Người thổi hồn cho nghệ thuật Trúc Chỉ

NDO - Họa sĩ Phan Hải Bằng không đến với giấy và nghệ thuật biểu cảm của giấy bằng con đường tắt, mà anh đã phải lăn lộn, vất vả với khát vọng sáng tạo của mình qua nhiều năm trời. Anh không coi giấy chỉ là phương tiện vật chất, hay cao hơn, chuyên môn hơn là vật liệu tạo hình thuần túy, vì thế anh đã tìm con đường sáng tạo riêng cho mình từ giấy và bởi giấy, bằng lối đi gập ghềnh, gian nan, đầy thử thách của một người yêu thích sự khám phá.
Gia công tạo tác hoa văn trên giấy tre Trúc Chỉ.
Gia công tạo tác hoa văn trên giấy tre Trúc Chỉ.

Hơn chục năm tự mày mò, cộng với sự hỗ trợ của học bổng Asianscholarship Foundation - ASF năm 2007, Phan Hải Bằng đã đặt nền móng cho một công trình nghiên cứu - sáng tạo tương lai từ những hạt bụi của ký ức, của thời gian, từ những nghiên cứu, tìm kiếm nhẫn nại trên những nẻo đường xa vắng của các bản làng ở nhiều rẻo cao Việt Nam và sang tận Thái-lan, Lào... nơi còn may mắn đọng lại những dấu tích về nghề chế tác giấy. Anh nắm bắt cái thần, cái hồn của nghề này với những cách thức khác nhau, những sự biến thể của giấy từ nhiều nguồn vật liệu tự nhiên... và anh nhận ra rằng, mỗi nghệ nhân làm giấy đều yêu giấy, đam mê giấy, coi giấy là vật thể có linh tâm một cách chân thành, bình dị và thuần khiết đến lạ lùng. Có lẽ anh đã cảm nhận giấy theo chiều sâu nội tâm, tự tại và chan chứa tình người từ sự tiếp cận trực tiếp, cảm tính như thế về nghề làm giấy, để sau đó, anh đem về Trường đại học Nghệ thuật Huế, nơi anh là giảng viên và say sưa thuyết phục mọi người chế tác giấy vẽ, giấy theo cách thức truyền thống và tạo hình trực tiếp một cách mộc mạc nhưng lại có sức hút chiều sâu bởi tính truyền thống lắng đọng của nó. Ðó là loại giấy được làm từ tre, một loài cây gần gũi, quen thuộc với người dân Việt Nam, với hình tượng lũy tre xanh chan chứa những xúc cảm nhân văn, bao hàm nhiều ngữ nghĩa biểu tượng về văn hóa dân tộc, tâm linh. Cây tre trong tâm thức người Việt là một sự tin cậy, thân thiết, gần gũi. Tre gắn liền với hầu hết mọi sinh hoạt, sự kiện của người dân, nhất là ở làng quê Việt Nam. Từ những giá trị bình dị mà Phan Hải Bằng tạo nên từ giấy mà nhà nghiên cứu văn hóa, dịch giả Bửu Ý đã trân trọng đặt tên cho loại giấy này là Trúc Chỉ. Với Phan Hải Bằng, việc chọn cây tre làm nguyên liệu chính để chế tác nên những tác phẩm Trúc Chỉ mang nhiều ý nghĩa. Ðây cũng là điều quan trọng góp phần làm cho Trúc Chỉ trở nên gần gũi hơn với mọi người, nhằm dễ dàng hơn cho việc truyền tải thông điệp về văn hóa tre, một nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Anh cho biết, việc tạo ra Trúc Chỉ là quá trình áp dụng những quy trình truyền thống Việt Nam trên cơ sở làm mới và kết hợp với những thủ pháp hiện đại cũng như của các nước khác, nhằm tạo nên một sản phẩm có tính độc đáo và thuần Việt. Anh cũng không ngần ngại bày tỏ mong muốn Trúc Chỉ sẽ là một phần nhỏ góp thêm vào vốn văn hóa phong phú của Việt Nam như một thành tố mới.

