Nhận biết, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản

ND - Như một dòng chảy ngầm lặng lẽ, các giá trị văn hóa dân gian truyền thống vẫn tiếp tục chắt lọc tinh hoa nuôi dưỡng mạch nguồn văn hóa dân tộc. Nhưng nhịp sống càng sôi động, những lắng đọng ngàn đời càng dễ bị xô dạt, lãng quên. Trong khi, con người càng văn minh, càng tiếp cận gần hơn với tốc độ phát triển của thế giới hiện đại, lại càng ý thức rõ ràng về sự thiếu hụt điểm tựa đỡ, cái căn cốt tinh thần làm nên những giá trị bản sắc của văn hóa Việt Nam. Phóng viên Nhân Dân cuối tuần đã phỏng vấn GS, TSKH Tô Ngọc Thanh về những thách thức và hướng mở cho hoạt động bảo tồn, phát huy vốn văn hóa dân gian dân tộc.

PV: Thưa Giáo sư, có lẽ chưa bao giờ, các giá trị văn hóa dân gian truyền thống lại đứng trước nhiều cơ hội và thách thức như giai đoạn hiện nay?

GS, TSKH Tô Ngọc Thanh: Ðúng là hiện nay ngày càng có nhiều dự án với số kinh phí ngày càng lớn đầu tư cho việc phục hồi và phát triển văn hóa. Nhận thức của các cơ quan chức năng và người dân cũng ngày một coi trọng và cẩn trọng hơn trong việc đánh giá cũng như phục hồi các giá trị văn hóa dân gian truyền thống. Tuy nhiên, cơ hội thì chưa nhiều, còn thách thức thì mỗi ngày thêm nghiêm trọng. Cần nhớ rằng, văn hóa là một quá trình chọn lọc và kết tinh để thành những tinh hoa, và hệ thống những tinh hoa ấy nói lên lịch sử sáng tạo của dân tộc, và đấy chính là truyền thống văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc. Vì văn hóa là một thành tố của xã hội, nên khi xã hội biến đổi, tất nhiên, sẽ có những yếu tố không còn thích hợp nữa, nó sẽ mất đi. Nhưng không có nghĩa là vì thế mà ta mải mê cải tiến, chỉnh lý, nâng cao các giá trị truyền thống. Phải phát triển văn hóa theo nhu cầu đòi hỏi của xã hội hiện nay, nhưng mặt khác cũng phải chú ý giữ gìn các giá trị tinh hoa như nó đã có, thì chúng ta mới có truyền thống được. Mặt khác, sự phát triển của đời sống xã hội, của khoa học kỹ thuật làm con người chủ động hơn trong sản xuất, không còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, với thế giới tinh thần cũng như cái quá khứ đã được huyền thoại hóa không còn nữa.

PV: Nếu vậy, văn hóa truyền thống sẽ khẳng định vị trí của mình như thế nào trong đời sống hiện đại?

GS, TSKH Tô Ngọc Thanh: Khẳng định bằng giá trị văn hóa và nghệ thuật. Như cồng chiêng Tây Nguyên, bây giờ người ta đánh chiêng không phải để bỏ mả, đâm trâu... mà đánh chiêng vì nghệ thuật cồng chiêng là một nghệ thuật độc đáo, vì nó đồng thời như một chức năng kép để thể hiện mối quan hệ thiên nhiên và huyền thoại đối với việc đâm trâu, bỏ mả thì tôi dùng phương tiện nghệ thuật là cồng chiêng và âm nhạc. Còn có những di sản văn hóa không có giá trị cao về nghệ thuật, thì lại có giá trị tục lệ. Như việc thờ thành hoàng làng là một giá trị mà hiện nay người dân vẫn giữ, vì làng vẫn là một điều rất thiêng liêng, như một "thương hiệu" đối với cộng đồng người Việt.

PV: Việc phục hồi các di sản văn hóa dân gian truyền thống đang gặp không ít khó khăn. Theo ông, yếu tố nào sẽ quyết định thành công của hoạt động này?

GS, TSKH Tô Ngọc Thanh: Hội Văn nghệ dân gian chúng tôi có khẩu hiệu: biến di sản thành tài sản. Tức là trả lại cho dân để di sản biến thành tài sản của họ ngày hôm nay, tức là mình dựa vào dân, phải thuyết phục dân, làm cho họ thấy giá trị để người ta nắm lấy và trao lại. Tất nhiên là phải có cú huých ban đầu. Như dự án phục hồi hát Dô ở Liệp Tuyết (Hà Tây-cũ). Khi chúng tôi tìm đến thì các cụ nghệ nhân đã 86, 90 cả rồi. Các cụ kể say sưa lắm, vì cái gì tốt đẹp của ngày xưa thì người ta nhớ rất ghê. Sau đó chúng tôi tập hợp một số cháu độ tuổi 15-17 để các cụ dạy hát, múa. Chỉ sau hai tháng trời thôi, mà khôi phục được cả một loại hình tưởng đã thất truyền. Hội cấp một ít kinh phí may trang phục, lại đưa đội văn nghệ đó đi hội diễn, được ngay Huy chương vàng. Các cơ quan chính quyền thấy thế mừng quá, thế là khi xã có hoạt động gì lớn lại xuống mời các nghệ nhân đi biểu diễn. Ðội hát Dô Liệp Tuyết cũng đã từng được Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) mời sang biểu diễn tại Ma-lai-xi-a đấy. Cũng với cách làm như vậy, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã tiến hành phục hồi hơn 100 di sản trên cả nước.

PV: Có bao giờ các dự án của Hội đạt kết quả không như mong muốn?

GS, TSKH Tô Ngọc Thanh: Có chứ? Cũng có lần chúng tôi không thành công, vì chúng tôi chọn hình thức mà dân không thích nữa. Không chỉ người trẻ mà cả người già họ cũng không thích. Như tục thờ sinh thực khí. Họ xấu hổ, nhất quyết không làm. Thế là chịu. Nhân dân tự họ chọn lọc, và tôi nghĩ đó là sự chọn lọc tốt nhất.

PV: Ðã có "điểm", nhưng để những giá trị đó có được sức sống mạnh mẽ hơn, theo ông, cần phải làm gì?

GS, TSKH Tô Ngọc Thanh: Ðể nhân rộng các mô hình, thì phải đầu tư cho họ để nhân điểm thành cụm. Như việc phục hồi nghề dệt thổ cẩm ở làng Teng (Quảng Ngãi), hiện nay các nghệ nhân làng Teng không chỉ dệt vải, mà đang đi dạy cho người dân ở các làng khác. Với dự án đó, chúng tôi không chỉ thành công trong việc lưu giữ di sản, mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con.

PV: Nhưng muốn vậy thì phải tạo được nhu cầu cho người dân đối với giá trị của di sản?

GS, TSKH Tô Ngọc Thanh: Nhu cầu không tự nhiên sinh ra, muốn tạo ra nhu cầu thì phải cho họ thấy giá trị. Giáo dục cũng có lỗi trong hiện trạng này, khi không truyền đạt được kiến thức để các thế hệ, nhất là thanh niên, nhận biết các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thế hệ trẻ ngày nay không đi nghe ca trù chính vì có hiểu đâu, mà ai dạy cho họ hiểu? Hãy trả lại cho dân cái họ có, và vinh danh họ, để họ nhận chân giá trị của di sản, và họ sẽ giữ. Tất nhiên là họ sẽ biến đổi, chứ họ không giữ nguyên đâu, nhưng họ biến đổi trong phạm vi không làm mất đi cái cơ bản.

PV: Xin cảm ơn ông.