Thị trường lao động cần nhiều lao động kỹ thuật, trong khi đó, một nghịch lý đang diễn ra khi một số trường trung cấp, cao đẳng nghề có nguy cơ đóng cửa do không tuyển được học sinh. Hơn lúc nào hết, đào tạo nghề tại Việt Nam đứng trước những thách thức lớn đòi hỏi sự thay đổi, nâng cao năng lực khi thị trường lao động nội khối ASEAN mở cửa.
“Lựa chọn” thông minh?
Năm học 2015-2016, hàng loạt học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia ở nhiều địa phương đã “từ chối” vào đại học để chuyển sang học nghề. Điều này tuy không còn được nhắc tới như là một “hiện tượng lạ” trong một, hai năm gần đây nhưng cho thấy rõ những chuyển biến trong nhận thức về vấn đề bằng cấp và việc làm của người dân, nhất là những người trẻ…
Đạt 24,5 điểm trong kỳ thi THPT, Trần Ngọc Nam, 18 tuổi, trú tại xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) hoàn toàn có thể vào một trường đại học nào đó theo nguyện vọng khối C mà em đăng ký, nhưng Nam đã chọn nghề kỹ thuật hàn của Trường cao đẳng nghề (CĐN) Việt - Đức (Hà Tĩnh) để nhập học. Khi được hỏi vì sao có sự lựa chọn này, câu trả lời của Nam đơn giản là: “Em không muốn đi vào vết xe đổ của các anh, chị sinh viên cùng quê. Bởi nhiều anh, chị ở quê em cầm tấm bằng đại học loại giỏi ra trường, có người học tiếp cao học, ra trường vẫn thất nghiệp, nhiều người phải về phụ bố mẹ làm nghề nông”. Nam cười bảo, đó là thực tế đã cảnh tỉnh em, khi quyết định lựa chọn giữa học nghề hay vào đại học.
Cùng suy nghĩ như Trần Ngọc Nam, sinh viên Lương Đình Linh, trú tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã quyết định nhập học ngành cơ điện tử, khoa cơ khí, Trường CĐN công nghệ cao Hà Nội mặc dù số điểm 18 đủ để Linh vào học Trường đại học Công nghiệp Hà Nội. Linh chia sẻ, kinh tế gia đình không phải quá khó khăn cho nên bố mẹ đã phản đối khi em có quyết định này. Một bài toán đã được em đưa ra thuyết phục bố mẹ, khi “cân, đo, đong, đếm” giữa đại học và học nghề với thời gian vừa ngắn, đỡ tốn kém tiền bạc, cơ hội việc làm sau khi ra trường lại dễ dàng hơn. Khác với Nam, Linh, dù đang là sinh viên năm thứ 2 ngành quản lý giáo dục, Trường đại học Quy Nhơn, Nguyễn Hoài Giang (19 tuổi), quê ở xã Phú Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã quyết định bỏ ngang để theo ngành chế tạo máy tại Trường CĐN Việt - Đức. Giang e ngại nếu học đại học, ra trường vẫn thất nghiệp thì thật có lỗi với bố mẹ.
Gặp gỡ và trò chuyện với những tân sinh viên này, có thể thấy, các em đều ý thức rõ và tin vào sự lựa chọn của mình, bởi những nghề kỹ thuật như: Hàn, chế tạo máy hay cơ điện tử sẽ không lo thiếu việc làm khi ra trường, nhất là tỉnh Hà Tĩnh đang có Khu kinh tế Vũng Áng với dự án Formosa sẽ hứa hẹn nhiều cơ hội việc làm và phát triển…
Dù chưa vào thời điểm chính mùa tuyển sinh của các trường dạy nghề, nhưng Trường CĐN công nghệ cao Hà Nội đã tiếp nhận gần 100 hồ sơ của các thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên trong kỳ thi THPT quốc gia. Năm học 2014-2015, đây cũng là trường tiếp nhận hơn 100 sinh viên là thí sinh đã đỗ các trường cao đẳng, đại học. Trường CĐN cơ điện Hà Nội đã có hơn 30 em có điểm thi THPT từ 15 điểm trở lên nhập học, trong đó có ba người là sinh viên các trường đại học, có người đang học cao học kế toán. Riêng Trường CĐN Việt - Đức (Hà Tĩnh), đã có hàng chục học sinh với số điểm thi rất cao (từ 20 đến 23 điểm) xin nhập học…
Những tín hiệu này cho thấy, đang có những chuyển biến trong tư duy của người học cũng như các bậc phụ huynh. Đã qua cái thời, đỗ đại học là vinh dự của nhiều gia đình, dòng họ, những con số về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trên các phương tiện truyền thông, những thí dụ thực tế của đời sống hằng ngày như công nhân phải "giấu" bằng đại học khi đi xin việc hay những tấm bằng cao học đang nằm “mốc” trong góc tủ nào đó… là những lý do, khiến các bậc phụ huynh cũng như các bạn trẻ phải đưa lên bàn cân và tìm cách giải bài toán “việc làm hay bằng cấp” cho mình. Điều đó cho thấy, học nghề được coi là lựa chọn thực tế và thông minh trong bối cảnh ngày càng nhiều cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp như hiện nay.
