Nguồn gốc từ "lì xì"

Nguồn gốc từ "lì xì"

Ngày xuân khởi đầu của năm mới, là ngày sum họp gia đình, mọi người quây quần bên mâm cơm, bàn trà... và một điều không thể thiếu đối với trẻ em trong ngày Tết, đó là bao "lì xì".

Dịp Tết, ta thường thấy ông bà, cha mẹ có lệ đặt tiền vào chiếc phong bì vàng son rực rỡ, nhỏ nhỏ, xinh xinh, hoặc phong bì bằng giấy hồng điều để mừng tuổi cho con cháu trong nhà, trẻ em hàng xóm, họ hàng thân thuộc. Tiền ở trong phong bì đó gọi là tiền "lì xì", phong bì đó được gọi là phong lì xì, hoặc bao lì xì. Ngoài phong bì thường là những câu chúc phúc bằng chữ Hán, thể hiện ước vọng an lành, vui tươi, phát đạt... đại loại như: Kim ngọc mãn đường, Vạn sự như ý, Niên niên hưng vượng...

Giải thích nguồn gốc của từ "lì xì" cũng khác nhau. Có quan niệm cho rằng: âm "lì" tương ứng với tiếng Hán-Việt là Lợi (nghĩa là lợi lộc, điều lợi); "xì" tương ứng với tiếng Hán-Việt là Thị (nghĩa là chợ). Như vậy, "lì xì" tương ứng với danh từ "Lợi Thị", có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Vậy thì tiền "lì xì", mừng tuổi chính là thứ tiền đem lại cái hên, điều lành, điều tốt cho trẻ em trong dịp đầu Xuân.

Lại có quan niệm cho rằng: Theo truyền thuyết: Phong tục "lì xì" có từ đời Ðường bên Trung Quốc. Vào các ngày lễ Tết, các cận thần dâng lễ vật lên nhà vua, chúc mừng một năm mới ấm no, hạnh phúc. Và những lễ vật đó cũng được nhà vua tặng lại một ít, bọc ngoài miếng vải đỏ. Từ đó dân trong các dịp Tết nhất cũng mang quà bánh tặng nhau, đặc biệt là cho trẻ em. Về sau, người ta cảm thấy bất tiện vì bánh trái kềnh càng và thay vào đó là tiền cho trẻ em để mừng tuổi. Lẽ dĩ nhiên miếng vải đỏ kia cũng được thay thế bằng một cái bao nhỏ, xinh xắn, mầu đỏ cho gọn gàng, đẹp mắt.

Nhưng dù bắt nguồn từ giả thuyết nào, từ cách viết nào đi nữa thì "lì xì" vẫn là một trong những phong tục tập quán của người Việt Nam và đều có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn, tặng cho trẻ trong dịp Tết nhất là cầu cho chúng khôn lớn nên người.