PGS, TS Văn Giá, nguyên Trưởng khoa Viết văn, Báo chí - Ðại học Văn hóa Hà Nội:

Người viết trẻ cần "link" với đời sống

PGS, TS Văn Giá, nguyên Trưởng khoa Viết văn, Báo chí - Đại học Văn hóa Hà Nội tự nhận: "Đời tôi chỉ làm hai việc, dạy và viết, chẳng biết làm gì khác". Với hơn 30 năm đào tạo nghề viết văn và viết phê bình văn học, PGS, TS Văn Giá (ảnh bên) rất hào hứng khi chia sẻ suy nghĩ về những người viết trẻ, nhân sự kiện "Hội nghị những người viết văn trẻ" vừa được tổ chức.
0:00 / 0:00
0:00
Người viết trẻ cần "link" với đời sống

Khoa Viết văn, Báo chí - Trường đại học Văn hóa Hà Nội vừa tổ chức hội thảo "Văn học trẻ hôm nay: mạch riêng giữa nguồn chung". Theo ông, mạch riêng ấy là gì và những người viết trẻ hôm nay đang có những thế mạnh và hạn chế gì so với thế hệ trước?

Mạch riêng ấy theo nghĩa hẹp là các thế hệ đã tốt nghiệp khoa Viết văn, Báo chí của Trường đại học Văn hóa Hà Nội, kể từ khóa 8 trở đi (2006 đến nay), đã đóng góp nhiều cây bút đáng kể cho đời sống văn học. Cấp độ lớn hơn, văn học trẻ bao giờ cũng là mạch riêng, tuy nhiên không bao giờ bị đứt đoạn, tách rời văn mạch của dân tộc. Người viết trẻ bây giờ sống trong không khí xã hội tương đối cởi mở, về cơ bản có thể thả sức viết, không gian sáng tạo và in ấn rất thoải mái. Nếu không viết được thì vì bất tài chứ không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, cơ chế. Người viết trẻ có thể tự do lựa chọn các trường phái sáng tác, từ hiện thực, lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, hiện đại, hậu hiện đại... mà không bị "giam cầm" vào lối viết nào cả. Được sống trong không gian internet, họ xuất hiện, trao đổi, thậm chí sáng tác đồng hành với tương tác (đưa lên mạng, được góp ý xong lại sửa lại). Nhiều người trẻ giỏi ngoại ngữ, nhất là thế hệ 9X, họ có thể đọc tác phẩm văn chương thế giới bằng nguyên bản. Họ vượt thoát khỏi mọi khuôn mẫu, định kiến, với họ không có vùng cấm, cũng không dễ gì có thần tượng.

Nhưng những ưu điểm kể trên nếu bị đẩy đến cực đoan lại thành ra hạn chế. Tuổi trẻ thì dễ cực đoan, thí dụ khi cái tôi quá lớn, có thể bất chấp cộng đồng, bất chấp phận người, chúng sinh, chỉ biết chăm chút đến cái tôi của mình.

Người viết trẻ hôm nay có thể là những "nhà độc tài" của tiếng Việt, họ cho mình quyền lực tối cao nhào nặn tiếng Việt trong sáng tác. Là chánh chủ khảo cuộc thi: "Văn học tuổi 20" được trao giải gần đây, ông đánh giá thế nào về cách sử dụng tiếng Việt cũng như cách sử dụng các yếu tố để "lạ hóa" của những cây bút trẻ?

Tôi cảm giác dường như thái độ với tiếng Việt của những người cầm bút hôm nay có vẻ thụt lùi so với thời các bậc tiền bối những Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Văn Cao, Lê Đạt và nhiều người khác. Những thế hệ nhà văn trước kia coi trọng tiếng Việt vô cùng. Nguyễn Tuân khai nghề nghiệp của mình là nghề làm tiếng Việt. Nhiều người viết trẻ cứ tưởng nói hết vấn đề của mình, những xúc cảm của mình là xong. Hóa ra là bên cạnh đó, cùng lúc với nó, phải huy động được ngôn từ và làm giàu có ngôn từ lên. Đọc văn của một số người viết trẻ không bị thuyết phục bởi ngôn ngữ. Ngay cả khi tác phẩm dự thi "Văn học tuổi 20" đã in thành sách vẫn còn lộ ra những câu sai, câu vụng, ngôn từ vụng. Dường như một số cây viết trẻ coi nhẹ đến nghệ thuật ngôn từ mà bị nội dung cuốn đi.

