Hà Nội hiện có hàng nghìn công trình xây dựng nhà cao tầng sử dụng cẩu tháp để vận chuyển vật liệu xây dựng thi công. Trong số đó, nhiều công trình nằm trong khu dân cư, sát với tuyến giao thông có mật độ phương tiện qua lại đông đúc. Tại các quận Đống Đa, Ba Đình, Thanh Xuân, Cầu Giấy... (Hà Nội), đều có công trình xây dựng với quy mô lớn đang triển khai thi công, công trình nào cũng xuất hiện những cẩu tháp như “cánh tay sắt” khổng lồ vươn ra khu vực đường giao thông hàng chục mét, bất chấp nỗi lo lắng, sợ hãi của người dân qua lại mỗi ngày. Đáng lo ngại hơn khi tại các công trình này, dù đang hoạt động nhưng lại thiếu sự cảnh báo từ phía đơn vị thi công. Nỗi lo của người dân là có cơ sở khi nhiều vụ sập cần cẩu, gây tai nạn lao động đã xảy ra trên địa bàn thành phố. Vừa qua, tại quận Hoàng Mai, có đơn vị thi công công trình đã cho lắp đặt hai cẩu tháp tại vị trí sát nhà dân, để dầu, mỡ, nguyên vật liệu rơi xuống các căn hộ ở phía dưới gây mất an toàn, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều gia đình.
Trước nguy cơ mất an toàn do cẩu tháp gây ra, các ngành chức năng và UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều quy định cùng các văn bản như Quy trình kiểm tra chất lượng các thiết bị thi công tại công trường (trong đó có cẩu tháp), Chỉ thị số 08/CT-UBND của UBND thành phố về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định quản lý, sử dụng, vận hành cẩu tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn Hà Nội. Trong đó nêu rõ, trong quá trình thi công, nhà thầu phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định, quy trình, quy phạm về lắp dựng, vận hành, bảo trì cẩu tháp; trong quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư, nhà thầu thi công có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho công trình, người lao động… Chủ đầu tư phải bố trí người có đủ năng lực theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng, tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện sự cố gây mất an toàn, dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn… Song, thực tế một số đơn vị thi công cố tình phớt lờ các quy định về an toàn trong quá trình thi công. Bởi vậy, khi xảy ra tai nạn lao động, các đơn vị thi công thường tự giải quyết và trốn tránh trách nhiệm.
Để giảm đến mức thấp nhất các sự cố gây mất an toàn do cẩu tháp, bảo đảm an toàn cho người dân, các chủ đầu tư, nhà thầu thi công cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc vận hành thiết bị cẩu tháp theo đúng quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhất là những chiếc cẩu tháp hoạt động tại khu vực đô thị, nơi đông dân cư, sát đường phố. Đối với các công trình có vùng hoạt động của cẩu tháp vượt ra ngoài phạm vi công trình, có nguy cơ ảnh hưởng đến giao thông, đi lại của nhân dân, chỉ cho phép hoạt động từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau và phải có hệ thống cảnh báo, cảnh giới, người hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông theo quy định. Trong mùa mưa bão, nhà thầu thi công tạm dừng thi công hoặc phải hạ cẩu tháp, nhằm tránh gió bão quá mạnh ảnh hưởng quá trình vận hành cẩu tháp, bảo đảm an toàn lao động. Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cá nhân, chỉ huy công trường, cán bộ giám sát thi công không tuân thủ các quy định về an toàn trong thi công.