Người xây dựng nhiều mô hình "lấy dân làm gốc"

Lừng lẫy những chiến công

Với khí thế hừng hực chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, chàng thanh niên Ngô Quang Hớn hăng hái tham gia lực lượng thanh niên tiền phong tại quê hương - ấp Cầu Sắt, xã Vĩnh Mỹ, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Từ đó, đồng chí chính thức trở thành người chiến sĩ cộng sản, với bí danh Hai Hồng. Sau khi tham gia giành chính quyền ở xã Vĩnh Mỹ, tháng 9-1945, đồng chí làm đơn xin gia nhập đơn vị cảm tử quân - bảo vệ thành quả non trẻ mà cách mạng vừa giành được. Từ năm 1949 đến 1954, đồng chí cùng với nhiều đồng chí khác tìm cách xây dựng lực lượng cách mạng ở cơ sở không ngừng lớn mạnh, gây dựng các phong trào và trực tiếp chiến đấu nhiều trận, tiêu diệt hàng chục tên địch. Ðại tá Ngô Quang Hớn nhớ lại: "Cuối năm 1945, thực dân Pháp chiếm lại thị xã Bạc Liêu và Cà Mau, bọn ác ôn, chỉ điểm hoạt động mạnh đàn áp phong trào cách mạng, bắt bớ cán bộ gây khó khăn cho phong trào cách mạng. Ðể bảo vệ phong trào, tạo điều kiện cho cán bộ hoạt động, tôi chỉ huy lực lượng du kích chia ra từng tổ luồn sâu vào lòng địch diệt ác, phá tề. Kết quả, chúng tôi tiêu diệt được năm tên, trong đó có ba tên chỉ huy cảnh sát ở xã".

Trưởng thành từ thực tiễn công tác, từ chiến đấu ở cơ sở, đến năm 1961, đồng chí Hai Hồng trở thành Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng và được phân công phụ trách huyện Long Phú, một địa bàn bị địch chiếm đóng, phong trào cách mạng bị đàn áp mạnh. Tại đây, đồng chí cùng một số cán bộ huyện tìm cách xây dựng cơ sở mới, phát triển đảng viên. Chỉ hơn một năm, 100% xã đều có cơ sở cách mạng. Một đại đội vũ trang đã mở nhiều đợt tiến công, cùng với nhân dân nổi dậy giải phóng 17 xã, tiêu diệt nhiều tên ác ôn. Năm 1962, đồng chí Hai Hồng được điều động về làm Phó trưởng ban Thường trực Ban An ninh Tây Nam Bộ kiêm nhiều chức vụ khác. "Tháng 3-1965, tôi chỉ đạo lực lượng trinh sát nắm tình hình, phát hiện xóa một mạng lưới tình báo gồm năm tên do địch hóa trang làm nghề lưới cào; làm trong sạch địa bàn, bảo vệ an toàn các chuyến tàu không số vận chuyển vũ khí từ miền bắc chi viện chiến trường miền nam". Ngừng một lúc đồng chí nói tiếp: "Rồi tôi được Khu ủy giao nhiệm vụ củng cố đường giao thông, chở vũ khí từ miền bắc về căn cứ Khu qua tuyến đường 1C. Ðánh hơi được lộ trình này, ngụy đưa tên Nguyễn Công Thành và tên Huỳnh Hoa về thị xã Rạch Giá tổ chức nhiều mạng lưới nắm tình hình, đánh phá. Sau khi bàn bạc, nghiên cứu kỹ, tôi chỉ đạo lực lượng bảo vệ chính trị Khu phối hợp lực lượng An ninh Rạch Giá xây dựng kế hoạch và tổ chức bắt sống 17 tên địch. Cùng lúc đó, lực lượng An ninh Rạch Giá đột nhập nội ô thị xã, tiêu diệt hai tên Thành và Hoa, thu nhiều tài liệu quan trọng"...

