Tính đến ngày 23-2-1950, chiến tranh thế giới lần thứ hai đã kết thúc được năm năm. Quân phát-xít xâm lược đã bị đánh bại và bị đuổi ra khỏi bờ cõi đất nước chúng tôi. Nước Pháp đã giành lại được nền độc lập và tự do của mình. Ðể giành được chiến thắng này, kết quả của quá trình chiến đấu của quân đồng minh và các lực lượng kháng chiến trong nước, phải kể đến những hy sinh rất lớn về người cũng như những tổn thất về vật chất. Ở Pháp, sau chiến tranh, đâu đâu cũng phải xây dựng lại. Thành phố Saint-Pierre des Corps đã bị phá hủy 84%.
Chiến tranh đã mãi mãi để lại dấu ấn trong tôi: bố tôi từng là tù binh, bố chồng tôi đã bị hành hình khi mới 24 tuổi, chị chồng tôi hoạt động bí mật, bị bắt và bị đi đày, chồng tôi bị bắt đi lao động công ích tại Ðức và đã ra căn cứ kháng chiến.
Cách nước Pháp hàng nghìn km, nhân dân Việt Nam lúc đó đang đấu tranh để đánh đuổi quân chiếm đóng Nhật, đồng minh của Hitler ra khỏi lãnh thổ của mình. Cũng như chúng tôi, nhân dân Việt Nam mong muốn được sống trong độc lập và tự do.
Ngay từ năm 1946, tình hình đã diễn biến theo một hướng khác. Thực dân Pháp rắp tâm giành lại những gì đã mất và ném bom cảng Hải Phòng. Một cuộc chiến mới đã bắt đầu.
Duy chỉ có Ðảng CS Pháp, với tư cách là một đảng, đấu tranh và phản đối cuộc chiến tranh xâm lược này, phủ nhận quyền con người và quyền tự quyết của các dân tộc. Ðảng CS đã đấu tranh để Chính phủ Pháp đàm phán với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trên thế giới và ở Pháp, phong trào phản đối chiến tranh dần được hình thành. Ở La Haye, Marseille các công nhân bốc vác từ chối chuyển vũ khí lên tàu sang Ðông Dương.
Chị em phụ nữ cũng xuống đường biểu tình tại tất cả các vùng của Pháp tại Lyon, Bordeaux, Nantes, Saint Etienne.
Tại các thành phố, trong các khu phố, nhà máy, xí nghiệp, nhiều hoạt động được triển khai dưới những hình thức đa dạng nhất như xin chữ ký, cử đoàn đại biểu, biểu tình.
Thanh niên cũng không hề vắng mặt trong cuộc đấu tranh này. H.Martin, thủy thủ người Pháp đã bị bắt tháng 3-1950 và bị kết án năm năm tù vì đã từ chối tham gia cuộc chiến tranh chống lại nhân dân Việt Nam.
Chính nhờ vào tình đoàn kết kể trên và đặc biệt với lòng quả cảm, kiên cường, chấp nhận hy sinh mà dân tộc Việt Nam đã chiến thắng được thực dân Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ.
Ngày 23-2-1950, Ðảng ủy thuộc vùng In-đrơ và Loire, được biết tin một đoàn tàu chở xe bọc thép sắp vào ga Saint Pierre des Corps. Ngay lập tức mọi người đã có phản ứng. Phải làm một điều gì đó thật sự gây tiếng vang, đoàn tàu này không thể qua ga được. Phải hành động ngay và thể hiện tình đoàn kết của người vùng Tours đối với cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa đang bị áp bức.
Một quyết định đã được đưa ra. Mỗi người đi một phía thông báo với từng công trường xây dựng, từng xí nghiệp, thông báo tới các công nhân đường sắt, phụ nữ, thanh niên, những người được giác ngộ nhiều nhất về cuộc đấu tranh vì hòa bình ở Việt Nam.
Vài tiếng sau, hàng trăm người biểu tình đã tập hợp ở ga. Tại địa phương, đây là lần đầu sáng kiến này được đưa ra. Cảnh sát, do chúng tôi hành động nhanh, đã không có mặt ở đó.
