số tài nguyên khoáng sản với trữ lượng rất lớn như: than đá chiếm 98%, cao lanh chiếm 40%, đá vôi chiếm 25% so với tổng trữ lượng của cả nước.

ÐBSH giữ vai trò cửa ngõ phía bắc của Tổ quốc; hệ thống giao thông hiện có như: mạng lưới đường bộ, đường sông, đường biển, đường hàng không, đường sắt, cảng biển Hải Phòng, Cái Lân (Quảng Ninh), cảng hàng không quốc tế sân bay Nội Bài (Hà Nội,... là những đầu mối nối liền giữa ÐBSH với các vùng kinh tế trong nước và mở rộng quan hệ giao lưu với các nước trong khu vực và thế giới. Ðịa bàn ÐBSH lại "cận kề" với nước bạn Trung Quốc (thị trường to lớn của cả thế giới) và "cách không xa" các nước vùng Ðông - Bắc Á.

Vùng ÐBSH có nguồn nhân lực lớn, trình độ dân trí cao, tập trung đội ngũ trí thức giỏi, nhân dân có truyền thống lao động cần cù và sáng tạo. Vùng đã tập trung khoảng 26% số cán bộ có trình độ cao đẳng và đại học, 72% số cán bộ có trình độ trên đại học, 23,6% lực lượng lao động kỹ thuật của cả nước. Có gần 100 trường cao đẳng, đại học, 70 trường trung học chuyên nghiệp, 60 trường công nhân kỹ thuật và 40 trường dạy nghề; hàng trăm viện nghiên cứu chuyên ngành, trong đó có nhiều viện đầu ngành, hơn 20 bệnh viện đầu ngành, là một trong ba trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước; 100% số tỉnh, thành phố đã hoàn thành phổ cập tiểu học và trung học cơ sở đúng độ tuổi quy định (mục tiêu cả nước là đến năm 2010). Thực tế cho thấy, vùng ÐBSH dẫn đầu các vùng trong cả nước về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực và khả năng nghiên cứu triển khai khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Vùng ÐBSH còn có tiềm lực lớn để phát triển mạnh ngành kinh tế du lịch. Phía đông vùng giáp vịnh Bắc Bộ, tổng chiều dài bờ biển 620 km, có tài nguyên du lịch biển đặc sắc với nhiều bãi biển đẹp, cảnh quan nổi tiếng. Trong đó, vịnh Hạ Long, Bái Tử Long đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản tự nhiên của thế giới. Trong vùng có động Hương Tích, được mệnh danh "thiên nam đệ nhất động", Ao Vua, Suối Hai, Tam Cốc, Bích Ðộng, Côn Sơn, Yên Tử, Phố Hiến,... Có hơn 1.700 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, chiếm 70% số di tích của cả nước. Ðó là những cơ sở để phát triển kinh tế du lịch đa dạng, phong phú, tạo sức hấp dẫn thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước, ngoài nước đến tham quan.

Vùng ÐBSH có lịch sử phát triển công nghiệp và đô thị sớm nhất nước ta. Các ngành phi nông nghiệp và nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng về sản xuất tiểu thủ công nghiệp, mỹ nghệ có sức lan tỏa đáng kể đến các vùng khác. Ðến năm 2004, đã có 12,8% số lao động làm việc trong các ngành công nghiệp, chiếm 24,7% số lao động công nghiệp  cả nước. Cho đến nay, ÐBSH có quy mô sản xuất công nghiệp, dịch vụ, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng được xếp loại nhất, nhì trong cả nước.