Thống kê của Tổng cục Dạy nghề cho thấy, một số nghề có số lượng học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp (đối với các nghề có số lượng học viên tốt nghiệp hơn 500 người), như: Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò (94%); kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò (94%); hàn (91%); công nghệ dệt (87%); công nghệ hóa nhuộm (85%)… Đặc biệt, một số nghề xã hội có nhu cầu lớn, học xong tỷ lệ có việc làm cao (tỷ lệ hơn 90%), nhưng ít người học, như: kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò; sửa chữa thiết bị luyện kim; khảo sát địa hình; trắc địa công trình; xử lý nước thải công nghiệp…
“Đào tạo kép” người học và doanh nghiệp hưởng lợi
TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường CĐN công nghệ cao Hà Nội cho biết: Trường hiện có mối quan hệ hợp tác với hơn 400 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, trong đó có nhiều công ty, tập đoàn lớn, như Công ty Samsung Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Canon Việt Nam, Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải, Công ty CP Ứng dụng công nghệ cao Việt Nam…; nhiều đơn vị sẵn sàng phối hợp “đặt hàng” nguồn sinh viên của nhà trường trong các lĩnh vực: cơ khí, hàn, cơ điện tử. Do đó, sinh viên của trường có tỷ lệ việc làm sau khi tốt nghiệp rất cao. Năm học 2014, có đến 80% số sinh viên có việc làm trước khi ra trường với công việc ổn định, thu nhập cao từ năm đến 13 triệu đồng/tháng. Nhiều nghề 100% số sinh viên có việc làm, không đủ cung cấp cho DN. Ngoài ra, với những sinh viên có mong muốn đi lao động kỹ thuật tại Nhật Bản, nếu đáp ứng được các yêu cầu tuyển dụng của DN Nhật Bản, nhà trường cam kết tạo mọi điều kiện để các em có thể sang Nhật Bản lao động với mức thu nhập rất cao.
![]() |
Thầy trò Trường đại học Sư phạm kỹ thuật nghề Hưng Yên trong giờ thực hành.
Để có những kết quả này, theo TS Khánh, cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, nhà trường luôn phải chủ động trong công tác phối hợp với DN, tìm hiểu nhu cầu của DN và có sự kết nối để sinh viên có môi trường thực tập tốt, cơ hội có việc làm rất cao tại các DN.
Là DN có mối quan hệ “thân thiết” với Trường CĐN công nghệ cao Hà Nội, Giám đốc Công ty CP Ứng dụng công nghệ và công nghệ cao Việt Nam Hà Thanh Hải (đóng tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Trong quá trình hợp tác từ năm 2012 đến nay, công ty đã tạo điều kiện tối đa cho các sinh viên ngành cơ khí, công nghệ cao, hàn, lắp ráp của trường đến thực tập. Nhiều em sau khi ra trường, có nguyện vọng vào làm việc tại công ty đã được tiếp nhận. Năm 2014, chúng tôi trực tiếp lựa chọn một số em ngành cơ khí sang làm việc tại phòng thiết kế của công ty. Hiện, có tám sinh viên làm lắp ráp, thiết kế, các em vừa học vừa làm và được công ty trả lương… Theo Giám đốc Hà Thanh Hải, đây là mô hình đào tạo rất tốt vì sinh viên có thể học lý thuyết của nhà trường và thực tiễn của doanh nghiệp. Trong quá trình vừa học, vừa làm các em sẽ biết mình thiếu gì, cần gì. Ra trường, các em có thể đáp ứng được ngay yêu cầu công việc của doanh nghiệp.