Những người biểu tình vây quanh đoàn tàu và nhiều người nằm trên đường ray. Ðoàn tàu bị chặn lại và chúng tôi bắt đầu nói chuyện với những người lính áp tải tàu. Mục tiêu không phải là chặn hoàn toàn không cho tàu đi qua, chúng tôi chỉ muốn hành động để sau này có thể phát triển được phong trào.
Cuộc biểu tình kết thúc. Trước đó đã diễn ra một đợt quyên góp và số tiền đã được trao lại cho những người lính. Sau đó, ai lo việc của người ấy.
Vào khoảng giữa giờ chiều, tôi ngồi một mình tại trụ sở Tỉnh ủy Ðảng CS Pháp, nơi tôi làm việc. Lúc đó, bốn viên cảnh sát xuất hiện: "Người ta đã thông báo cho chúng tôi về một người phụ nữ tóc nâu, mặc quần và áo khoác. Bà rất giống với đặc điểm nhận dạng này, xin mời bà theo chúng tôi".
Họ lập tức đưa tôi tới nơi biểu tình, nơi những người lính có thể dễ dàng nhận ra tôi.
Buổi sáng hôm đó, ngày 23-2, khi đi làm tôi đã nói với chồng tôi rằng buổi tối tôi sẽ về muộn một chút vì tôi phải đi thăm một người bạn ở nhà hộ sinh. Thế mà, mười tháng sau tôi mới về nhà.
Tối cùng 23-2, tôi bị giam tại nhà tù ở Tours (phố H.Martin), tôi chỉ có một mình trong xà-lim, một căn phòng rất nhỏ rộng vài bước chân. Bàn, giường, ghế con, và một cái bô nhỏ được xích chặt vào tường. Không có việc gì làm, không có gì để đọc. Một tuần một lần vào ngày thứ sáu, tù nhân nữ, không mặc quần áo, nối đuôi nhau không nói với nhau một lời, chờ đến lượt mình tắm.
Ba sáu ngày sau khi bị buộc tội cản trở hoạt động đường sắt, bản án này sau đó đã bị chuyển thành bản án về tội phá hoại an ninh Nhà nước ở trong và ngoài nước và tội danh này thuộc tòa án binh giải quyết.
... Phiên tòa xét xử tôi diễn ra ở Tòa án binh Bordeaux từ ngày 31-5 đến ngày 1-6-1950. Suốt thời gian xử án, tôi bị chuyển đến nhà tù quân sự. Ở đó, tôi bị giam trong xà-lim của những kẻ tử tù.
... Kết thúc phiên tòa, tôi bị kết án một năm tù giam và bị tước bỏ mọi quyền công dân trong vòng 15 năm.
Mặc dù mới 20 tuổi nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy tuyệt vọng. Hằng ngày, tôi nhận được rất nhiều thư từ, bưu điện, những tình cảm chân thành mà người Pháp cũng như nhân dân trên toàn thế giới dành cho tôi. Thật vô cùng ấn tượng.
Ngày 1-5 và ngày 14-7, người dân Bordeaux biểu tình chung quanh khu vực nhà tù. Mặc dù bị ngăn cách bởi những bức tường cao chót vót nhưng tôi vẫn nghe thấy những tiếng hô đồng thanh: "Hãy trả tự do cho Raymonde, trả tự do cho Raymonde".
Ngày 24-12, giám đốc nhà tù cho tôi hay, tôi được trả tự do. Tôi cảm thấy phấn chấn và tự hào vì cuối cùng tôi đã được quay trở lại với cuộc sống tự do.
... Trên thực tế, không chỉ riêng Raymon biểu tình mà là hàng trăm người dân thành phố Tours biểu tình. Họ muốn kêu gọi chấm dứt cuộc chiến tranh thực dân bẩn thỉu này.
Cuối cùng, tôi tha thiết mong muốn mỗi đất nước, mỗi dân tộc đều có quyền tự do, và độc lập trong việc lựa chọn một chế độ cho riêng mình để tất cả trẻ em trên thế giới đều có thể phát huy tài năng, sống một cuộc sống hạnh phúc và hòa bình.