Nhân danh lịch sử để xuyên tạc lịch sử Việt Nam (Tiếp theo và hết) (*)

Ứng dụng thuyết “xung đột vùng miền”, K.Tay-lo xem cuộc tranh chấp giữa nhà Mạc và nhà Lê trung hưng trong thế kỷ 16 như cuộc xung đột giữa Đông Kinh với Thanh Nghệ: “Đông Kinh đã trung thành sâu sắc với gia đình họ Mạc trong thế kỷ 16 và Đông Kinh đã cứng rắn chống lại cuộc chinh phục của đoàn quân Thanh Nghệ vào cuối thế kỷ này”. K.Tay-lo nhận định: “Cuộc xung đột vùng giữa Đông Kinh và Thanh Nghệ là đặc điểm nổi bật trong hình dung của chúng ta về một kinh nghiệm lịch sử Việt Nam… Bắt đầu với Hồ Quý Ly và sau đó với Lê Lợi, Thanh Nghệ trở thành khu vực của các vị vua và lãnh chúa có khao khát thống trị Đông Kinh”.

Tương tự, ông ta giải thích, sự phân tranh giữa họ Trịnh và họ Nguyễn là xung đột giữa Đông Kinh và Thuận Quảng, khởi nghĩa Tây Sơn là “sự phản ứng của vùng Bình Định trước những yêu sách của các nhà cai trị Thuận Quảng áp đặt lên vùng này”. Vùng Bình Định “sản sinh ra một nhân vật, Nguyễn Huệ, người dẫn quân từ lãnh thổ này sang lãnh thổ khác và cố tìm cách thống nhất mọi khu vực của người Việt dưới uy quyền của ông”. Sau khi Nguyễn Huệ qua đời, “Nguyễn Ánh cuối cùng đã xây dựng nền tảng quyền lực tại Sài Gòn ở Nam Bộ, và từ đây chinh phục các vùng ở miền bắc nơi người Việt sinh sống, lập nên một vương quốc vào đầu thế kỷ 19 mà trước đó chưa bao giờ tồn tại”!

Cho nên không chỉ người đọc Việt Nam cảm thấy chối tai trước những từ “xung đột”, “chinh phục” cứ bị lặp đi lặp lại… mà người đọc ở nước ngoài cũng thấy không chịu nổi. Như GS N.G.Ô-oen đã nhận xét: Trong cuốn Một lịch sử của người Việt Nam “các tiêu đề lớn nhỏ - Chiến tranh 70 năm, Chiến tranh 50 năm, Chiến tranh 30 năm - gợi lên ý nghĩ về những cuộc xung đột nồi da xáo thịt đẫm máu và liên miên, nhưng không nói đến nhiều cuộc chiến tranh với nước ngoài và vô số các cuộc nổi dậy. Kết quả là một bức tranh chắp vá về mặt chính trị và văn hóa” (asiapacific.anu.edu.au).

Thuyết “xung đột vùng miền” của K.Tay-lo xây dựng trên các kiến thức và quan điểm sai lầm, nên không khó để bác bỏ. Thật ra, các cuộc nội chiến nói trên xảy ra giữa hai thế lực chính trị - quân sự có quyền lợi mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn, chiến tranh Nam triều - Bắc triều là giữa nhà Mạc (lật đổ nhà Lê) và nhà Lê trung hưng (tìm cách lập lại ngai vàng của dòng họ mình); Trịnh - Nguyễn phân tranh xảy ra giữa con cháu của Nguyễn Kim (người đầu tiên khởi xướng việc trung hưng nhà Lê) và con cháu của Trịnh Kiểm (người bị xem là đã giết con trai của Nguyễn Kim), v.v. Những thế lực này hoàn toàn không đại diện cho quyền lợi một vùng miền nào và chưa hẳn đã nhận được sự ủng hộ của người dân trong vùng miền đó. Thái độ chính trị của một người không phụ thuộc vào việc người đó ở một vùng miền nào. Không hiếm những người thay đổi thái độ chính trị, thí dụ như cha con Nguyễn Thiến. Nguyễn Thiến làm thượng thư nhà Mạc, hai con là Quyện và Miễn làm tướng của nhà Mạc, nhiều lần cầm quân đánh nhau với nhà Lê. Do mâu thuẫn trong nội bộ nhà Mạc, ba cha con đã dẫn quân bản bộ về hàng nhà Lê (1550). Năm sau, Quyện theo quân nhà Lê ra đánh nhà Mạc. Năm 1557, sau khi cha qua đời, Quyện và Miễn lại bỏ nhà Lê, trở về với nhà Mạc, lập nhiều chiến công. Năm 1592, Quyện và Miễn bị nhà Lê bắt, sau bị giết. Thử hỏi K. Tay-lo sẽ xếp ba cha con của Nguyễn Thiến vào vùng miền nào?