Họa sĩ Phan Hải Bằng lập xưởng giấy trong khuôn viên của trường và đây cũng là xưởng giấy tạo hình đầu tiên xuất hiện trong các trường mỹ thuật ở Việt Nam. Phan Hải Bằng đã tạo ra sự song hành sáng tạo bên cạnh quy trình làm giấy, tạo nên xúc cảm sáng tạo trực tiếp ngay trong quy trình làm giấy. Anh làm việc như là một nghệ nhân làm giấy thực thụ khi chẻ từng ống tre cho vào cái thùng phi là nồi nấu, vơ từng đám lá khô đốt lửa, rồi nhẫn nại quấy bột giấy, seo giấy, phơi giấy... và ngay lúc đó anh cũng là một nghệ sĩ khi vừa bảo đảm tuân thủ kỹ thuật chế tác vừa làm cho kỹ thuật đó đáp ứng yêu cầu sáng tạo nghệ thuật, chuyển tải hình tượng của mình trên giấy một cách trực tiếp. Ðiều đặc biệt đáng lưu ý là mỗi tác phẩm Trúc Chỉ nghệ thuật đều mang tính độc bản, với kỹ thuật tạo hình ẩn chứa trên nền giấy, khi cầm trên tay lại thấy những hình ảnh nghệ thuật chìm trong nền Trúc Chỉ, tạo ra một cảm giác lạ mắt, độc đáo và sinh động đến ngạc nhiên khi tác phẩm đạt hiệu quả tối ưu với ánh sáng chiếu từ phía sau, làm nổi bật các họa tiết tạo hình đa dạng. Chỉ với một xưởng giấy bé nhỏ ở trường, nhưng Phan Hải Bằng đã tạo dựng được một không gian thực nghiệm mọi công đoạn làm giấy, bất kỳ ai yêu thích nghệ thuật giấy chịu khó đến đây học một thời gian ngắn là có thể nắm bắt được kỹ thuật chế tác giấy và tạo tác được những tác phẩm giấy nghệ thuật. Chính điều này đã làm cho nhiều sinh viên yêu thích và đến với những thử nghiệm sáng tạo cùng anh. Anh thử nghiệm hiệu quả tạo hình các loại giấy của mình qua việc in tranh ở làng Sình, những nét in sắc sảo, rung cảm trên những tờ Trúc Chỉ đã làm cho nghệ nhân Kỳ Hữu Phước xúc động: "Tôi mơ ước từ lâu là làm sao có được một loại giấy đặc thù của người Huế, nay có anh Phan Hải Bằng làm được thì thật quý, tôi in tranh trên giấy Trúc Chỉ này thật thích và có hiệu quả khác hẳn so với các loại giấy khác". Các thể nghiệm của anh trên Trúc Chỉ với các kỹ thuật chất liệu đồ họa như etching, lithograph, in kỹ thuật số... được các sinh viên đồ họa thực hiện cũng cho những tín hiệu tốt. Triển vọng giấy Trúc Chỉ của Phan Hải Bằng sẽ dần có chỗ đứng, vị trí trân trọng trong sự phát triển nghệ thuật đồ họa nói riêng và hội họa trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Phan Hải Bằng không muốn chỉ dừng lại ở đó mà anh còn muốn mở rộng hơn nữa sự ứng dụng của Trúc Chỉ vào nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống và hoạt động nghệ thuật. Với Phan Hải Bằng, Trúc Chỉ phải đến với mọi người một cách thân thiện, gần gũi hơn nữa. Chính vì vậy anh cùng với sinh viên của mình còn thử nghiệm mở rộng khả năng biểu cảm của Trúc Chỉ vào lĩnh vực thiết kế những tác phẩm mỹ thuật ứng dụng như chao đèn, hộp đựng quà, danh thiếp, bìa sách, diều, nón, quạt... những bản in thử giấy khen, giấy chứng nhận hoạt động nghệ thuật, in ảnh... Anh còn nghiên cứu và "liều" in cả tập thơ độc bản "Thơ rời tháng mưa" gồm mấy chục bài của các nhà thơ Huế trên những trang Trúc Chỉ mầu vàng nâu ấm áp. Trong dịp khai mạc triển lãm Văn bản Hán Nôm các làng xã ở Thừa Thiên - Huế tại Thư viện tỉnh Thừa Thiên - Huế, khi biết ở Trường đại học Nghệ thuật Huế có một họa sĩ tự chế tác ra các loại giấy kích cỡ khác nhau, chất lượng tốt, Giám đốc Thư viện Lê Trọng Bình, đã rất vui và cho biết, việc phục chế văn bản Hán Nôm là một nhu cầu rất cấp thiết hiện nay tại Thừa Thiên - Huế và sẽ xem xét để hợp tác với họa sĩ làm giấy Trúc Chỉ trong những việc phục tồn các thư tịch cổ trong tương lai.

Ông Võ Văn Quân, người sáng lập Công ty tranh thêu XQ Việt Nam bày tỏ rất hứng thú với sản phẩm Trúc Chỉ được làm từ tre của Phan Hải Bằng, bởi ngoài công năng sử dụng và sáng tạo, Trúc Chỉ còn mang đầy tính văn hóa và nhân văn. Về mặt xã hội, giấy Trúc Chỉ hoàn toàn có thể tạo công ăn việc làm cho người dân quê tại chính mảnh đất của mình, bằng chính nguyên liệu gần gũi và sẵn có quanh đó. Phan Hải Bằng đã trưng bày nghệ thuật Trúc Chỉ một vài lần, nhưng ấn tượng nhất vẫn là trong dịp Festival Huế 2012. Tại không gian tuyệt đẹp, ấm áp của XQ Cổ độ Huế, anh đã làm bao người bất ngờ với một không gian Trúc Chỉ được sắp đặt công phu kết hợp với hiệu ứng ánh sáng. Ðiều rất thú vị là nhiều bạn trẻ không chỉ đến không gian này để thưởng thức mà còn mong muốn tìm hiểu về nghề làm giấy cổ truyền cũng như các tác phẩm Trúc Chỉ của anh.

ÐI từ văn hóa cội nguồn và truyền thống nghệ thuật Việt Nam, từ sắc thái mỹ thuật dân gian đến ứng dụng in đồ họa hiện đại, Phan Hải Bằng đã thật sự thành công với việc tiếp nối, làm mới nghề làm giấy thủ công truyền thống và thổi hồn cho giấy, cho nghệ thuật Trúc Chỉ của anh bằng tất cả nỗi đam mê sáng tạo nghệ thuật chân thành, mãnh liệt nhất.

TS PHAN THANH BÌNH

(Ðại học Nghệ thuật Huế)