Thành tựu và những hạn chế, thách thức

Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong vùng đã phát huy truyền thống đoàn kết và cách mạng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, liên tục phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đang tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời và kiên cường trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Với sự nỗ lực vươn lên của các địa phương, sự quan tâm đầu tư của Ðảng, Nhà nước, nhiều năm qua vùng đã có bước phát triển đáng kể: luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế gấp khoảng 1,3 lần mức tăng trưởng bình quân chung cả nước; giá trị tổng sản phẩm (GDP) của vùng năm 2004 gấp 2,9 lần, mức bình quân/đầu người gấp 2,7 lần, kim ngạch xuất khẩu gấp 3,3 lần so với năm 1996; đã đóng góp cho cả nước 23,3% GDP, 23% giá trị sản xuất công nghiệp, 22,4% ngân sách, 20,5% giá trị xuất khẩu. Ðây là vùng trọng điểm bảo đảm an ninh lương thực cho cả vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, năm 2004, cơ cấu kinh tế hình thành theo tỷ lệ: công nghiệp chiếm 40,5%, dịch vụ 47,8%, nông nghiệp 11,7%; tương ứng, các lĩnh vực ấy năm 1995 là 26,6%,  42,7% và 30,7%. Mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng đã được tăng cường đáng kể, về cơ bản có thể đáp ứng yêu cầu phát triển ở mức cao hơn trước.

Công nghiệp phát triển tương đối nhanh, tập trung nhiều ngành công nghiệp giữ vị trí quan trọng của cả nước, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Tính đến năm 2004, vùng ÐBSH chiếm hơn 40% công suất sản xuất xi-măng, 28% công suất sản xuất thép, 66% công suất lắp ráp ô-tô, 62% công suất lắp ráp xe máy, 54% công suất cơ khí, 22% công suất sản xuất hàng may mặc,... Trên địa bàn vùng đã hình thành 22 khu công nghiệp, khu chế xuất và nhiều cơ sở công nghiệp lớn có công nghệ tương đối hiện đại. Dịch vụ có bước phát triển khá, đạt mức tăng bình quân 8,5%/năm. Số doanh nghiệp công nghiệp chiếm 39,4% và 21% số doanh nghiệp  thương mại, du lịch của cả nước. Ðời sống vật chất và tinh thần nhân dân được cải thiện: GDP bình quân/đầu người đạt mức bình quân cả nước; 95% số hộ nông dân được dùng điện; bình quân cứ 1.757 người dân có một cơ sở y tế (cả nước 6.150 người dân); tỷ lệ số hộ đói nghèo theo tiêu chuẩn cũ giảm từ 9,4% năm 2000, xuống còn 5% năm 2004.

Tuy vậy, trước yêu cầu mới về phát triển kinh tế - xã hội, vùng ÐBSH đang bộc lộ rõ một số mặt hạn chế, yếu kém và thách thức. Phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với vai trò, vị trí, tiềm năng và lợi thế của vùng: mức tăng GDP chưa đạt mục tiêu quy hoạch đề ra; đóng góp của vùng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước còn thấp; công nghệ hiện đại của các ngành sản xuất chiếm tỷ lệ thấp, tốc độ đổi mới chậm (bình quân mới đạt 11 - 12%/năm). Về cơ bản công nghiệp vẫn là gia công, sơ chế, giá trị gia tăng thấp. Kim ngạch xuất khẩu bình quân/đầu người năm 2004 chỉ bằng 88% so với của cả nước và bằng khoảng 20 - 25% so với vùng Ðông Nam Bộ. Môi trường đầu tư chưa thật hấp dẫn, tính đến hết năm 2004, đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào vùng chỉ bằng 27% so với tổng mức đầu tư cả nước và bằng 40% so với vùng Ðông Nam Bộ. Chủ trương phát triển các sản phẩm chủ lực có ưu thế cạnh tranh chưa rõ. Trong nông nghiệp, năng suất lao động, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích còn thấp, chi phí cao, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường nhiều hạn chế. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững. Công nghiệp, đô thị phát triển khá, nhưng còn tự phát, công tác quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch còn yếu, chưa bám sát yêu cầu đề ra, nhất là về phát triển các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề; chưa hình thành được những đô thị văn minh, hiện đại; cải thiện hạ tầng các làng nghề chậm, phát triển khu công nghiệp chưa đi liền bảo đảm an toàn giao thông. Chưa hình thành được các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung cho xuất khẩu. Tỷ lệ số lao động thiếu việc làm ở nông thôn còn lớn, đời sống một bộ phận nhân dân trong vùng còn khó khăn. Một số loại thị trường hình thành chậm và chưa đồng bộ. Là nơi tập trung số doanh nghiệp nhà nước nhiều nhất cả nước, nhưng nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, chậm đổi mới theo hướng cổ phần hóa; tổ chức kinh tế tập thể còn yếu kém và nhiều lúng túng; kinh tế tư nhân nhỏ bé. Tình trạng lãng phí, tham nhũng còn diễn ra khá phổ biến, có nơi nghiêm trọng.

Trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng, giữa các tiểu vùng còn có sự chênh lệch đáng kể. Mức GDP bình quân đầu người các tỉnh phía nam sông Hồng chỉ bằng 49% so với các tỉnh, thành phố phía bắc sông Hồng. Trình độ sản xuất và mức phát triển ở nông thôn của nhiều tỉnh còn thấp; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng và bảo vệ môi trường. Tình trạng di dân vào thành phố tìm việc làm hoặc đến các địa phương khác còn lớn, gây sức ép về dân số, giải quyết việc làm ở thành phố và những nơi tập trung, nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp.

Những hạn chế, yếu kém và thách thức nêu trên là do nhiều nguyên nhân, nổi lên là: Nhận thức của các bộ, ngành Trung ương và địa phương về vị trí, tiềm năng, lợi thế của vùng chưa đầy đủ, cơ chế, chính sách để phát huy cao nhất lợi thế của vùng còn hạn chế. Chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch còn thấp, chậm xây dựng  chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng trong từng giai đoạn; quy hoạch ngành, sản phẩm của từng tỉnh, thành phố chưa gắn kết trong không gian kinh tế cả vùng. Chưa tập trung đầu tư thích đáng cho xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, thủy lợi, đê, kè chống lũ, cơ sở hạ tầng đô thị và nông nghiệp, nông thôn. Nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật, doanh nhân còn thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng; năng lực lãnh đạo và quản lý của các cấp chưa đáp ứng yêu cầu, sự phối hợp chủ động giữa các bộ, ngành Trung ương với các địa phương còn chưa chặt chẽ.

Quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội của vùng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020

Tiếp tục phát huy cao độ lợi thế của vùng, cùng với sự tập trung đầu tư của Trung ương, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài; bảo đảm liên kết chặt chẽ, thống nhất trong không gian kinh tế vùng, đưa kinh tế của vùng phát triển với tốc độ cao, hiệu quả và bền vững, xứng đáng với vị trí của vùng, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HÐH và tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng trưởng kinh tế đi liền với giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các địa phương trong vùng.  Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội. Coi trọng việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.  Ði đôi với phát triển kinh tế - xã hội, luôn quan tâm giữ vững ổn định chính trị, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Ðảng, chính quyền và các đoàn thể vững mạnh, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Mục tiêu đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 là:

Tập trung đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển thời kỳ CNH, HÐH. Phát huy tối đa các lợi thế về tài nguyên, nguồn nhân lực, trí tuệ của đội ngũ trí thức, doanh nhân; phát huy tinh thần cần cù, sáng tạo, tiết kiệm của nhân dân để phát triển nhanh, đạt trình độ cao; tiếp tục khẳng định rõ vai trò của vùng kinh tế động lực, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước, thúc đẩy hỗ trợ các vùng khác, nhất là các vùng khó khăn cùng phát triển. Phấn đấu đạt mục tiêu cơ bản trở thành vùng công nghiệp trước năm 2020.