Thuyết “xung đột vùng miền” trở nên nguy hiểm khi K. Tay-lo biến các cuộc chiến tranh xâm lược của nước ngoài thành nội chiến, phủ nhận các phong trào đấu tranh bảo vệ độc lập, hay giải phóng dân tộc của người Việt Nam. Chẳng hạn như nhà Minh xâm lược Việt Nam đầu thế kỷ 15, K. Tay-lo quả quyết: “Có nhiều bằng chứng cho thấy đa số sĩ phu ở Đông Kinh sẵn sàng chấp nhận sự cai trị của quân Minh và nhiều thế gia vọng tộc ở khu vực này (…) đã trung thành phục vụ quân Minh (…). Hiệu lực sự cai trị của nhà Minh đã không thể xảy ra nếu không có sự chấp nhận và tham gia với mức độ lớn của người địa phương”. Theo K. Tay-lo thì “người Đông Kinh nhìn Lê Lợi như một kẻ nổi loạn nhà quê”, “Không khó để đọc cái gọi là phong trào giải phóng dân tộc của Lê Lợi như là cuộc chinh phục của Thanh Nghệ đối với Đông Kinh, với việc nhiều nhân vật Đông Kinh xem người Minh như thế lực bảo vệ chống sự quê kệch của các tỉnh phía Nam”! Tương tự như thế, với lịch sử Việt Nam ở giữa thế kỷ 19, K. Taylor cho rằng: “khi vấn đề bảo hộ của Pháp xuất hiện, giới tinh hoa Thuận Quảng ủng hộ việc hòa hoãn và hợp tác để cứu chế độ quân chủ, trong khi các lãnh đạo Thanh Nghệ lại ủng hộ cuộc kháng chiến… Chính sự chủ động của người Thanh Nghệ đã dẫn đến việc đưa hoàng gia thoát khỏi Huế và kêu gọi “Cần vương” năm 1885… trong lúc các lãnh đạo Thuận Quảng nhanh chóng hòa hoãn với Pháp chống lại các đối thủ Thanh Nghệ của họ”!

Kết quả là, trong khi hư cấu, cường điệu về xung đột vùng miền giữa Đông Kinh và Thanh Nghệ hay giữa Thanh Nghệ và Thuận Quảng, K. Tay-lo đã cố tình che giấu tội ác xâm lược của nhà Minh, của thực dân Pháp ở Việt Nam. Thuyết “xung đột vùng miền” không dừng lại ở đó. Trong bài điểm sách Một lịch sử của người Việt Nam, GS, TS L.C.Ken-ly ở Đại học Ha-oai (Mỹ) viết: “Qua cuốn sách dài hơi này, Tay-lo nhiều lần lôi kéo sự chú ý của người đọc vào những kích thước vùng miền của lịch sử Việt Nam. Đó là căng thẳng giữa Thanh Hóa và Thăng Long trong những thế kỷ trước hay giữa Sài Gòn và Hà Nội trong thời gian gần đây hơn, chủ nghĩa địa phương đã là một nét đặc trưng lâu dài trong trải nghiệm lịch sử của những người nói tiếng Việt…” (Journal of Vietnamese Studies, vol. 9, 1-1-2014). Bình luận của L.C.Ken-ly để lộ thâm ý của K.Tay-lo trong Một lịch sử của người Việt Nam là muốn dẫn dắt người đọc đi đến kết luận: chiến tranh trong hai thập niên qua tại Việt Nam chỉ là “xung đột vùng miền” giữa miền bắc và miền nam chứ không phải là chiến tranh xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam!

2. Việt Nam không có lịch sử và văn hóa thống nhất, phát triển liên tục (?)

Theo K.Tay-lo, “những người quyết tâm cai trị toàn bộ các dân tộc Việt sẽ nhấn mạnh về một lịch sử và văn hóa Việt Nam đơn nhất, với một cội nguồn duy nhất và một xung lực duy nhất xuyên suốt thời gian và không gian. Nhưng những giấc mơ về tính độc nhất này là sự thể hiện niềm tin chính trị, chứ không phải là điều nghiễm nhiên”. Ngược lại, K.Tay-lo chủ trương “chia lịch sử và văn hóa Việt Nam thành mỗi khu vực” để từ đó cho rằng “lịch sử của mỗi vùng cũng đứt đoạn”, “mang tính chất giai đoạn, chứ không tiến triển liên tục”. K.Tay-lo không thừa nhận có một dân tộc Việt Nam thống nhất, tồn tại liên tục hàng nghìn năm nay. Để làm điều này, K.Tay-lo đưa ra khái niệm “những người nói tiếng Việt” (people who speak Vietnamese) cùng sống trên mảnh đất hình chữ S; và những người nói tiếng Việt không nhất thiết hợp thành một dân tộc Việt duy nhất, cũng như những người nói tiếng Anh ở Mỹ, Anh, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân… thuộc nhiều dân tộc khác nhau! Khái niệm “những người nói tiếng Việt” gợi nhớ tới mồ ma T.Đác Giăng-li-ơ. Trong Thông tư số 215/CP.Cab ngày 15-1-1947, viên Cao ủy Pháp tại Đông Dương này cấm dùng từ “Việt Nam” trong các tài liệu chính thức, trên báo chí cũng như khi trò chuyện; thay vào đó, ông ta bắt dùng cụm từ “ba xứ nói tiếng An Nam” (trois pays de langue annamite - ba xứ là Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Philippe Devillers, Paris - Sài Gòn - Hà Nội, hồ sơ lưu trữ chiến tranh 1944 - 1947 [Paris - Saigon - Hanoi, les archives de la guerre 1944 - 1947], NXB Gallimard/Julliard, Paris, 1988, tr.336).

