Nguyễn Ngọc Tư: "Tôi viết trong nỗi im lặng"

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

* Với truyện dài Cánh đồng bất tận, phải chăng chị đang muốn tạo ra một sự thay đổi cho mình?

- Bạn có thấy sự thay đổi à? Thật ra, tôi muốn vượt qua chính mình, tôi muốn thử, mình mà viết thế này, thế kia thì có được không?

* Việc bắt người cha tận mắt chứng kiến cảnh con gái mình bị làm nhục trong Cánh đồng bất tận có quá phũ phàng cho cái gọi là "nhân - quả"?

- Phũ phàng, nhất là với đứa con gái. Cô ấy không hề có tội. Nhưng tôi nghĩ, người sống tốt chưa chắc được đền đáp, chưa chắc nhận lại những ngọt ngào. Cũng như người xấu vẫn nhởn nhơ ra đó... Báo ứng, đến với người ta hoặc cách này, hoặc cách khác...

* Chị từng tâm sự rằng, sáu tháng viết xong Cánh đồng bất tận khiến cho mình kiệt sức. Liệu điều này có làm mất đi hy vọng từ phía đọc giả về những cuốn truyện dài mà chị sẽ tiếp tục trình làng trong nay mai?

- Sáu tháng quả là khá lâu với một truyện không... dài. Nhưng đó là tác phẩm "quá với", nó ngoay ngoắt với cái phong cách đèm đẹp, hiền hiền quen thuộc của tôi. Sự vật lộn để vượt qua chính mình làm tôi mệt mỏi.

Mà, tôi cũng mong bạn đọc đừng vào những tác phẩm dài hơi, tôi không nghĩ mình đủ sức để làm, tôi mau chán lắm.

* Thực ra nông thôn Việt Nam đang có những sự chuyển biến lớn lao, chứ không đơn thuần là một vẻ đèm đẹp, hiền hiền như chị từng khai thác. Chị có nghĩ rằng mình cần dấn ngòi bút của mình theo như hướng của Cánh đồng bất tận đã làm được: vật vã, khốc liệt, nhưng điều đọng lại sau cùng vẫn là tính nhân bản sâu sắc?

- Điều đó còn tùy thuộc vào những gì mà cuộc sống nông thôn mang đến cho tôi. Nếu những cái đẹp quá ấn tượng, quá cảm động, tôi lại quay về với mảng đề tài đó.

Có thể suy nghĩ thế này quá dễ dãi, nhưng viết về những vẻ đẹp của cuộc sống, tôi thấy thanh thản, thoải mái hơn...

* Chị nghĩ như thế nào khi có người cho rằng chị bị ảnh hưởng của nhà văn Sơn Nam và Cánh đồng bất tận mang hơi hướng của Mùa len trâu, tuy được khoác vẻ hiện đại và thời sự hơn?

- Tôi muốn hỏi là Mùa len trâu nào, văn học hay điện ảnh?

* Chúng ta đang bàn đến lĩnh vực văn học...

Tôi chỉ được đọc tác phẩm văn học, và thấy mình kém xa (và cũng không giống) nhà văn Sơn Nam, nhất là sự hiểu biết thấm đẫm về Nam Bộ. Tôi cũng tham khảo tác phẩm của ông rất nhiều, nhất là mỗi khi "bí" về phong tục, về lịch sử, văn hóa của vùng đất này...

* Bán bản quyền Cánh đồng bất tận cho Hãng phim Việt, chị không sợ phim ảnh làm biến dạng tác phẩm của mình như có người đã từng than vãn sao?

- Không. Tôi nghĩ điện ảnh có ngôn ngữ riêng, cách thể hiện riêng. Phía tôi thì đã làm hết mình, họ thể hiện thành công hay không là việc của họ.

Mà, tôi ít khi quan tâm, có thể tôi không yêu mến đến mức sùng bái tác phẩm của mình (như thói đời "văn mình vợ người").

* Thử tưởng tượng nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sẽ thế nào nếu như rời khỏi môi trường sống hiện nay của mình? Chị đã từng nghĩ đến điều này chưa?

- Tôi đã nghĩ rồi... Và tưởng tượng mình giãy chết như con cá bị bắt ra khỏi nước.

