Qua quan sát, chúng tôi rất ngạc nhiên thấy một bộ phận khá đông thanh thiếu niên, nhất là học sinh phổ thông đang thoải mái sử dụng những lời bông đùa tục tĩu hay ám chỉ khi trò chuyện trên mạng xã hội, dù từ ngữ đã được viết tắt nhưng cũng rất khó chấp nhận.
Đây là hiện tượng phổ biến trong giới trẻ mà các nhà nghiên cứu xã hội học cần quan tâm nghiên cứu. Lời nói gió bay nhưng khi được lưu dưới dạng văn bản com-ment hoặc chat thì đã thành chuyện khác. Chúng ta biết, tài khoản cá nhân trên mạng xã hội là ngôi nhà riêng nhưng tất cả các cánh cửa đều mở toang. Thông tin đã đưa lên mạng thì không còn riêng tư tuyệt đối nữa. Phát ngôn trong nhà nhưng thiên hạ vẫn nghe thấy, cho nên dù vô tình hay chủ ý, đùa vui hay cãi vã cũng trở thành kênh thông tin để đánh giá về chủ nhà.
Câu chuyện tưởng như không mới này lại rộ lên khiến dư luận quan tâm, bức xúc khi một số thí sinh trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 đã phải trả giá vì những lời nói tục bông đùa mà các em nghĩ là vô thưởng vô phạt. Cho dù đã được Ban tổ chức cân nhắc thời điểm, mức độ, hoàn cảnh khi xử lý thì đây vẫn là bài học không bao giờ cũ cho thí sinh vướng vào sự cố "người xinh tiếng nói chưa xinh" ấy...
Vì phần lớn đối tượng là học sinh phổ thông cho nên ngoài gia đình, nhà trường đóng vai trò rất lớn trong việc uốn nắn, giáo dục các em. Trường phổ thông dân lập L.T.V. từng đưa vào nội quy bắt buộc với học sinh nhập học là không được nói tục, chửi bậy trên mạng xã hội. Nếu bị phát hiện, tùy mức độ có thể áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất. Nên chăng đây là nội dung mà trong dịp khai giảng đầu năm học mới 2016-2017, ban giám hiệu các trường khác nên quan tâm tham khảo. Bên cạnh những biện pháp hành chính, cần đưa nội dung này vào các giờ học giáo dục công dân, sinh hoạt đoàn, đội, hoạt động ngoại khóa… với thời lượng xứng đáng. Và Hoa hậu Việt Nam 2016 với vai trò cùng sức ảnh hưởng của mình trong giới trẻ, nên chăng là người tích cực tham gia việc này trong các hoạt động xã hội?