Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và trách nhiệm người đứng đầu
Việc hàng loạt cán bộ vi phạm đã, đang bị xử lý đã để lại bao trăn trở. Kiểu ưu ái với con trai Lê Phước Hoài Bảo như ông Lê Phước Thanh (Quảng Nam) quá "bằng mười hại con". Ðối với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Vĩnh; "khắc tinh" của tội phạm sử dụng công nghệ cao Nguyễn Thanh Hóa, ai ngờ có ngày bị tước danh hiệu Công an nhân dân.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống, 39 tuổi là Bí thư Thành ủy Ðà Nẵng; năm sau (2016), tại Ðại hội XII của Ðảng, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Nguyễn Xuân Anh có con đường phát triển rất rộng mở. Ông từng có nhiều phát ngôn mạnh mẽ, kỳ vọng về chống tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền,... Nhưng chính ông đã làm nhiều việc sai nguyên tắc, như chủ trì, xem xét quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc của chính quyền; kê khai sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm; thiếu gương mẫu trong nhận, sử dụng xe ô-tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng hai nhà ở của doanh nghiệp. Là người đứng đầu Thành ủy, những vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng của ông Nguyễn Xuân Anh ảnh hưởng không nhỏ đến Ðảng bộ TP Ðà Nẵng và gây dư luận xấu trong xã hội.
Tại Hội nghị lần thứ 6 (tháng 10-2017), Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII đã quyết định thi hành kỷ luật cách chức: Bí thư Thành ủy Ðà Nẵng, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020; cho thôi chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Những vi phạm của ông Nguyễn Xuân Anh có một phần trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Ðà Nẵng, đó là chưa thực hiện tốt mối quan hệ "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách". Nếu Ban Thường vụ Thành ủy chấp hành nghiêm Quy định của Ban Bí thư về nhiệm vụ và quan hệ công tác của thường trực tỉnh ủy, thành ủy, Quy chế làm việc của Thành ủy, thẳng thắn tự phê bình và phê bình, kịp thời đấu tranh, chỉ ra và có biện pháp ngăn chặn thì ông Nguyễn Xuân Anh không thể làm nhiều việc sai phạm nghiêm trọng như vậy.
Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là nội dung quan trọng trong thực hiện nguyên tắc TTDC. Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Ðảng nêu một trong ba vấn đề cấp bách là: Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng. Nhiều cấp ủy thực hiện chưa tốt vấn đề cấp bách này, cho nên nguyên tắc TTDC bị vi phạm. Cụ thể như, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ giai đoạn 2011-2016 đã để một số cá nhân quyết định tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm ngạch công chức, xếp bậc lương, bổ nhiệm, điều động cán bộ không đúng quy định của Ðảng, Nhà nước.
Thực tế nêu trên cho thấy khi tập thể không phát huy được vai trò lãnh đạo, nhất là người đứng đầu không có tinh thần nêu gương thì những vi phạm xảy ra ở đơn vị là điều khó tránh khỏi. Ðể bảo đảm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, cần có quy chế làm việc khoa học, đúng Ðiều lệ Ðảng. Song quy chế xây dựng có hoàn hảo đến mấy, mà không được quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc thì cũng vô nghĩa. Do vậy, việc xây dựng quy chế phải gắn liền với các chế tài. Mặt khác, nếu xây dựng quy chế không đúng với Quy định của Trung ương về thi hành Ðiều lệ Ðảng, các văn bản quy định của cấp trên, thì quy chế dễ trở thành bình phong cho một số cá nhân thực hiện ý chí chủ quan của mình.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010- 2015 đã vi phạm Quy định của Ban Bí thư về nhiệm vụ và quan hệ công tác của thường trực tỉnh ủy, thành ủy trong việc tham mưu để Tỉnh ủy ban hành Quy chế làm việc, trong đó có quy định ủy quyền cho Thường trực Tỉnh ủy xem xét, giải quyết một số nội dung về kinh tế - xã hội vượt thẩm quyền, làm hạn chế vai trò trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ông Phạm Văn Vọng, nguyên Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy thời gian này đã vi phạm nguyên tắc TTDC, Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, các quy định của Ðảng, Nhà nước trong việc quyết định bổ nhiệm một số cán bộ không bảo đảm nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn; chủ trì họp Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương về nhiều dự án có sử dụng đất không đúng quy định,… Ban Bí thư đã quyết định kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015; cách chức Bí thư Tỉnh ủy đối với ông Phạm Văn Vọng.