Những nhiệm vụ chủ yếu:

Về kinh tế

Ðưa nhịp độ tăng GDP bình quân hàng năm đạt 11 - 12% (trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 14,3 - 15,3%; dịch vụ 10 - 11%; nông, lâm, ngư nghiệp 3,5 - 4%), riêng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân của vùng; đóng góp 40 - 45% cho ngân sách Trung ương giai đoạn 2006 - 2010; xuất khẩu tăng 9 - 10%/năm, chiếm 20 - 25% tổng giá trị xuất khẩu cả nước; tỷ trọng GDP đạt khoảng 23 - 24% so với GDP cả nước vào năm 2010 và 26 - 27% vào năm 2020. Ðến năm 2010, công nghiệp - xây dựng chiếm 42%, dịch vụ 48%, nông nghiệp 10% trong tổng GDP. Góp phần quan trọng vào bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải đi liền xây dựng các khu dân cư, bảo đảm điều kiện sống tốt cho người lao động; có chính sách để nông dân góp cổ phần bằng quỹ đất tham gia vào khu công nghiệp, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, hạn chế lấy đất tốt trồng lúa sang làm khu công nghiệp. Phát triển mạnh công nghiệp theo hướng: công nghiệp phần mềm, thiết bị tin học, tự động hóa thành ngành công nghiệp mũi nhọn; phát triển mạnh một số ngành công nghiệp chủ lực như: công nghiệp chế tạo máy, thép, điện tử, đóng tàu, khai thác than, sản xuất điện, xi-măng, vật liệu xây dựng cao cấp, dược phẩm, chế biến nông, lâm, hải sản, dệt, da, may mặc, công nghiệp phụ trợ; giảm tỷ lệ gia công, tăng giá trị sản phẩm quốc gia.

Tập trung phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch để nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, như: dịch vụ tài chính, ngân hàng, vận tải, bưu chính - viễn thông, hàng hải, hàng không, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, xuất khẩu lao động..., hình thành các trung tâm thương mại, khu du lịch, an dưỡng hiện đại, chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế mà hạt nhân là thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long (Quảng Ninh).

Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp sinh thái sạch, công nghệ cao, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị trên mỗi đơn vị diện tích, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia (sản lượng lương thực của vùng đến 2010 đạt khoảng 7,5 - 8 triệu tấn, trong đó lúa khoảng 7 triệu tấn). Phát triển mạnh ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp, các làng nghề. Tăng cường đầu tư hệ thống đê điều, các công trình thủy lợi. Xây dựng mô hình nông thôn mới gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa làng, xã Việt Nam.

Phát triển các tiểu vùng, tạo sức mạnh  tổng hợp cho cả vùng:

Thứ nhất, với tiểu vùng Bắc sông Hồng (vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ):  Hình thành các trung tâm kinh tế lớn gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, xây dựng khu kinh tế tổng hợp Vân Ðồn, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) và các vùng sản xuất hàng hóa lớn khác là hạt nhân của vùng, hỗ trợ các tỉnh phía nam sông Hồng và các vùng khác.

Thứ hai, với tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng: Chuyển mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; chuyển đổi số diện tích vùng trũng trồng lúa năng suất thấp, sang nuôi, trồng các loại thủy, đặc sản,... Có biện pháp tốt cho việc cắt lũ, ngăn lũ, bảo đảm an toàn khi có mức lũ cao. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là các làng nghề có sản phẩm tinh xảo; hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ gắn với phát triển dịch vụ, du lịch. Khai thác các tiềm năng về khoáng sản, trước hết là đá vôi sản xuất xi-măng, đá xây dựng, sét làm gạch, ngói. Xây dựng thành phố Nam Ðịnh thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục, đào tạo nghề làm hạt nhân phát triển của tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

Thứ ba, vùng kinh tế biển và ven biển: Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực ven biển và hải đảo: cảng biển, đê biển, đường giao thông, bưu chính - viễn thông, điện, nước, cơ sở xử lý chất thải bảo vệ môi trường. Phát triển các ngành đóng tàu, dầu khí, các dịch vụ vận tải biển.  Ðẩy mạnh việc nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản, mở rộng và quản lý chặt chẽ đánh bắt xa bờ. Tăng cường các điều kiện và lực lượng bảo đảm an ninh tuyến biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo. Hình thành các trung tâm thương mại, du lịch, các khu vui chơi giải trí, an dưỡng, chữa bệnh cao cấp. Tạo bước đột phá ra biển của các tỉnh nam đồng bằng sông Hồng, thu hút và phân bố dân cư hướng đến những nơi có điều kiện tổ chức dân cư và lao động sống bằng nghề thủy sản. Nâng cấp đồng muối hiện có ở Nam Ðịnh, Thái Bình. Phát triển kết cấu hạ tầng ven biển,...