Dưới áp lực của cái lạ, một số người viết bây giờ xem nó như cái tiên nghiệm, nghĩ trước để cuối cùng biểu đạt nội dung. Lẽ ra nội dung phải đẻ ra một hình thức tương ứng. Đọc thì thấy cái được biểu đạt và cái biểu đạt có vẻ xộc xệch. Chạy theo hình thức hơi nhiều nên văn không tự nhiên nữa và nếu vậy sẽ trơ ra sự áp đặt, chiêu trò kỹ thuật lộ liễu. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ: Phải có cái để viết, khi đã viết ra phải rất tự nhiên. Bây giờ cái để viết cũng nghèo mà lại chạy theo cái lạ của hình thức bên ngoài thì dễ hỏng. Ở đây cái gốc vẫn là tài năng.

Như ông phân tích ở trên, người viết trẻ hôm nay có nhiều thế mạnh và môi trường thuận lợi để sáng tác, nhưng nhìn chung văn học trẻ vẫn ở trong tình trạng "san sát như bát úp" mà chưa có đỉnh cao, chưa có tác giả nào bứt phá lên được, vì sao vậy?

Ngoài lý do không có đam mê lớn, thì những năm đầu bước vào nghề, đa số người viết trẻ chưa có ý thức sâu về văn chương, họ coi viết như chơi, được chăng hay chớ. Tôi nghĩ với người viết trẻ nên đoạn tuyệt với suy nghĩ viết để chơi, viết cho vui. Khi đã đạt được đẳng cấp cao trong nghề mới có thể ‘du ư nghệ" (chơi trong cái nghề của mình), nhưng nghề chơi cũng lắm công phu. Phần lớn họ bước vào nghề theo tinh thần tài tử. Chất tài tử mau tan lắm. Phải có đam mê lớn và ý thức chuyên nghiệp rất cao, phải học, tự học, học từ kỹ thuật viết, học ý thức chuyên nghiệp của những nhà văn lớn đương đại của trong nước và thế giới.

Tôi muốn nhấn mạnh, mỗi thời đại đều có một mô hình nghệ sĩ. Ngược về trung đại, có mô hình nghệ sĩ-thiền sư thời Lý-Trần, sau là các nghệ sĩ-nho sĩ. Sau này khi chịu ảnh hưởng của văn học phương Tây, ta có một mô hình nghệ sĩ khác, tôi tạm gọi là nghệ sĩ dấn thân muốn xây dựng một xã hội theo lý tưởng của cách mạng tư sản Pháp: "Tự do, bình đẳng, bác ái". Từ 1945 trở đi, xuất hiện mô hình nghệ sĩ-chiến sĩ. Sau năm 1986, đặc biệt là từ năm 2000 đến nay, mô hình nghệ sĩ-chiến sĩ hết chức năng một cách tự nhiên, xuất hiện mô hình nghệ sĩ-trí thức. Phần lớn các văn nghệ sĩ thời chống Mỹ, cứu nước và một phần chống thực dân Pháp không đáp ứng được mô hình nghệ sĩ trí thức này, họ không chuyển đổi được. Tính trí thức nằm ở chỗ coi việc viết văn là một lao động trí tuệ, họ là người "hiếu tri" - luôn luôn có nhu cầu hiểu biết. Họ hiểu biết nhiều lĩnh vực của đời sống, với tầm cao mỹ học và triết học. Và họ là người phân tích xã hội rất sắc sảo. Đã phân tích thì phải có nhu cầu phản biện xã hội, dĩ nhiên phản biện phải bằng nghệ thuật.

Nếu như những người trẻ muốn đi lâu dài, dứt khoát phải ý thức kỹ về mô hình nghệ sĩ-trí thức này, phải tự mình nỗ lực trở thành một nghệ sĩ trí thức. Một số người trẻ đang rất lười đọc, lười nghĩ, viết bằng bản năng và tự bằng lòng với năng khiếu ban đầu. Một nghệ sĩ chân chính trong bối cảnh xã hội đương đại, dứt khoát phải trau dồi tư cách nghệ sĩ-trí thức thì mới có thể đi xa. Tư cách trí thức không chỉ có học vấn mà còn là ý thức suy tư phân tích và phản biện đời sống. Nhà văn phải có phẩm chất khai sáng, không chỉ khai tâm mà còn khai trí.

"Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp; Giấc mơ con đè nát cuộc đời con", câu thơ của Chế Lan Viên viết cách đây hơn nửa thế kỷ có đúng với một số người viết trẻ hôm nay?

Tôi thấy nhiều người viết trẻ bây giờ khác, họ "khôn" hơn, tỉnh hơn. Họ vẫn được quyền hưởng thụ đời sống này một cách kỹ lưỡng, sành điệu, không chịu khổ (mà tội gì phải khổ). Nhưng họ cần sống kỹ với đời sống, sống kỹ với chính mình. Nói theo ngôn ngữ của giới trẻ là phải link với đời sống, phải có những kết nối chiều sâu với tha nhân và cuộc đời. Tưởng như cái link với đời sống của giới trẻ bây giờ thuận lợi vì có mạng xã hội, có internet nhưng lại thiếu chiều sâu, thiếu sự dằn vặt, chiêm nghiệm, nghiền ngẫm về đời sống. Thêm nữa, họ cần nuôi dưỡng phẩm chất hồn nhiên. Hồn nhiên rất gần với phẩm tính phi vụ lợi, viết là viết, không nghĩ nhiều đến khó khăn, trở ngại, được mất. Hồn nhiên sẽ mở đường cho vô thức, huy động được năng lượng vô thức, tiềm thức trong trang viết. Nếu không có sự hồn nhiên thì sự vô thức sẽ bị chặn lại. Viết phải vừa là kết quả của ý thức, vừa là kết quả của vô thức.

Người viết trẻ cần những nhà phê bình công tâm và liên tài, nhưng dường như đang thiếu vắng những nhà phê bình có "con mắt xanh" như Xuân Diệu từng nói ngày nào. Với tư cách là một nhà phê bình văn học, ông nghĩ gì về nhận định này?

Phần lớn các nhà phê bình bây giờ không đủ thời gian đọc xuể những sáng tác của người trẻ, cũng không thể dành toàn tâm toàn ý cho văn học trẻ vì khoảng cách thế hệ và nhiều lý do khác. Nhưng nếu không đọc xuể thì nên nhìn người trẻ một cách bình tĩnh, trân trọng và chờ đợi. Tôi dứt khoát không chấp nhận cách đánh giá vơ đũa cả nắm, xoa đầu, phủ nhận, nói lời cay độc. Sau 30 năm làm công việc đào tạo những người trẻ làm nghề viết văn, tôi chỉ có động viên họ, đương nhiên có chỗ phải chỉ ra, có chê nhưng chê với tinh thần rất thân ái.

Tôi mong đợi những người trẻ phải có đội ngũ phê bình của chính họ - những thế hệ sát gần hoặc thuộc về thế hệ của họ. Những nhà phê bình trẻ cũng phải hướng về tương lai chứ chỉ nghiên cứu các trường hợp đã ổn định rồi thì không thuận tự nhiên lắm. Nhà phê bình vừa đi vào đời sống các tác giả cụ thể, vừa có cái nhìn tổng quan xem văn trẻ có những xu hướng gì. Hiện nay chưa nhà phê bình nào nghiên cứu về những xu hướng của các tác giả trẻ. Đây là chuyện mà giới phê bình nói chung nợ những người viết trẻ, đặc biệt là thế hệ phê bình cận kề.

Trần Dần có câu thơ: "Tôi khóc những chân trời không có người bay / Lại khóc những người bay không có chân trời". Theo ông, văn học trẻ bây giờ là "người bay không có chân trời" hay "chân trời không có người bay"?

Văn học trẻ là chân trời có người bay chứ. Người viết trẻ bay cũng đã có chân trời. Nhìn chung, tôi khá lạc quan. Một điều tất yếu, thời nào cũng có thế hệ văn chương của chính mình, không chín sớm thì muộn. Nó như là mạch văn của dân tộc chưa bao giờ bị đứt đoạn. Đây là cuộc tiếp sức. Nếu tính ngắn hạn cứ 12 năm là một thế hệ thì quả thật là không đồng đều và hơi bị khó, nhưng nếu xét đại lượng lớn là khoảng 30 năm một thế hệ văn chương thì có thể lạc quan.

Xin trân trọng cảm ơn ông!