Nhân dân Vật Lại trồng cây theo lời Bác

Ðối với nhân dân xã Vật Lại  (huyện Ba Vì, Hà Nội), cây đa Bác Hồ trồng vào Xuân Kỷ Dậu (năm 1969), trên đồi Ðồng Váng, thôn Yên Bồ là một báu vật. Trông cây lại nhớ đến lời Người nhắc nhở: Trồng cây nào phải sống cây đấy. Vâng lời Bác dạy, người dân Vật Lại đã quyết tâm làm giàu trên chính quê hương mình từ những mầm cây.

Ông Phùng Văn Thăng kể lại kỷ niệm ngày Bác Hồ đến thăm xã Vật Lại.
Ông Phùng Văn Thăng kể lại kỷ niệm ngày Bác Hồ đến thăm xã Vật Lại.

Đến thăm Di tích cây đa Bác Hồ trồng trên đồi Ðồng Váng, nhiều người như vẫn cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người trong tâm hồn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và tình cảm kính yêu của người dân đối với Bác cũng là một thứ tình cảm thiêng liêng ngày càng tỏa rộng. Nhìn cây nhớ Bác. Cây đa Bác trồng vươn cao xòe tán rộng, che chở, tỏa bóng cho người dân và du khách tham quan. Xa xa, những hàng cây được trồng từ năm này qua năm khác, như ôm ấp, xum tụ hướng về. Hình tượng này mang đến cả những liên tưởng xa xưa, ngày Bác về thăm xã Vật Lại, mọi người vây quanh sướng vui, xúc động được trò chuyện với Bác.

Cây đa Bác Hồ trên đồi Ðồng Váng chính là cây đa trong “Tết trồng cây” cuối cùng của Bác. Và chuyện ấy vẫn in đậm trong ký ức của mọi người. Ông Phùng Văn Thăng, sinh năm 1930, nguyên Bí thư Ðảng ủy xã Vật Lại năm Bác về thăm, nói: “Trước Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Vật Lại sống rất cực khổ dưới sự bóc lột và tội ác của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai. Chính vì vậy, nhân dân luôn biết ơn Ðảng, Bác Hồ đã xóa bỏ gông xiềng cho nhân dân có ruộng cày, có đời sống ấm no”. Về chuyện xã Vật Lại được đón Bác Hồ về trồng cây, ông Thăng kể lại câu chuyện cụ thể thế này: Năm 1964, Bác đến thăm xã Vinh Quang (nay là xã Ðào Xá, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ), trên đường đi Bác nghỉ chân ở một ngọn đồi hoang thuộc xã Chu Mật, huyện Ba Vì. Thấy ngọn đồi chỉ có vài cây lúp xúp, Bác đã nhắc người dân trồng cây. Biết được câu chuyện đó, các cụ bô lão ở thôn Yên Bồ, xã Vật Lại bèn bàn nhau trồng một đồi cây và đặt tên là “Ðồi cây đón Bác”. Năm này qua năm khác, người dân vẫn ước nguyện được Bác về thăm một lần. Ðể “hiện thực hóa” ước nguyện đó, Ðảng bộ và nhân dân trong xã đã xây dựng nhiều phong trào, trong đó có phong trào “Tết trồng cây” theo lời Bác dạy diễn ra rất sôi nổi. Các hợp tác xã thành lập hẳn những đội trồng cây để phủ xanh đồi trọc, tăng thu nhập gia đình theo phương châm “Ba xanh, hai phòng, một bóng” (Ba xanh gồm: xanh đồi, xanh đồng, xanh đường; hai phòng:  phòng không, phòng hộ; một bóng: bóng mát). Riêng ở thôn Yên Bồ ngoài “Ðồi cây đón Bác”  còn có “Ðường cây đón Bác”.

