Hỏi: Khi cán bộ, công chức làm mất mát, hư hỏng trang bị, thiết bị hoặc thiệt hại về tài sản của cơ quan nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức thế nào?
Trả lời: Nguyên tắc xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức (CBCC) được quy định tại Nghị định của Chính phủ số 118/2006/NĐ - CP ngày 10-10-2006 như sau:
Việc xem xét, xử lý trách nhiệm vật chất đối với CBCC làm mất mát, hư hỏng hoặc gây ra thiệt hại về tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị (gọi tắt là CBCC gây ra thiệt hại) phải căn cứ vào lỗi, tính chất của hành vi gây thiệt hại, mức độ thiệt hại tài sản thực tế gây ra để quyết định mức và phương thức bồi thường thiệt hại, bảo đảm khách quan, công bằng và công khai.
CBCC vi phạm kỷ luật để xảy ra thiệt hại về tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị, ngoài việc xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật, còn phải bị xử lý trách nhiệm vật chất theo quy định.
CBCC gây ra thiệt hại có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quyết định của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cấp có thẩm quyền. Nếu CBCC không đủ khả năng bồi thường một lần sẽ bị trừ 20% tiền lương hàng tháng cho đến khi bồi thường đủ theo quyết định của người có thẩm quyền.
Trường hợp CBCC gây ra thiệt hại thuyên chuyển công tác, nghỉ hưu hay thôi việc thì phải hoàn thành việc bồi thường trước khi thuyên chuyển, nghỉ hưu hay thôi việc; nếu không đủ khả năng bồi thường thì cơ quan quản lý CBCC có trách nhiệm phối hợp với cơ quan mới hoặc chính quyền địa phương nơi CBCC cư trú tiếp tục thu tiền bồi thường cho đến khi thu đủ theo quyết định của người có thẩm quyền.
Nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác của CBCC gây thiệt hại bị giải thể, sáp nhập thì cơ quan, tổ chức, đơn vị kế thừa cơ quan, tổ chức, đơn vị bị giải thể, sáp nhập có trách nhiệm tiếp tục thu tiền bồi thường cho đến khi thu đủ theo quyết định của người có thẩm quyền.
Trường hợp có nhiều CBCC cùng làm mất mát, hư hỏng hoặc gây thiệt hại đến tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì họ đều phải liên đới chịu trách nhiệm vật chất trên cơ sở mức độ thiệt hại tài sản thực tế và mức độ lỗi của mỗi người.
Tài sản bị mất mát, hư hỏng, thiệt hại do lỗi cố ý của CBCC thì CBCC gây mất mát, hư hỏng, thiệt hại tài sản phải bồi thường toàn bộ giá trị thiệt hại gây ra. Nếu tài sản bị mất mát, hư hỏng, thiệt hại do lỗi vô ý của CBCC thì căn cứ vào từng trường hợp cụ thể cơ quan, người có thẩm quyền quyết định mức và phương thức bồi thường.
Trường hợp CBCC ngay sau khi gây ra thiệt hại có đơn xin tự nguyện bồi thường thiệt hại và được cơ quan, người có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản về mức, phương thức và thời hạn bồi thường thì không phải thành lập hội đồng xử lý trách nhiệm vật chất đối với CBCC theo quy định.
Trường hợp thiệt hại vật chất xảy ra do nguyên nhân bất khả kháng thì CBCC liên quan không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
--------------------------
Bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Hỏi: Đề nghị cho biết việc bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện như thế nào?
Trả lời: Theo Điều 34 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP quy định về việc thực hiện bố trí tái định cư như sau:
- Cơ quan (tổ chức) được UBND cấp tỉnh giao trách nhiệm bố trí tái định cư phải thông báo cho từng hộ gia đình bị thu hồi đất, phải di chuyển chỗ ở về dự kiến phương án bố trí tái định cư và niêm yết công khai phương án này tại trụ sở của đơn vị, tại trụ sở UBND cấp xã nơi có đất bị thu hồi và tại nơi tái định cư trong thời gian 20 ngày trước khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án bố trí tái định cư. Nội dung thông báo gồm có:
+ Địa điểm, quy mô quỹ đất, quỹ nhà tái định cư, thiết kế, diện tích từng lô đất, căn hộ, giá đất, giá nhà tái định cư;
+ Dự kiến bố trí các hộ vào tái định cư:
- Ưu tiên tái định cư tại chỗ cho người bị thu hồi đất tại nơi có dự án tái định cư, ưu tiên vị trí thuận lợi cho các hộ sớm thực hiện giải phóng mặt bằng, hộ có vị trí thuận lợi tại nơi ở cũ, hộ gia đình chính sách.
- Tạo điều kiện cho các hộ vào khu tái định cư được xem cụ thể khu tái định cư và thảo luận công khai về dự kiến phương án bố trí tái định cư.
--------------------------
Chế độ bồi dưỡng đối với lực lượng phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Quốc phòng
Hỏi: Đề nghị cho biết theo quy định của pháp luật, lực lượng phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Quốc phòng có được hưởng chế độ bồi dưỡng khi tham gia công tác phòng chống tội phạm ma túy?
Trả lời: Theo quy định tại Thông tư liên tịch Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính số 44/2006/TTLT - BQP - BTC ngày 14-3-2006 hướng dẫn thực hiện quyết định số 215/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ bồi dưỡng đối với lực lượng phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Quốc phòng thì: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ làm việc ở các đơn vị sau:
1.1 - Bộ đội biên phòng gồm: Chỉ huy Cục Phòng chống ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng; đội đặc nhiệm; đội huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ; phòng phòng chống tội phạm ma túy; đội đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy thuộc khối bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố; đội chống tội phạm ma túy thuộc các đồn biên phòng, Hải đoàn biên phòng; lái xe thuộc lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy.
1.2 - Phòng điều tra án ma túy thuộc Cục Điều tra hình sự - Bộ Quốc phòng.
1.3- Phòng phòng, chống tội phạm ma túy; cụm đặc nhiệm phòng, chống ma túy thuộc Cục Cảnh sát Biển - Bộ Quốc phòng được hưởng chế độ bồi dưỡng là 200.000 đồng/người/tháng.
Đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ làm việc ở Cục Phòng chống ma túy - Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng được quy định ở mục trên (1.1) và Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Biển - Bộ Quốc phòng được hưởng chế độ bồi dưỡng 150.000 đồng/người/ngày.