Nhiều đại diện lãnh đạo các trường cũng khẳng định, việc liên kết trong đào tạo sẽ quyết định thành bại của các trường dạy nghề. Các trường dạy nghề muốn thu hút số đông học sinh vào học thì nhà trường phải có mối quan hệ khăng khít với DN, ký kết đào tạo với nhiều công ty, tập đoàn lớn. Mối quan hệ này chính là cam kết giải quyết việc làm cho sinh viên khi họ tốt nghiệp. Trên thực tế, nhiều trường đã tự tìm kiếm sự liên kết sâu hơn với DN để sinh viên ra trường có việc làm ngay. Tuy nhiên, vấn đề “đào tạo kép” cũng mới chỉ là những khởi động bước đầu của một số DN và nhà trường, vì để thực hiện đòi hỏi các DN phải có điều kiện, đủ mạnh, tạo được nhiều việc làm…
Trên thực tế, mô hình “đào tạo kép” chính thức được thí điểm tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Chương trình hợp tác Việt - Đức trong lĩnh vực “Đổi mới và đào tạo nghề tại Việt Nam”. Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã chọn Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Công ty B.Braun Việt Nam, Công ty Khí công nghiệp Messer Hải Phòng tổ chức chương trình thí điểm hợp tác đào tạo kỹ thuật viên Cơ điện tử trình độ cao đẳng nghề. Các học viên tham gia chương trình này sẽ có một năm học lý thuyết tại nhà trường, từ năm thứ hai họ sẽ được đào tạo xen kẽ tại trường và thực hành tại công ty. Ngoài ra, hằng tháng các học viên còn được nhận trợ cấp đào tạo của hai công ty nêu trên…
PGS, TS Trần Trung, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên cho biết: Đầu năm 2015, đã có 14 trong số 15 sinh viên khóa I tốt nghiệp và được nhận vào làm tại hai DN của Đức nêu trên (11 sinh viên làm cho B.Braun; ba sinh viên làm cho Messer). Hiện nhà trường đang đào tạo tiếp sinh viên khóa II, III. Trong quá trình học tập, những sinh viên không đủ điều kiện sẽ bị loại, nhằm bảo đảm chất lượng đội ngũ kỹ thuật lành nghề, phù hợp với yêu cầu DN. Theo PGS, TS Trần Trung, “đào tạo kép” sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho sinh viên trường nghề. Với mô hình này, khoảng cách giữa nhà trường và DN sẽ được thu hẹp, sinh viên ra trường không chỉ được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề mà còn đáp ứng được yêu cầu chuyên môn do doanh nghiệp đòi hỏi, tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng tốt.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Dương Đức Lân cho rằng, ở Việt Nam, mối quan hệ giữa nhà trường và DN dù đã được cải thiện rất nhiều trong những năm gần đây, nhưng các hình thức kết hợp giữa DN và nhà trường còn ít. Trường nghề là nơi đào tạo, cung cấp nguồn lao động cho DN, DN được hưởng lợi, nhưng trong mối quan hệ đó, nhiều DN chưa thấy hết được trách nhiệm của việc đào tạo này. Chính vì vậy, việc liên kết đào tạo với DN đã được quy định chính thức trong Luật Giáo dục nghề nghiệp. Tới đây, nếu các DN tham gia vào các bước đào tạo nghề, thì các chi phí liên quan đến đào tạo mà DN bỏ ra sẽ được trừ khỏi thuế… Tuy nhiên, cần có thêm những cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích các DN tham gia đào tạo. Tổng cục Dạy nghề cũng đang nghiên cứu mô hình đào tạo của một số nước phát triển. Từ hiệu quả của mô hình “đào tạo kép” tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, sắp tới mô hình này sẽ tiếp tục nhân rộng tại các địa phương có các trường, các khu công nghiệp lớn, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…
Theo số liệu Bản tin cập nhật thị trường lao động quý II năm 2015, cả nước có 1.144,6 nghìn người thất nghiệp trong độ tuổi lao động. Trong đó, có 607,8 nghìn người không có chuyên môn kỹ thuật (chiếm 53,1%), tăng 50,8 nghìn người so quý I năm 2015. Vẫn còn 199,4 nghìn người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp (chiếm 17,4%) tăng 22 nghìn người. |
Đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, tại Việt Nam, khoảng cách kỹ năng vẫn còn tồn tại giữa nhà trường và nơi làm việc. Vì vậy, việc thu hẹp khoảng cách và đáp ứng nhu cầu về kỹ năng trong tương lai thông qua thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và giáo dục, cũng như sự tham gia của doanh nghiệp trong việc phát triển các chuẩn kỹ năng và chương trình đào tạo là hết sức quan trọng. |
(còn nữa)