Người "thổi hồn" cho tiếng đàn Chapi

Ðàn Chapi luôn có mặt trong mọi hoạt động văn hóa cộng đồng của người Ra Glai (tỉnh Ninh Thuận). Nghệ nhân Ưu tú Chamaléa Âu (trong ảnh) ở xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn là người duy nhất có thể chơi và làm đàn Chapi thành thạo.

Người "thổi hồn" cho tiếng đàn Chapi

Với người Ra Glai, đàn Chapi là một loại nhạc cụ biểu tượng thiêng liêng, tạo nên những khúc ca trầm bổng như tiếng nói, như lời cầu nguyện với thần linh, đó cũng chính là tâm tư, tình cảm của mỗi người Ra Glai muốn gửi gắm với núi rừng đại ngàn. Theo thời gian, nhiều nét văn hóa của người Ra Glai đang dần mai một, người chơi và làm đàn Chapi cũng ít dần.

Chúng tôi tìm đến Ma Nới, một xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận vào một ngày thấm ướt mưa rừng. Nghệ nhân Chamaléa Âu đón chúng tôi bằng nụ cười hồn hậu, với mái tóc dài và bạc, làn da ngăm. Nghệ nhân say sưa kể về tình yêu mãnh liệt của ông dành cho cây đàn Chapi. Kỹ thuật làm đàn không khó nhưng đòi hỏi nghệ nhân phải hết lòng đam mê và chịu khó với công việc. Người làm đàn phải lên núi cao tìm được cây tre già không tì vết, đường kính phải đạt 7 đến 8 cm, mỗi lóng tre phải dài 40 cm. Cây tre để trong bóng râm mát khoảng hai tháng cho thật khô mới đưa ra làm đàn. Nghệ nhân dùng cây mác đầu nhọn khoét vào cật tre bật lên thành tám dây, mỗi dây cách nhau khoảng 2 cm. Ðặt chốt tre nhỏ ở hai đầu dây nâng cao hơn thân đàn. Sau khi cây đàn nên hình nên dáng thì phải cân chỉnh cho tiếng đàn Chapi có hồn.

Dưới mái nhà đơn sơ của mình, ông Chamaléa Âu dành hẳn một không gian cho việc chế tác và giới thiệu các loại nhạc cụ truyền thống. Hằng ngày, những người đam mê nhạc cụ truyền thống Ra Glai thường tìm đến để được ông hướng dẫn cách chơi đàn hoặc tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng người Ra Glai nơi đây. Năm 2011, ông Chamaléa Âu là một trong những nghệ nhân Ra Glai được chọn ra Hà Nội biểu diễn tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam để quảng bá giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người Ra Glai.

"Ai yêu tự do yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn Chapi. Tôi yêu Chapi không còn cô đơn, không buồn, không vui", nghệ nhân Chamaleá Âu cất tiếng hát với cây đàn Chapi. Giờ đây, tiếng đàn Chapi của ông đã vượt ra khỏi nương rẫy để biểu diễn trên các sân khấu lớn. Ông mong ước người Ra Glai lại chơi Chapi nhiều hơn, hòa nhịp cùng tiếng rừng giọng núi.