Dựa vào sức mạnh của nhân dân

Ðầu năm 1977, đồng chí Ngô Quang Hớn được điều động về làm Trưởng ty Công an tỉnh Kiên Giang. Thời điểm này ở Kiên Giang tình hình an ninh - trật tự trên địa bàn, trọng điểm là thị xã Rạch Giá và một số huyện như: Hà Tiên, Kiên Lương, Phú Quốc... rất phức tạp. Các tổ chức phản động lưu vong móc nối với phần tử xấu trong nước điên cuồng hoạt động chống phá chế độ. Các băng nhóm tội phạm lộng hành đe dọa sự bình yên của nhân dân. Xắn tay vào cuộc, nhận thấy nếu chỉ có lực lượng công an sẽ đấu tranh không đạt hiệu quả cao. "Phải dựa vào sức dân, thành lập Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự (BVANTT)" - đồng chí suy nghĩ thế, vì thời kháng chiến đồng chí đã từng xây dựng mô hình "Hội đồng bảo vệ căn cứ cách mạng". Ðồng chí mạnh dạn đề nghị lãnh đạo tỉnh và được chấp thuận. Hội đồng BVANTT với nguyên tắc hoạt động phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của Ðảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng công an và quần chúng nhân dân. Ðứa con tinh thần của Ðại tá - mô hình Hội đồng BVANTT chọn địa bàn xây dựng tại ấp (khu phố) - nơi có địa bàn vừa phải, không cần lực lượng đông. Theo lời của Ðại tá Hai Hồng, ý tưởng mà đồng chí xây dựng mô hình này xuất phát từ lời dạy của Bác Hồ: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong". "Ngày trước, Ðảng ta lãnh đạo đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng nhờ biết dựa vào dân, phát huy sức mạnh của toàn dân. Tổ quốc thống nhất, bước vào công cuộc khôi phục và xây dựng đất nước, Ðảng ta cũng dựa vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân và đã thành công. Thì có lý nào biết dựa vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân trong việc BVANTT mà lại không thành công!" - Ðại tá Ngô Quang Hớn khẳng định.

Từ khi đi vào hoạt động tháng 5-1987 đến khoảng năm 1989, với ba địa bàn chỉ đạo điểm là phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá; thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương và xã Mỹ Ðức thị xã Hà Tiên, mô hình hoạt động với phương châm "lấy dân làm gốc" của Ðại tá Ngô Quang Hớn đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Theo báo cáo điển hình tại hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm mô hình, Ðảng ủy phường Vĩnh Thanh (TP Rạch Giá) nhận xét: "Rõ ràng Hội đồng BVANTT được thành lập và đi vào hoạt động đã phát huy ngay tác dụng, không những làm giảm tình hình hoạt động của các loại tội phạm tại chỗ mà còn chấm dứt hẳn các vụ việc phạm pháp nghiêm trọng, tình hình an ninh trật tự đi vào ổn định hơn trước". Kết thúc bản báo cáo, phường Vĩnh Thanh khẳng định: "Việc thành lập Hội đồng BVANTT không những không cồng kềnh như một số đồng chí đã nghĩ mà còn giảm bớt đáng kể một lực lượng không cần thiết, giảm bớt các tổ chức chân rết nhưng an ninh trật tự vẫn bảo đảm vì các đoàn thể tích cực tham gia hơn trước, đúng theo quan điểm chỉ đạo của Ðảng". Kết quả nổi bật của phong trào này, từ một địa phương phức tạp về tình hình an ninh trật tự, Kiên Giang đã dần đi vào thế ổn định, vững chắc. Nhiều tổ chức phản động bị triệt xóa, các đối tượng phạm pháp hình sự lần lượt theo nhau ra tòa, nhiều đối tượng có lệnh truy nã lẩn tránh trên địa bàn bị phát hiện, tệ nạn xã hội và các loại tội phạm khác đều giảm đáng kể. Ba xã, thị trấn, khu phố được chọn thực hiện thí điểm phong trào đều đạt được những thành tích cao. Trong đó, công an và quần chúng xã Mỹ Ðức được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; cán bộ và nhân dân thị xã Kiên Lương và phường Vĩnh Thanh cũng được phong tặng danh hiệu này.

