Nhà đầu tư điện mặt trời tại Ninh Thuận gặp khó

NDO -

Ngày 14/12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có công văn số 7620/EVN-TTĐ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương về việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá của các nhà máy điện mặt trời Trung Nam, Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 tại tỉnh Ninh Thuận từ ngày 1/1/2022. Các nhà đầu tư cho rằng điều này gây khó khăn và áp lực rất lớn trong việc trả lãi vay ngân hàng theo phương án tài chính đã được phê duyệt.

Một góc dự án Nhà máy điện mặt trời có công suất 450 MW kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối do Trungnam Group đầu tư.
Một góc dự án Nhà máy điện mặt trời có công suất 450 MW kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối do Trungnam Group đầu tư.

Theo nội dung công văn số 7620 của EVN, Nhà máy điện mặt trời Trung Nam tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) có công suất 450 MW đã đưa vào vận hành thương mại (COD) hơn 277 MW vào ngày 1/10/2020; số còn lại hơn 172 MW nằm ngoài công suất 2.000 MW trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Cùng với đó, 2 nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 (công suất 85,4MW) và Thiên Tân 1.3 (41,3 MW) cũng có một phần công suất đã được COD trước ngày 1/1/2021. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế giá và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phần công suất đã COD của hai nhà máy này. 

Nhiều vướng mắc

Trước đó, ngày 6/9/2021, EVN có văn bản số 5441 kiến nghị Bộ Công thương và văn bản số 6375, ngày 18/10/2021, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá của các nhà máy điện mặt trời nêu trên cho đến khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế giá điện cho phần công suất nằm ngoài 2.000 MW tại Ninh Thuận. 

Ngày 15/10/2021, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) có văn bản số 2018 gửi EVN, có ý kiến: “Theo nội dung tại văn bản số 5441/EVN-TTĐ, EVN đã ký hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư các dự án điện mặt trời, đề nghị EVN thực hiện theo hợp đồng mua bán điện đã ký phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành”.

Tuy nhiên, ngày 23/11/2021, tại cuộc họp với đại diện lãnh đạo Công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam-Thuận Nam và Công ty cổ phần Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận, EVN thông báo các nhà máy này chưa bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý nên EVN sẽ dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá của các nhà máy này cho đến khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về cơ chế giá điện cho phần công suất nằm ngoài 2.000 MW tại Ninh Thuận.

Ngày 17/12, đại diện Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) cho biết, ngày 1/12/2021, nhà đầu tư có công văn số 1346 báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương về việc “Kiến nghị tháo gỡ khó khăn và ưu tiên khai thác toàn bộ công suất Nhà máy điện mặt trời 450 MW Trung Nam-Thuận Nam kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối”. 

Đây là dự án nhà máy điện năng lượng tái tạo kết hợp hệ thống truyền tải quốc gia với cấp điện áp 500 kV đầu tiên do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, xây dựng tại Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ truyền tải, giải tỏa công suất cho bản thân nhà máy và các nhà máy năng lượng tái tạo khác trong khu vực 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Sau hơn 1 năm được EVN công nhận COD và hoạt động đến nay đã đem lại hiệu quả thiết thực, vừa đóng góp nguồn phát cho hệ thống điện quốc gia, vừa góp phần chia sẻ đáng kể gánh nặng, giảm áp lực cho EVN trong huy động công suất và giải quyết tình trạng quá tải lưới điện tại khu vực tỉnh Ninh Thuận.

Đây là dự án đầu tư có điều kiện. Theo văn bản số 70/TTg-CN ngày 9/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đồng ý bổ sung quy hoạch dự án; văn bản số 517-BCT-ĐL ngày 21/1/2020 của Bộ Công thương về việc hướng dẫn phạm vi đầu tư Dự án nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận và đầu tư kết hợp với hạ tầng lưới điện truyền tải, Trungnam Group đã đáp ứng đủ các điều kiện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và UBND tỉnh Ninh Thuận.