Ðể nguyên tắc TTDC được thực hiện nghiêm, thiết nghĩ yêu cầu đầu tiên là các cấp ủy và tổ chức đảng phải xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm quy chế làm việc ngay sau đại hội. Quy chế làm việc cần căn cứ vào Ðiều lệ Ðảng, quy chế làm việc của cấp ủy cấp trên, bảo đảm nguyên tắc TTDC và thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn được giao. Quy chế làm việc cụ thể, phân nhiệm rõ ràng sẽ là "cái gậy" để quy trách nhiệm cho từng cá nhân khi xảy ra vụ việc, khắc phục tình trạng khuyết điểm đó là do tập thể lãnh đạo quyết định, còn cá nhân thì vô can. Ðồng thời, thực hiện tốt nền nếp, chế độ tự phê bình và phê bình trong tập thể cấp ủy và từng cấp ủy viên, nhất là sự nêu gương của người đứng đầu.
Các thành viên trong cấp ủy cộng đồng trách nhiệm không chỉ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao mà cả trong đóng góp ý kiến, chỉ cho nhau thấy hạn chế, khuyết điểm của đồng chí mình từ khi còn manh nha, mới nảy sinh, kịp thời ngăn ngừa vi phạm. Phê bình ở đây không phải là chỉ trích, hoặc đợi khi làm quy trình nhân sự mà cần xem đó là công việc thường xuyên với tinh thần cởi mở nhưng bảo đảm nguyên tắc sinh hoạt đảng. Tự phê bình và phê bình đúng lúc, đúng nơi, để cả người phê bình và được phê bình cùng thoải mái. Như thế vừa phát huy được dân chủ vừa bảo đảm sự thống nhất tập trung ý chí trong các hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng.
Tăng cường kiểm tra và kiểm soát quyền lực
Những vi phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ðồng Nai mang tính hệ thống: Trong thời gian giữ các cương vị Giám đốc Sở Công thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà đã tham gia điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Hưng do chồng là cổ đông sáng lập, Chủ tịch Hội đồng thành viên. Khi là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà ký văn bản chấp thuận cho Công ty Cường Hưng đầu tư dự án Khu dân cư thương mại xã Phước Tân; ký văn bản không thuộc lĩnh vực mình phụ trách để cấp phép và gia hạn cho Công ty Cường Hưng kinh doanh bến thủy, mặt bằng, vật liệu xây dựng; ký văn bản thỏa thuận hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng dự án BOT đường chuyên dùng cho Hợp tác xã An Phát, nhưng không thông qua tập thể UBND tỉnh, chưa báo cáo Thường trực HÐND tỉnh; kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không đúng quy định.
Những việc làm sai trái của nữ cán bộ này có giấu nổi các cấp ủy đảng ở Ðồng Nai? Ðiều ấy là không thể, nếu các cấp ủy đảng ở đây thực hiện tốt các quy định, chế độ sinh hoạt đảng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tự phê bình và phê bình, thực hiện chất vấn tại các kỳ họp của cấp ủy.
Ðáng lưu ý là tình trạng này diễn ra ở nhiều tổ chức đảng, cấp ủy. Nhiều vụ việc bị xử lý kỷ luận gần đây không phải do cấp ủy tại chỗ phát hiện tiến hành, thậm chí có nơi còn có biểu hiện nương nhẹ, chần chừ trong việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương. Như việc xử lý vụ bổ nhiệm thần tốc hotgirl ở xứ Thanh; như Ban Thường vụ Thành ủy Ðà Nẵng không nghiêm túc thực hiện Thông báo Kết luận số 156 của Bộ Chính trị và Thông báo số 558 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong việc khắc phục vi phạm về công tác quản lý, sử dụng đất; đã ra một số quyết định không đúng thẩm quyền, không đúng pháp luật, có nội dung liên quan việc cho doanh nghiệp sử dụng đất công, triển khai dự án,…
56 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội XII đến nay cùng những tổ chức đảng liên quan đều do sự vào cuộc quyết liệt, kiên trì, thận trọng, công tâm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ðó là thực tế minh chứng vai trò kiểm tra của cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên, đặc biệt là đối với những nơi người đứng đầu vi phạm nguyên tắc TTDC.
Ðể bảo đảm nguyên tắc TTDC thật sự là động lực trong mọi hoạt động của Ðảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản quy định rõ ràng, chặt chẽ, như Quy định giám sát trong Ðảng; Quy chế chất vấn trong Ðảng; quy định về trách nhiệm nêu gương,… Ðiều quan trọng là việc tổ chức thực hiện. Trong quá trình ấy không thể thiếu vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, chất vấn một cách thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng tại chỗ và nhất là của cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên theo phương châm đồng hành cùng cấp ủy, sớm phát hiện những hạn chế, bất cập trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy để kịp thời khắc phục, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng lạm quyền, dân chủ hình thức, hoặc dân chủ vô nguyên tắc. Mặt khác, rất cần một cơ chế cụ thể về kiểm soát quyền lực, quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó,…
* Bài 1 : Những bài học đau lòng
Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. (Trích Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng) |
(*) Xem Báo Nhân Dân, từ số ra ngày 21-8-2018.