Trở thành... "Ông Hai phong trào"

Sau khi thắng lợi vang dội với mô hình Hội đồng BVANTT, Ðại tá Ngô Quang Hớn rời chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang. Ðại tá nói: "Cả tuổi thanh xuân đi theo cách mạng, những ngày cuối đời là dịp tốt nhất để chăm sóc gia đình". Tuy nghĩ vậy, nhưng khi chuyển sinh hoạt về nơi cư trú, đồng chí lại tiếp tục gánh vác công việc tại cơ sở. Ðảng ủy giao nhiệm vụ gì đồng chí cũng đảm nhiệm, từ công tác Ðảng đến công tác đoàn, hội. Những buổi họp chi bộ, họp khu phố, họp dân... đồng chí luôn tích cực tham gia ý kiến đóng góp xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể vững mạnh; đóng góp xây dựng tình đoàn kết xóm giềng, vận động xây dựng các loại quỹ, các công trình phúc lợi phục vụ nhân dân. Không mệnh lệnh, nhưng đồng chí luôn dứt khoát và có trách nhiệm trong từng việc làm, từng câu, từng chữ, từng lời phát biểu. Với những đóng góp nổi bật, những công việc mà đồng chí đã, đang và sắp thực hiện, người dân TP Rạch Giá đã trìu mến gọi Ðại tá Ngô Quang Hớn bằng "Ông Hai phong trào".

Rồi "Ông Hai phong trào" lại trăn trở khi Hội đồng BVANTT được thay tên bằng Ban BVANTT khu phố, ấp hoạt động, hiệu quả đi xuống. Nhiêu đêm ông thức trắng bên chồng hồ sơ, tài liệu và những trang bản thảo dở dang. "Tôi đọc, suy nghĩ rồi viết, nhưng lúc đầu chưa định hình được. Sau khi bắt gặp Công văn 700 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang về việc chỉ đạo nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Với hai chữ "toàn dân" trong tiêu đề công văn chỉ đạo, tôi lại suy nghĩ về mô hình Hội đồng BVANTT và quan điểm lãnh đạo của Ðảng ta "lấy dân làm gốc" và lao vào phác thảo ra mô hình Tổ nhân dân tự quản (NDTQ) "Không tội phạm và tệ nạn xã hội" - đồng chí nói. Và mô hình mới của Ðại tá Ngô Quang Hớn được lãnh đạo tỉnh duyệt và cho triển khai, lúc đầu chỉ một vài nơi sau đó nhân rộng ra toàn tỉnh. Mô hình Tổ NDTQ "Không tội phạm và tệ nạn xã hội" được thực hiện bằng bốn phong trào: Phong trào toàn dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự; phong trào giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; phong trào gia đình làm kinh tế và phong trào xây dựng gia đình văn hóa, Tổ NDTQ văn hóa. Khi tỉnh quyết định thành lập Tổ NDTQ, đồng chí đã lăn lộn cùng cơ sở tham gia xây dựng mô hình Tổ tự quản bốn không: không tội phạm, không ma túy, không mại dâm và không có hộ đói. Sau khi tỉnh Kiên Giang xóa hoàn toàn hộ đói nên tiêu chí không còn hộ đói chuyển sang không còn hộ nghèo. Tổ nào không còn hộ nghèo thì xây dựng Tổ tự quản ba không. Riêng tại huyện Tân Hiệp còn bổ sung thêm tiêu chí không cờ bạc. Theo kết quả khảo sát của UBND tỉnh Kiên Giang mới đây cho thấy, hiện toàn tỉnh đã có 6.035 (chiếm hơn 61% tổng số Tổ NDTQ trong tỉnh) Tổ NDTQ không còn tội phạm và tệ nạn xã hội; 3.232 Tổ NDTQ tuy còn đối tượng nhưng không ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Bùi Ngọc Sương, nhận xét: Mô hình Tổ NDTQ "Không tội phạm và tệ nạn xã hội" ở Kiên Giang bước đầu đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Ðiều này cho thấy mô hình này đã phát huy vai trò của nhân dân, trách nhiệm của Tổ NDTQ, sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại cộng đồng dân cư.

VIỆT TIẾN và LAM HIẾU