Chủ đầu tư đã tự đầu tư kinh phí hoàn thành toàn bộ công trình hệ thống hạ tầng truyền tải điện quốc gia với quy mô gồm: Trạm biến áp 500kV Thuận Nam công suất 3x900 MW (giai đoạn 2020 lắp trước 2 máy); đường dây 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân dài 13,2 km; mở rộng 2 ngăn lộ tại Trạm 500kV Vĩnh Tân; xây dựng đường dây 220kV dài 2 km; đồng ý cho các dự án năng lượng tái tạo khác trong khu vực tham gia đấu nối, giải tỏa công suất…

Sự đầu tư trên đã góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo Quốc gia; hiện thực hóa chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng theo tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần tiết kiệm, giảm cho Nhà nước các khoản chi phí đầu tư khoảng 2 nghìn tỷ đồng.

Sớm có chính sách tháo gỡ 

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trungnam Group cho biết, tại thời điểm COD, dự án có hơn 277 MW trong số 450 MW nằm trong phạm vi 2.000 MW công suất điện mặt trời tích lũy trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, phần công suất hơn 172 MW còn lại chưa được xác định cơ chế giá. Tuy nhiên, theo phương án tài chính của dự án, Trungnam Group sẽ hoàn trả các khoản vay từ tổ chức tín dụng để đầu tư bằng doanh thu bán điện từ nhà máy điện mặt trời 450 MW (là nguồn thu duy nhất). 

Thực tế hoạt động trong thời gian qua của dự án đạt hiệu suất cao với sản lượng điện phát lên lưới lớn, nhưng doanh thu không bảo đảm trang trải cho nguồn thanh toán khoản vay do chưa xác định giá bán điện cho phần công suất ngoài quy mô tích lũy 2.000 MW. Do đó, việc EVN thông báo dừng khai thác hoàn toàn phần công suất chưa xác định giá của dự án sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư đối với các tổ chức tài trợ vốn, gia tăng áp lực việc trả nợ vay, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Căn cứ Quyết định số 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, mặc dù phần công suất hơn 172 MW của dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư sau ngày 23/11/2019, nhưng đã hoàn tất đầu tư xây dựng và COD trước ngày 31/12/2020. Với những điều kiện bắt buộc trong chủ trương đầu tư và lợi ích mang lại của dự án cho thấy, việc chưa được xác định giá điện, không được khai thác công suất phát như các dự án điện mặt trời khác trong nhóm quyết định chủ trương đầu tư trước 23/11/2019 là chưa công bằng.

Ông Nguyễn Tâm Tiến bộc bạch: “Chúng tôi đang đối mặt với những khó khăn rất lớn trong việc thu xếp tài chính để trả nợ vay ngân hàng cũng như bố trí nguồn kinh phí để vận hành, duy trì hoạt động của hệ thống truyền tải 500 kV Thuận Nam. Rất mong Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương có ý kiến chỉ đạo EVN ưu tiên khai thác toàn bộ công suất của dự án. Đối với phần công suất hơn 172 MW chưa xác định giá, tiếp tục huy động, ghi nhận sản lượng, việc thanh toán phần sản lượng điện đã huy động cần được thực hiện sau khi có cơ chế giá bán điện được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành quyết định sửa đổi Quyết định số 13/2020, bổ sung cơ chế giá bán điện 7.09 Uscent/kWh đối với phần công suất nhà máy điện mặt trời ngoài phạm vi 2.000 MW tích lũy trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhưng đã COD trước ngày 31/12/2020; đồng thời cho phép hồi tố để thực hiện thanh toán phần công suất đã được huy động và ghi nhận sản lượng”.

Ngày 14/12/2021, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Ninh Thuận cũng đã có văn bản số 105/ĐĐBQH-VP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc “kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện mặt trời chưa xác định giá mua điện, ưu tiên khai thác toàn bộ công suất nhà máy điện mặt trời 450 MW kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 200kV”.