Ước nguyện của nhân dân xã Vật Lại đã thành hiện thực. Mùa Xuân Kỷ Dậu (năm 1969), Bác Hồ đã chọn đồi Ðồng Váng để phát động phong trào Tết trồng cây. Ông Thăng kể: “Khoảng 8 giờ mồng 1 Tết, Bác Hồ đến đồi Ðồng Váng. Trong tràng pháo tay đón mừng, Bác ân cần hỏi thăm đồng bào, chia kẹo cho các cháu thiếu nhi. Trên đồi Ðồng Váng, chính quyền và nhân dân địa phương đã chuẩn bị chiếu và ghế ngồi, nhưng khi đến giữa chừng Bác lại dừng lại, ngồi ngay trên thảm cỏ xanh tốt bên sườn đồi. Bác nói: Bác cháu ta cùng ngồi đây không phải đi đâu nữa, rồi Bác hỏi chuyện từng người. Mọi người xúm quanh ngắm nhìn Bác, trò chuyện rất vui. Hỏi chuyện hết lượt, Bác mới đứng dậy mời mọi người cùng đi trồng cây, mọi người vui sướng theo  chân  Bác.  Gần đến nơi, thấy cây đa ở dưới hố, Bác hỏi: Bảo Bác trồng cây vậy mà cô, chú đã trồng kia rồi, vậy Bác trồng cây nào? Mọi người mới trả lời: Thưa Bác, cây đã hơi lớn, chúng cháu đào hố, hạ cây xuống trước để Bác vun đất vào cho đỡ mệt ạ. Bác vui vẻ quay sang cụ Cát (gia đình cụ Cát có ba con trai là bộ đội đang ở chiến trường B), mời: Tôi và cụ cùng trồng cây… Một lát sau, cây được vun gốc vồng lên một đám lớn, ai cũng lo Bác mệt. Liền có người vội chạy đi mang đến cho Bác một thùng nước để Bác tưới cây. Thấy nước trong thùng có ít, Bác hỏi: Cây lớn thế mà tưới chút nước như vậy làm sao cây sống được? Người đó liền trả lời: Thưa Bác, Bác cứ tưới cho cây mát, còn sau này chúng cháu tiếp tục chăm sóc tưới cho cây thật tốt tươi ạ. Nghe vậy Bác đồng ý rồi vui vẻ nhắc nhở: Vậy thì bà con ta phải nhớ thường xuyên chăm sóc, trồng cây nào sống cây đấy, đừng để cây chết lãng phí tiền của nhân dân. Lúc ra về, nhìn ra “Ðường cây đón Bác” thấy nhiều người, Bác hỏi: Ngoài kia làm gì đông người thế? Có người vội thưa với Bác rằng dịp này ở xã có nhiều bộ đội được nghỉ phép về ăn Tết, các đồng chí ấy và nhân dân địa phương nghe tin Bác đến thăm nên tập trung chờ được gặp Bác. Nghe vậy, Bác không lên ô-tô mà đi bộ từ đồi cây ra đường và chào hỏi mọi người. Ðược gặp Bác, ai nấy đều xúc động. Sự giản dị và quan tâm của Bác là kỷ niệm đẹp còn mãi trong tim nhiều người dân Vật Lại đến sau này.

Ghi nhớ lời Bác Hồ, người dân xã Vật Lại phủ xanh làng quê, không để đồi trọc. Cho đến hôm nay, trồng rừng là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế xã nhà. Không chỉ cây lâm sản, người dân còn kết hợp trồng rừng với xây dựng những vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Năm 2020, Ðại hội đại biểu Ðảng bộ xã Vật Lại diễn ra thành công tốt đẹp. Toàn Ðảng bộ với quyết tâm và khí thế mới thực hiện nghị quyết của Ðại hội, phấn đấu trong năm 2021 này, xã Vật Lại sẽ về đích nông thôn mới; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12,5%; ngành nông nghiệp giảm xuống còn 30% trong cơ cấu kinh tế năm 2025; thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt 58 triệu đồng/người/năm; hằng năm, 80% số tổ chức cơ sở đảng hoàn hành tốt nhiệm vụ. 

Từ một vùng quê nhiều gian khó, xã Vật Lại đang khởi sắc từng ngày với hệ thống đường liên thôn, liên xã được trải bê-tông phẳng lỳ. Ngoài đồng, những nương sắn, nương ngô, ruộng lúa, vườn hoa màu, những trang trại cây ăn trái như tấm thảm xanh phủ kín đất đai. Từng đàn trâu, bò khoan thai nằm nhai cỏ dưới bóng cây râm mát. Những mô hình vùng sản xuất lúa chất lượng cao, mô hình trang trại tổng hợp, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp... cho giá trị kinh tế cao đã đi vào hoạt động ổn định và bền vững giúp đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Làm theo lời Bác, vùng quê nghèo Vật Lại đang từng ngày chuyển mình khởi sắc, ấm no.