Thứ tư, hình thành và phát triển có hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế với các tỉnh phía nam Trung Quốc: các tỉnh trong vùng tích cực tham gia hình thành và phát huy tác dụng hai tuyến hành lang Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tuyến Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và tuyến vành đai Quảng Tây (Trung Quốc) - Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng - Ðồ Sơn, để phát triển kinh tế có hiệu quả.

Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị

Tăng cường đầu tư để xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, đê điều và kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển đô thị và nông thôn văn minh, hiện đại. Xây dựng mới, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt trên cao, hệ thống tàu điện ngầm ở thành phố Hà Nội. Sớm xây dựng các cầu qua sông Hồng, mở rộng đường từ Hà Nội về các tỉnh liền kề, kè hai bờ sông Hồng, bê-tông hóa các tuyến đê chống lũ trên địa bàn Hà Nội.

Xây dựng các đường cao tốc đến Ninh Bình, Hạ Long, Móng Cái, Hải Phòng, Việt Trì, Thái Nguyên, Hòa Lạc; nâng cấp các trục đường nối từ tuyến cao tốc đến các thành phố, thị xã ra các cảng, cửa khẩu biên giới, các khu công nghiệp; xây dựng đường giao thông ven biển từ Thanh Hóa đến Hải Phòng - Quảng Ninh.  Cải tạo, nâng cấp, hình thành hệ thống đường sắt hiện đại, xây dựng mới đoạn đường sắt Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, đường sắt ra cảng Ðình Vũ (Hải Phòng).

Mở rộng quy mô công suất sân bay Quốc tế Nội Bài lên 10 - 12 triệu hành khách/năm vào 2010; nâng cấp sân bay Cát Bi, xây dựng sân bay Vân Ðồn (Quảng Ninh) và nghiên cứu xây dựng sân bay dự phòng cho khu vực phía bắc.

Xây dựng cảng cạn trung chuyển có quy mô lớn và hiện đại tại Hải Dương. Cải tạo luồng vào cảng, hiện đại hóa cảng Hải Phòng; nghiên cứu nếu đủ điều kiện thì xây dựng cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) và mở rộng nâng cấp cảng Cái Lân và các cảng chuyên dùng ở khu vực Quảng Ninh. Cải tạo hệ thống giao thông thủy sông Hồng, sông Ðáy, sông Tích, sông Châu,... Từng bước bê-tông hóa hệ thống đê, kè bờ những nơi sạt lở xung yếu, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc - Hưng - Hải.

Hình thành chuỗi đô thị mới, hiện đại hóa các đô thị lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long, Nam Ðịnh và các thành phố, thị xã khác. Xây dựng hệ thống các đô thị vệ tinh vừa và nhỏ để giảm bớt áp lực tập trung dân số vào các đô thị lớn, gắn liền với xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng có hiệu quả các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên các trục quốc lộ số 1, 5, 10, 21 và quốc lộ số 18, gắn với quy hoạch đồng bộ khu dân cư.  Xây dựng khu kinh tế tổng hợp Vân Ðồn (Quảng Ninh) với các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, sạch, các ngành thương mại, du lịch, dịch vụ sinh thái cao cấp, bảo tồn thiên nhiên và nuôi trồng hải sản, xây dựng Móng Cái trở thành thành phố cửa khẩu quốc tế quan trọng trong quy hoạch vành đai kinh tế ven biển Quảng Tây - Móng Cái - Hạ Long - Ðồ Sơn để đẩy mạnh xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Về phát triển văn hóa, xã hội

Có kế hoạch, biện pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Bảo đảm 100% nhân dân ở đô thị được dùng nước máy, 85% số dân nông thôn được dùng nước sạch, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm ít nhất 2%; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 5 tuổi trở xuống còn dưới 10%. Loại trừ các loại dịch bệnh, giảm tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS, ma túy, tệ nạn xã hội; bảo đảm an toàn giao thông.

