15 ngày và một đời người
Tháng 12 năm 1948, khi đang làm họa sĩ cho báo Sự Thật , ông được đồng chí Trường Chinh tin tưởng và giao cho đi vẽ chân dung Bác Hồ với lời dặn: "Ngày mai anh lên chỗ Cụ ở đấy và vẽ. Anh ở bao lâu tùy anh, có thể vẽ Cụ ở mọi tư thế bằng mọi chất liệu nhưng thế nào cũng phải có một bức để in trong số báo tới".
Sáng hôm sau, Phan Kế An lên ngựa theo đường mòn đến đèo Gie. Ông nhớ lại: "Bác trong bộ quần áo nâu giản dị, phong thái nhanh nhẹn, gần gũi. Bác đã xưng "mình" và gọi tôi là "An". Sau khi giới thiệu tôi với tất cả mọi người, Bác bảo: "An ở đây với mình bao lâu tùy An. Mình làm việc khi chỗ này, khi chỗ nọ quanh đây, An cứ theo mình mà vẽ".
Ông đã vẽ Bác ở các tư thế tự nhiên, không làm phiền Bác ngồi làm mẫu, chỉ cố nắm bắt được cái "thần" của Bác và vẽ thật nhanh. Chỉ hơn hai tuần lễ ở bên Bác nhưng để lại cho người họa sĩ 25 tuổi những kỷ niệm không thể nào quên.
Ông nói: "Trong một bữa cơm cùng ăn, thấy Bác uống hết chén rượu thuốc, tôi lại định cầm bình rót thêm thì Bác lấy tay che miệng chén, "Mình chỉ uống mỗi bữa một chén thôi, uống rượu ít thì tốt. Uống nhiều không tốt đâu". Tôi chột dạ, lần nào Bác rót thêm tôi cũng uống hết. Vậy là từ bữa đó tôi không để Bác rót thêm chén thứ hai nữa".
Những câu chuyện mà họa sĩ kể về Bác giản dị thôi nhưng thật thú vị và cảm động. Ông kể rằng "Mỗi lần lấy thuốc ra hút, Bác đều mời tôi một điếu. Hôm đó là ngày cuối trong đợt tôi vẽ Bác. Bác đang ngồi đánh công văn, Bác mở thuốc hút và mời tôi, tôi cứ cầm mãi rồi bỏ túi, Bác liền hỏi: "An đã tích trữ được bao nhiêu điếu thuốc rồi?". Tôi phải nói thật: "Thưa Cụ, ở cơ quan tôi có nhiều thanh niên và cả các đồng chí làm cách mạng lâu năm mà chưa được gặp Cụ, tôi có ý định dành thuốc về cho anh em, chắc họ sẽ mừng lắm". Bác hỏi "Vậy cơ quan An có bao nhiêu người?". Tôi nhẩm tính, rồi thưa: "Khoảng ba chục ạ!". "Thế An đã dành được bao nhiêu điếu?". "Thưa Cụ, tôi đã cất được 13 điếu". Bác liền mở hộp thuốc Cavaren tròn lấy đếm đủ 17 điếu trao cho tôi và nói: "An đem về cho anh em nhé, còn điếu mình vừa cho, An cứ hút đi".
Bác Hồ và họa sĩ Phan Kế An (giữa) ở chiến khu Việt Bắc năm 1948. |
Hơn hai tuần lễ, chàng họa sĩ trẻ đã vẽ được 20 bức tốc họa và một bức thâm họa về Bác. Vì nghĩ đến số báo sắp tới phải có chân dung của Bác nên Phan Kế An xin về cơ quan. Trước khi về, Bác đã cho treo tất cả những bức tranh ông vẽ lên tấm liếp ở nhà tập thể và mời mọi người đến xem. Cho đến bây giờ, đó như là cuộc "triển lãm" riêng đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời làm họa sĩ của ông.
"Quý tử" Khâm sai đại thần theo cách mạng
Sinh ra trong một gia đình có dòng dõi làm quan. Ông nội là Quan tuần phủ Phúc Yên, bố là quan Khâm sai đại thần Phan Kế Toại (người sau này giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam). Ông được mẹ truyền cho niềm đam mê hội họa từ nhỏ, rồi may mắn được học các danh họa bậc thầy của Việt Nam như họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Lê Thị Lựu. Lớn lên Phan Kế An thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Ông tham gia cách mạng trong các phong trào của học sinh sinh viên. Cha ông đã nhiều lần nhận được công văn của Chánh hiến binh Nhật nói về những tổ chức chống Nhật trong phong trào học sinh, sinh viên: "Tiếc rằng trong số đó có cả quý công tử". Nhưng vì đã có cảm tình với Cách mạng từ lâu nên cha ông rất tôn trọng con đường mà con trai mình đã lựa chọn.
Phan Kế An đã từng là họa sĩ vẽ tranh minh họa, biếm họa cho báo Sự Thật. Tranh của ông được các cơ quan thông tin tuyên truyền địa phương phóng to trên các mảng tường còn sót lại qua bom đạn kháng chiến. Có nhiều lần địch đã dùng mìn để phá bỏ những bức tranh đó.
Sau này, nhiều bức tranh của ông đã được đưa vào những tuyển tập hội họa trong nước và nước ngoài. Nổi tiếng nhất về mảng tranh biếm họa là bức "Ních-xơn, tên giết người".
Bên cạnh tranh biếm họa, minh họa thì mảng tranh về phong cảnh của ông cũng hết sức nổi tiếng, đã đóng góp vào gia tài hội họa Việt Nam. Những kiệt tác gắn bó với công cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước như: "Nhớ một chiều Tây Bắc", "Đèo Bông Lau", "Đồi cọ", "Bụi nứa miền xuôi", "Hà Nội tháng 12-1972"... Đó là chưa kể đến những bức tốc họa nổi tiếng về Bác Hồ của ông.
Có một điều đặc biệt và hy hữu trong hội họa là bức tranh "Nhớ một chiều Tây Bắc" của ông đã được tác giả Đoàn Việt Bắc cảm hứng viết nên bài thơ cùng tên với lời đề tặng họa sĩ Phan Kế An:
Chiều Tây Bắc trong xanh ngà ngọc
Chiều như cầm được ở trong tay
Người lính già trầm tư nỗi nhớ
Anh thả chiều vào tranh...
Và bài thơ này đã được nhạc sĩ Vũ Thanh phổ nhạc với tên ca khúc "Thả chiều vào tranh", đã làm nên một cuộc hội ngộ hết sức duyên dáng giữa Họa-Thơ-Nhạc.