K.Tay-lo không thể chối bỏ một thực tế hiển nhiên là người Việt từ Lũng Cú đến mũi Cà Mau “đều nói một ngôn ngữ mà tất cả đều hiểu”, nhưng vẫn gượng gạo đưa ra nhận xét: “Cái “ngôn ngữ chung” đó là một lớp âm thanh, từ vựng và cú pháp tương đối hời hợt (?!) mà ẩn bên dưới đó là những lớp sâu sắc hơn của những mô hình ngôn ngữ vùng”, “bên dưới lớp âm thanh, ngữ âm, lời nói chung, hay bất kỳ cách tưởng tượng nào của chúng ta về hiện tượng ngôn ngữ con người, là những con người khác biệt mà cái nhìn của họ về bản thân và người khác dựa vào địa hình vùng họ sống và dựa vào những trao đổi văn hóa có được tại vùng đó”. Không chỉ khác biệt trong không gian, người Việt còn khác biệt trong thời gian: “Người Việt thế kỷ 13, 15, 17 không giống người Việt thế kỷ 20”!

K.Tay-lo coi Việt Nam không phải là một dân tộc thống nhất, phát triển liên tục nên ông ta đã phủ nhận việc Việt Nam có một lịch sử chung: “Ý tưởng về một “lịch sử chung” là một điều được tưởng tượng và tranh luận, chứ không phải là một vấn đề hiển nhiên; nó không phải là một di sản rõ rệt, mà đúng hơn, nó được nghĩ ra, dạy dỗ và học từ thế hệ này sang thế hệ khác: nó là vấn đề truyền thụ. Một “lịch sử chung của người Việt” là chuyện ý thức hệ và chính trị, không phải là học thuật (…). Việc xây dựng một “lịch sử chung” nằm trong địa hạt thần thoại”. K.Tay-lo cũng phủ nhận Việt Nam có bản sắc văn hóa dân tộc. Nếu các nhà viết sử thường nhận định “người Việt Nam trở thành một loại người riêng biệt nhờ một phản ứng chung hay thống nhất trước mối đe dọa can thiệp của nước ngoài” thì K.Tay-lo bác bỏ, coi đó “đơn giản là sự kiêu ngạo của cách viết sử dân tộc chủ nghĩa đã biến “tinh thần chống ngoại xâm” thành tố chất vĩnh cửu trong “bản sắc Việt Nam”…”.

K.Tay-lo thường bác bỏ quan điểm sử học của Việt Nam trước kia cũng như hiện nay, coi đó là sử học dân tộc chủ nghĩa, sử học bị chính trị hóa. Thực ra chính K.Tay-lo dưới lớp áo “sử gia” đã sử dụng sử học để phục vụ những quan điểm chính trị sai trái, xuyên tạc lịch sử Việt Nam, biện minh cho chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Thế nhưng, gần đây, không biết do chưa nắm bắt được quan điểm sử học đầy sai trái của K.Tay-lo hay vì lý do nào khác mà trong diễn văn tại lễ trao giải của một quỹ văn hóa ở Việt Nam, người thay mặt quỹ này lại ca ngợi K.Tay-lo là “người thật sự yêu đất nước này, muốn hiểu nó tận cùng như hiểu chính mình, để cho đất nước anh hùng mà khổ đau này sống thật đàng hoàng trong thế giới xiết bao khó nhọc ngày nay”, thậm chí còn “cảm ơn K.Tay-lo vì tình yêu chân chính và nỗ lực trằn trọc của ông cho khoa học lịch sử Việt Nam, cho Việt Nam”!?

Thật mỉa mai cho cái gọi là giải thưởng đã xuyên tạc trắng trợn lịch sử Việt Nam! Chẳng lẽ họ không biết đâu là những kẻ đã gây ra bao nỗi khổ đau bất hạnh cho đất nước này. Chẳng lẽ họ đồng tình với kết luận mà K.Tay-lo rút ra khi nghiên cứu lịch sử Việt Nam? Phải chăng vì K.Tay-lo “yêu Việt Nam” theo kiểu mà họ “đang yêu” là lợi dụng tên tuổi của Phan Chu Trinh - một chí sĩ trọn đời hy sinh cho dân, cho nước - để phục vụ mục đích riêng? Đó là câu hỏi chính họ, chứ không ai khác, phải trả lời trước dân tộc, trước Tổ quốc!

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 3-11-2015.