Ba hệ thống gây cháy ở xe cơ giới
Chiều 12-11, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội thảo khoa học “Báo cáo một số kết quả nghiên cứu xác định nguyên nhân và các giải pháp kỹ thuật phòng chống cháy, nổ đối với ô tô và xe máy”.
Theo các báo cáo tại Hội thảo, nguy cơ gây cháy nổ từ phương tiện xe cơ giới được xác định từ ba hệ thống: hệ thống điện, hệ thống dẫn nhiên liệu, và hệ thống tản nhiệt làm mát và hệ thống xả khí.
Thứ nhất là từ hệ thống điện có thể phát sinh nguồn nhiệt, nguồn lửa từ việc chập điện do dây dẫn bị hở, đứt vì chuột cắn, quá tải trong hệ thống như cháy đèn, kẹt bơm xăng, kẹt màng rung của còi… Phát sinh tia lửa còn do dây điện có khả năng chịu tải nhỏ gây chập điện, tiếp điểm, rơ le phát sinh tia lửa điện trong quá trình làm việc, do đứt dây cao áp, lỏng đầu chụp bugi. Nhiệt độ sinh ra trên bộ sạc điện lớn, nếu tản nhiệt không tốt dế gây chập cháy dây điện, nóng chảy chi tiết bằng nhựa chung quanh.
Thứ hai là từ hệ thống nhiên liệu bị rò rỉ. Đây là nguy cơ cao gây cháy nổ khi gặp nguồn nhiệt. Thử nghiệm cho thấy nguy cơ gây rò rỉ nhiên liệu xảy ra trong các trường hợp: hở đường ống dẫn nhiên liệu từ bình chứa tới chế hòa khí, vòi phun; kim ba cạnh trong buồng phao của bộ chế hòa khí bị mòn, đóng không kín làm xăng bị rò rỉ; xe bị nghiêng với góc nghiêng lớn dẫn đến tràn xăng ra ngoài.
Thứ ba là hệ thống tản nhiệt làm mát và hệ thống xả khí của động cơ gây phát nhiệt cao trong điều kiện vận hành thực tế. Khi hệ thống tản nhiệt làm mát bị hỏng, chức năng tản nhiệt, làm mát không bảo đảm dẫn đến nhiệt độ của động cơ và các hệ thống phụ trợ tăng quá cao, làm lão hóa nhanh hoặc nóng chảy, thậm chí cháy các bộ phận bằng nhựa và dây dẫn điện, gây chập điện. Nhiệt độ một số bộ phận răng quá cao là nguyên nhân có thể gây cháy khi có chất dễ cháy như xăng dầu bám vào.
Xăng chất lượng thấp được pha chế thành xăng A92, A95
Trong báo cáo khoa học “Một số kết quả nghiên cứu xác định nguyên nhân kỹ thuật cháy xe liên quan đến nhiên liệu và phụ gia”, PGS, TS Vũ Thị Thu Hà, Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ Lọc, hóa dầu, xác định, nhiên liệu chính ngạch đạt tiêu chuẩn, đồng thời không chứa các cấu tử khác hydrocacbon, khác các phụ gia thông dụng, thì không phải là thủ phạm dẫn đến cháy xe.
Nhóm nghiên cứu đã tập trung tìm nguyên nhân gây cháy xe từ việc pha chế nhiên liệu với mục đích gian lận thương mại. Theo đó, các nhà khoa học nhận thấy, hiện nay, có một số cơ sở pha chế nhiên liệu mà ở đó, xăng có chất lượng thấp như xăng A83, naphtha condensat được pha chế gian lận để thành xăng A92, A95, hay diesel 0,05S (500 ppm) được pha trộn với diesel 0,25S (2500ppm)…
Kết luận ban đầu cho thấy, việc lạm dụng phụ gia dẫn đến trong nhiên liệu thu được hoặc có thành phần phụ gia vượt tiêu chuẩn, hoặc có các thành phần khác với thành phần phụ gia thông dụng dễ làm nhien liệu biến chất, làm các chi tiết vật liệu polymer tiếp xúc với nhiên liệu bị trương nở hoặc bị phá hủy, tạo nên các hợp chất trung gian không có lợi. PGS Hà lấy ví dụ, chẳng hạn các mang polymer làm tắt bơm xăng, vòi phun, các oxit kim loại làm hỏng bugi, bộ chuyển đổi xúc tác. Các hợp chất FeS tự bắt cháy trong không khí đồng thời có khả năng ăn mòn cao.
“Chúng tôi đã kiểm tra trong phòng thí nghiệm loại xăng này và phát hiện đây là oxit sắt, bơm xăng bị kẹt do có màng mỏng bám lên mô tơ của bơm xăng. Khi đổ xăng của những xe trục trặc này ra khay, sau khi xăng bay hơi xuất hiện một lớp màng mỏng bám trên khay, trong khi xăng thông thường không tạo màng như vậy”.