* Ngôn ngữ trong văn chị là một ngôn ngữ thấm đẫm văn hóa Nam Bộ. Tôi chợt nhớ đến chuyện có những nhà văn luôn mang theo mình một cuốn sổ tay để ghi chép lại những từ hay bắt gặp trong cuộc sống để khi cần thiết sẽ ứng dụng vào tác phẩm của mình. Chị có "cách học" nào đại loại như vậy không?

- Không, tôi nghĩ cách học đó chỉ dành cho người ngoại vùng. Tôi từng biết cố nhà văn Nguyễn Thi đã dùng cách này, tôi đọc qua quyển Năm tháng chưa xa của ông, thấy kinh ngạc và thán phục về tài ghi chép.

Riêng tôi, ngôn ngữ, không khí Nam Bộ đã thấm vào tôi từ môi trường sống. Bây giờ muốn gột bỏ cũng không dễ...

* Tôi nhớ có lần chị tâm sự: "Trước khi viết truyện ngắn đầu tiên, tôi đơn thuần là một cô gái nông dân, bỏ dở học hành, ở nhà nấu cơm nuôi ông ngoại, chăm sóc vườn rau, chiều chiều cắt rau cho má đi bán chợ đêm". Mỗi người có cách lý giải khác nhau về việc đến với văn chương của mình. Còn chị?

- Lúc đầu chỉ viết để giải tỏa cảm xúc cho nó nhẹ người đi, nhưng sau này thấy cái nghiệp mình đeo đuổi nặng trĩu, đầy nợ nần. Viết vì mình là Nguyễn Ngọc Tư.

* Những người tiếp xúc với chị đều nói rằng chị không phải là người hoạt khẩu. Điều này đã bao giờ gây khó khăn cho chị chưa?

- Đôi khi. Nhiều người bảo tôi lạnh lùng, khó gần, thậm chí là kênh kiệu. Buồn cười, tôi quê mùa đến nỗi nhiều lúc đi đâu, gặp ai bạn bè phải theo để nói đỡ cho tôi. Mới biết, thật thà cũng là cái tội thật không hiểu nổi... Trong giao tiếp đã vậy khi nói về văn chương, với tôi là một cực hình, quả là tôi không đủ trình độ để lý luận về nó.

* Có những độc giả cứ gặp tên Nguyễn Ngọc Tư là mua sách. Liệu điều này có tạo nên một sức ép tâm lí nào cho chị không?

- Có, tôi xấu hổ, vì đôi khi giá trị cuốn sách ấy chẳng đáng gì so với tấm lòng người yêu mến. Sẵn đây tôi xin cúi đầu nhận lỗi với những độc giả đã từng mua sách của tôi mà trong đó toàn là tác phẩm... đã in rồi. Tôi cũng ray rứt, băn khoăn. Và tôi cũng nhẹ dạ hám tiền. Ôi !...

* Ở Mỹ, có một giáo sư kinh tế mê văn học nước nhà và yêu văn chương của chị. Ông đã lập trang web "Văn hóa & Giáo dục", trong đó có hẳn một "tủ sách" Nguyễn Ngọc Tư. Chị đón nhận tin này như thế nào?

- Tôi muốn nói thêm cho rõ, không phải là một người Mỹ, ông ấy là người Việt, quê quán ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Tấm lòng của ông làm tôi cảm động muốn chết. Dường như công sức mà ông bỏ ra không phải nhỏ...

* Viết về mảnh đất mình đang sống, có bao giờ chị tìm hiểu xem: vậy chính con người nơi ấy đón nhận tác phẩm của chị như thế nào?

- Tôi không biết. Nghịch lý là tôi viết về nông dân mà người nông dân chưa bao giờ có điều kiện đọc. Tôi viết trong nỗi im ắng. Không phản hồi. Không khen. Không chê bai.

*  Nhưng tôi nhận thấy rằng, tác phẩm của chị - cũng bằng một cách thức thầm lặng, đã và đang từng bước chiếm lĩnh được sự yêu mến của nhiều người. Tôi nghĩ đó là một niềm hạnh phúc, và còn là sự khích lệ cho những trang viết mới tiếp tục ra đời "trong nỗi im ắng" như chị vừa tâm sự. Độc giả chắc chắn chờ đợi những trang viết ấy. Cảm ơn chị.