Những ngày mới giải phóng, anh được phân công phụ trách văn nghệ sinh viên Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cùng bạn bè tập múa, hát, xây dựng các chương trình văn nghệ phục vụ phong trào. Khi ấy, vốn liếng âm nhạc của anh còn ít ỏi, song được bạn bè động viên, anh mạnh dạn sáng tác những ca khúc cho bạn bè cùng hát.
Các sáng tác đầu tay của anh lần lượt ra đời: Chưa bao giờ Sài Gòn đẹp như hôm nay (phổ thơ Trần Mạnh Hảo), Cánh chim hòa bình, Hát trên quê hương...
Dấu ấn sự nghiệp hơn 33 năm sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên là hơn 20 tác phẩm được giải thưởng âm nhạc, từ giải thưởng của Hội Văn nghệ giải phóng, Hội âm nhạc TP Hồ Chí Minh, giải thưởng của Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, đến giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Chiều biên giới (1979), Trường Sa - quần đảo thân thương (1981), Những ngôi sao nhỏ (1981); Lên đồi chiều xuân xưa (phổ thơ Vũ Ngọc Giao) (1996); Sài Gòn - thành phố tôi yêu (1998); Hợp xướng Bài ca thống nhất...
Và nhiều ca khúc của anh được lấy làm bài hát chính cho những hoạt động của phong trào thanh niên như: Chúng tôi muốn hòa bình; Hành khúc tuổi trẻ; Gặp gỡ Tây Nguyên; Hành khúc sức trẻ miền Ðông...
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên dành nhiều tình yêu, tâm huyết, gắn bó và cổ vũ các phong trào hành động cách mạng của thanh niên. Ca khúc Hành trình tuổi hai mươi được bình chọn là một trong mười bài hát truyền thống được thanh niên yêu thích.
Thật ra sáng tác của Nguyễn Văn Hiên rất đa dạng, phong phú. Không chỉ viết cho phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh, anh còn viết tình ca và ca khúc thiếu nhi. Bài Hổng dám đâu ghi dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng, nhất là các cháu thiếu nhi...
30 năm làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tác trẻ Thành Ðoàn TP Hồ Chí Minh (1975-2005), anh là người bạn, người dẫn dắt nhiều lớp lứa tuổi trẻ đi vào con đường âm nhạc, trong đó nhiều bạn trẻ đã có những thành công, đóng góp nhất định.
Anh tâm sự: "Tôi đến với âm nhạc trong lĩnh vực sáng tác qua những bài tình ca đầu đời và đến với phong trào học sinh, sinh viên với những ca khúc cộng đồng, viết cho bạn bè cùng hát, cổ vũ phong trào thanh niên. Ðối với các em thiếu nhi cũng như tuổi mới lớn, ở mỗi thể loại, tôi viết theo cảm xúc chứ không ưu ái hay dành riêng cho đối tượng nào. Tôi còn phải dành rất nhiều thời gian cho các tác phẩm khí nhạc và hợp xướng.
Ðối với ca khúc thiếu nhi, người sáng tác phải yêu, gần gũi, đồng cảm với trẻ thơ. Về lời, đừng nói thay trẻ bằng những lời lẽ cao siêu, mà phải đề cập những gì cụ thể và dễ hiểu, dễ biết. Còn về giai điệu, nên cố gắng tìm kiếm, kế thừa những làn điệu dân ca bên cạnh những tiết tấu mới.
Với ca khúc dành cho tuổi mới lớn, nên quan tâm tiết tấu, nhịp điệu hiện đại để có thể đáp ứng nhu cầu của các em đã quen với phong trào nhạc trẻ. Viết cho tuổi trẻ, phải tự nguyện và không đòi hỏi, như viết cho chính mình".
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên còn mong muốn giáo dục âm nhạc dân tộc được quan tâm hơn trong nhà trường.
Anh bộc bạch: "Trước sự tấn công ồ ạt của nền văn hóa phương Tây, để giữ gìn bản sắc dân tộc và giúp cho lứa tuổi thiếu nhi giữ được tâm hồn trong sáng trước thị trường âm nhạc, biết yêu những làn điệu dân ca, biết quý những di sản văn hóa phi vật thể trong kho tàng âm nhạc dân tộc, hơn bao giờ hết, việc giáo dục âm nhạc dân tộc trong nhà trường cũng như trong hoạt động ngoài giờ ở các Nhà Thiếu nhi là một trong những vấn đề chúng ta cần quan tâm trong giai đoạn hiện nay".
Tuy bận nhiều việc, vừa là đại biểu HÐND TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hội âm nhạc TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Câu lạc bộ âm nhạc thiếu nhi TP Hồ Chí Minh, vừa là cán bộ Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, anh còn dành thời gian học cao học lý luận âm nhạc tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh.