Tôi gặp họa sĩ, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng lần đầu vào năm 2012, khi công trình Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vào giai đoạn hoàn thành tám trụ huyền thoại, đang chuyển tiếp chất liệu đá khối tượng chính là phần chân dung Mẹ và hình ảnh những người con của đất nước. Trưa Tam Kỳ nắng như đổ lửa, ông dẫn chúng tôi đi xem không gian nơi đặt tượng đài vẫn còn là cả khoảng đồi trống mênh mông. Công trường ngổn ngang đá, ở đó có phần chân dung Mẹ vừa xong phần đục thô; các trụ đá cao lừng lững khắc họa sinh động những gương mặt, dáng hình các bà mẹ của cả nước…
Giai đoạn cuối của công trình, Đinh Gia Thắng thường miệt mài trên giàn giáo để trực tiếp tham gia chạm khắc phần tinh, từng chi tiết trên gương mặt Mẹ và những người con cả nước, để thổi hồn cho tác phẩm thiêng liêng này. Một ngày, ông trải đủ cả nắng, mưa, gió lạnh của thời tiết đông - xuân; với những bữa ăn qua loa. “Làm miết, nước cũng không dám uống để đỡ phải trèo lên, trèo xuống”- Đinh Gia Thắng nhớ lại. Sau 10 năm, ngày 24-3-2015, công trình khánh thành trong niềm hạnh phúc lớn lao của người nghệ sĩ, khi chứng kiến niềm hân hoan của hàng trăm nghìn người dân và du khách chật kín mọi nẻo đường TP Tam Kỳ đổ về chiêm ngưỡng và kính cẩn dâng hương trước tượng Mẹ.
Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là một quần thể nhiều hạng mục công trình nghệ thuật, cảnh quan, kiến trúc, không gian trưng bày hiện vật, ảnh tư liệu cùng các tác phẩm hội họa về Mẹ mang vẻ đẹp hài hòa, đầy sức lôi cuốn. Toàn bộ khối tượng đài được làm bằng 3.000m3 đá hoa cương với chiều cao 18,5m, chiều rộng 120m, khắc họa hình ảnh Mẹ với gương mặt hiền từ, bao dung, nhân hậu. Phía trước tượng đài gắn kết với một hồ nước lớn hơn 1.000m2 hình bán nguyệt; những làn nước chảy từ thân tượng xuống hồ thể hiện sự hiến dâng âm thầm của Mẹ đối với các con, với đất nước. Hai bên vách đá là gương mặt những người con thấp thoáng, gợi mở hình ảnh về một đất nước hòa bình thống nhất, các con cháu mọi miền bắc - trung - nam sum vầy quanh mẹ hiền Tổ quốc. Bên trong khối tượng đài là Bảo tàng Mẹ Việt Nam Anh hùng, có diện tích 1.800m2; lưu giữ những hình ảnh, tư liệu, hiện vật về những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; những phụ nữ Việt Nam tiêu biểu trong chiến tranh. Ngoài ra, còn có quảng trường rộng với vườn truyền thống, vườn hiện đại và tám trụ biểu tượng đá hoa cương. Mỗi trụ cao 11,2m, đường kính 1,85m, trên đó chạm khắc hình ảnh về các bà mẹ ba miền đất nước; những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn… Hai bên đường dẫn là thảm cỏ đặt các phiến đá trắng, chạm khắc những bài hát, vần thơ hay về mẹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà thơ Tố Hữu, Xuân Hồng... Kề đó là Nghĩa trang liệt sĩ quy tập khoảng 3.000 ngôi mộ. Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng là công trình văn hóa cấp quốc gia có quy mô lớn nhất nước; một biểu tượng sinh động, đẹp đẽ về những giá trị nhân văn cao đẹp của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Thời gian qua, nơi đây trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch của TP Tam Kỳ và phía nam tỉnh Quảng Nam, hằng ngày đón từ hàng trăm đến hàng nghìn lượt khách đến tham quan, dâng hương tưởng niệm.
Hình ảnh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ là nguyên mẫu, là nguồn cảm hứng lớn lao để tác giả sáng tác nên tác phẩm đầy ý nghĩa này. Chín người con ruột, một con rể và hai cháu ngoại đã ngã xuống trong chiến tranh là sự hy sinh, tận hiến lớn lao của Mẹ cho Tổ quốc. Đất nước hòa bình, những người con trai yêu dấu đã không trở về, chỉ còn lại Mẹ trong ngôi nhà đơn sơ, lặng lẽ sống qua ngày nhờ sự chăm sóc của người con gái cũng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Suốt những năm làm tượng đài cho đến khi Mẹ mất ở tuổi 107, gần như tháng nào Đinh Gia Thắng cũng ghé thăm Mẹ. Ông thường ngồi hàng giờ, nắm bàn tay gầy guộc, nghe mẹ hát, kể chuyện lan man việc đồng áng, ruộng vườn, chứ không phải thở than, đau buồn về con cái, tuổi già. Ông ngắm nhìn từng đường nét, thậm chí đưa tay sờ trên khuôn mặt già nua để cảm nhận được cấu trúc khung xương, gò mày của Mẹ để thành hình tác phẩm sao cho chân thực, có hồn. Ông có mặt bên Mẹ những ngày cuối đời ở bệnh viện, nắm chặt tay cho đến khi Mẹ trút hơi thở cuối cùng, trong niềm tiếc thương mất mát vô hạn một người Mẹ vĩ đại - biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc.
Đề tài về chiến tranh, về Mẹ là điều Đinh Gia Thắng luôn đau đáu, ấp ủ. Những tưởng hoàn thành tác phẩm lớn Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khiến ông hài lòng, thảnh thơi dừng bước. Song, dường như con người ông đã quen với khó khăn, thử thách của nghệ thuật, khi ba năm qua, ngay khi Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang ở giai đoạn hoàn thành, ông đã không ngần ngại bắt tay vào sáng tác tác phẩm điêu khắc Huyền thoại Trường Sơn (theo chủ trương của Ban Bí thư T.Ư Đảng và Bộ Quốc phòng) nhằm ghi dấu những gian khổ, hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Dịp kỷ niệm 58 năm Ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 - 19-5-2017), và 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ năm nay, phần trung thảo Huyền thoại Trường Sơn đã hoàn thành, được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam và nhận được sự quan tâm, mến mộ của đông đảo công chúng. Hy vọng tác phẩm này sẽ sớm được hoàn thành.