Một số phụ gia được sử dụng trên thế giới có thể rất phù hợp với nguyên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp nhưng lại không phù hợp nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao, tăng nguy cơ hình thành hợp chất trung gian giữa thành phần kim loại trong phụ gia, đặc biệt là phụ gia chứa đang được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, và các hợp chất chứa lưu huỳnh trong nhiên liệu.
Theo bà Thu Hà, cả hai yếu tố này đều tăng nguy cơ cháy xe.
Phụ gia không tiết kiệm được nhiên liệu như quảng cáo
Cũng theo báo cáo khoa học của PGS Vũ Thị Thu Hà, khái niệm “phụ gia tiết kiệm nhiên liệu” thường được sử dụng trên thị trường để chỉ loại phụ gia bán cho người tiêu dùng pha trực tiếp vào bình chứa nhiên liệu của động cơ. Có loại phụ gia chỉ sử dụng cho xăng, đôi khi được gọi là “phụ gia tăng RON”. Có loại phụ gia có thể vừa sử dụng cho xăng vừa cho diesel, gọi chung là “phụ gia tiết kiệm nhiên liệu”.
Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm trên động cơ cho thấy, sự thay đổi về công suất và suất tiêu hao nhiên liệu lớn nhất khoảng 3%, hoàn toàn không như thông tin ghi trên bao bì là tiết kieemjd dược 10% nhiên liệu.
Theo bà Thu Hà, các gói phụ gia chứa hợp chất sắt chỉ phù hợp để sử dụng ở các nước tiên tiến, có tiêu chuẩn về nhiên liệu cao, trong đó quy định hàm lượng lưu huỳnh thấp hơn 10 ppm. Các thí nghiệm của nhóm nghiên cứu đã chứng minh rằng ferrocene có mặt trong phụ gia phản ứng với các hợp chất lưu huỳnh không bền trong nhiên liệu để tạo thành hợp chất FeS. Nếu người sử dụng dùng gói phụ gia này pha vào nhiên liệu không rõ nguồn gốc được pha chế với mục đích gian lận thương mại thì khả năng tạo ra hợp chất FeS sẽ tăng lên, nguy cơ cháy xe cũng theo đó tăng lên.
Nên bỏ xăng A83
Ông Trịnh Ngọc Giao, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài đã đưa ra kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước và các khuyến cáo với người sử dụng phương tiện.
Theo đó, các nhà khoa học đề nghị xóa bỏ xăng A83, đồng thời xem xét đầu tư để chế biến condensat bằng con đường hóa học, thành các cấu tử có RON cao chứ không nên cho phép sử dụng naphtha condensat như là thành phần trực tiếp để pha xăng.
Kiểm soát chặt chẽ chất lượng nhiên liệu để chống việc lạm dụng phụ gia tăng RON để pha chế gian lận xăng. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ quá trình chế biến dầu nhờn, dầu biến phế thải, cặn dầu thành phân đoạn DO để pha chế thành nhiên liệu. Các loại chất này cần được quản lý tập trung và được xử lý hoặc chế biến theo quy trình được quản lý chặt chẽ để thu được sản phẩm là dầu DO đạt tiêu chuẩn thương phầm chứ không phải là phân đoạn DO có hàm lượng lưu huỳnh cao, không ổn định.
Còn với người sử dụng phương tiện, cần sử dụng xe đúng cách, có thói quen chăm sóc, bảo dưỡng xe định kỳ, không tự ý thay đổi kết cấu của xe, sử dụng và thay thế các phụ tùng có nguồn gốc, xuất xứ, nhất là phụ tùng liên quan trực tiếp đến các bộ phận có nguy cơ gây cháy. Thận trong khi lái xe qua các khu vực có nhiều rơm rạ phơi trên đường hoặc có nhiều rác dễ gây cháy như giấy, túi ni lông, cỏ khô. Chỉ mua nhiên liệu từ các trạm nhiên liệu có uy tín về chất lượng. Không tự ý sử dụng phụ gia tiết kiệm nhiên liệu trôi nổi trên thị trường.
Đề tài “Nghiên cứu xác định nguyên nhân và các giải pháp kỹ thuật phòng chống cháy, nổ đối với ô tô và xe máy” do Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì phối hợp với Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu – Bộ Công thương, Viện Cơ khí Động lực – Trường đại học Bách khoa Hà Nội và Trung tâm nghiên cứu, thiết kế, sửa chữa thực nghiệm ô tô – Đại học Giao thông Vận tải thực hiện từ tháng 6 đến tháng 11.
Trong thời gian tới, đề tài tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm để xác định toàn diện, đầy đủ hơn nguyên nhân gây cháy, nổ xe. Trong đó, tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của phụ gia nhiên liệu và nhiên liệu đến các vật liệu làm chi tiết tiếp xúc với nhiên liệu trong phương tiện giao thông, đánh giá khả năng gây cháy từ các bộ phận trong phương tiện, đánh giá các nguyên nhân từ thao tác kỹ thuật tới vận hành,môi trường và địa điểm tổ chức bảo quản phương tiện đến khả năng gây cháy.