Tăng đầu tư cho giáo dục đào tạo. Quy hoạch lại các trường đại học, đào tạo nghề có chất lượng cao theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu lao động kỹ thuật của vùng và cả nước. Sớm hình thành mạng lưới nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện đại thuộc một số ngành quan trọng tại một số địa phương trong vùng (nhất là các Trung tâm nghiên cứu giống, cây trồng, vật nuôi). Từ nay đến 2010 đào tạo khoảng 30 - 35 vạn lao động kỹ thuật lành nghề cho các ngành kinh tế quốc dân và xuất khẩu lao động.

Ðầu tư xây dựng một số trung tâm y tế chuyên sâu ngang tầm khu vực ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Ðịnh đủ điều kiện cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao phục vụ nhân dân trong vùng và cho người nước ngoài, khách du lịch - an dưỡng; nâng cấp các bệnh viện tỉnh, huyện, hệ thống trạm xá xã, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Xây dựng, tôn tạo các khu di tích lịch sử, kết hợp với du lịch như di tích Thăng Long (Tràng An) -  Hoa Lư (Ninh Bình), thành cổ Sơn Tây, Côn Sơn - Chí Linh (Hải Dương),...

Xây dựng các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ hiện đại, tiên tiến vào sản xuất và đời sống; hình thành mạng lưới tổ chức tư vấn, hỗ trợ khuyến công, nông, lâm, ngư để chuyển giao công nghệ có hiệu quả. Bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh đạt cấp độ trung bình trong khu vực.

Ðẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao, khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường, tạo điều kiện cho các thành phần ngoài nhà nước đầu tư vào lĩnh vực này.

Các giải pháp cơ bản cần thực hiện

Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch từng địa phương, ngành, sản phẩm chủ yếu; thống nhất giữa quy hoạch vùng với quy hoạch theo địa giới hành chính từng địa phương trên cơ sở phát huy lợi thế của từng tiểu vùng, từng tỉnh; quản lý xây dựng theo quy hoạch. Nghiên cứu mở rộng không gian thành phố Hà Nội phù hợp với yêu cầu phát triển lâu dài. Xây dựng cơ chế, chính sách và mô hình quản lý để điều phối, thống nhất chỉ đạo có hiệu quả quy hoạch của vùng và từng địa phương. Huy động tối đa để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển (vừa qua mới đáp ứng được 60 - 70% nhu cầu) cả đầu tư trong nước và nước ngoài. Phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo nội dung Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 9 (khóa IX) của Ðảng. Xây dựng các tập đoàn kinh tế mạnh, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp, thu hút mạnh các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Phát huy tối đa mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; thực hiện tốt xã hội hóa trên một số lĩnh vực để phát triển kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Phát triển đồng bộ các loại thị trường, nhằm thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nghiên cứu sắp xếp, bố trí hợp lý dân cư trong vùng gắn với các vùng khác để giải quyết việc làm, giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp.

Ðào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gồm: đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân, trí thức, doanh nhân, cán bộ quản lý. Sắp xếp lại các trường đại học, đào tạo nghề, viện nghiên cứu; mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo; tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống.

Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục quán triệt nghị quyết của Ðảng để mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận rõ yêu cầu quan trọng, cấp bách về chiến lược phát triển nhanh, có hiệu quả của vùng là nhiệm vụ trực tiếp của các địa phương, đồng thời là nhiệm vụ của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương khác.

Kiện toàn hệ thống chính trị các cấp, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm số lượng và chất lượng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, cải cách hành chính gắn với phân cấp mạnh cho địa phương để nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý và điều hành.

Vùng ÐBSH có tiềm năng, lợi thế vượt trội và cũng là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, tạo động lực phát triển của cả nước, nhất là đối với khu vực phía bắc, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HÐH, tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành từ Trung ương đến địa phương và cơ sở cần có quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ để khắc phục có hiệu quả những hạn chế, vượt qua những cản trở, thách thức, đồng thời triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Ðảng và Nhà nước, đưa  kinh tế vùng phát triển với nhịp độ cao, hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.