Làm kinh tế và nghiên cứu văn hóa Ông Liễng thường nói vui với bạn bè rằng, trước hết ông về quê là để giúp đồng bào Chăm Hroi làm giàu. Đất đai Sơn Hòa tốt lắm, chỉ vì người dân chưa biết cách canh tác. Ông sẽ làm gương cho họ học hỏi, làm giàu từ đất đai của mình.
Và vị đạo diễn kỳ cựu từng tốt nghiệp Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, kiêm nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã biến điều đó thành sự thật. Từ ngày về lại quê nhà, bằng kiến thức khoa học tích lũy được Ka Sô Liễng cần mẫn vừa tự làm, vừa thuê người cải tạo, trồng cây, biến bốn ha đồi đất khô cằn ở Ea Chà Rang thành trang trại bốn mùa xanh tươi, trù phú. Bây giờ, ngoài ngôi nhà hai tầng khá khang trang là một vườn nuôi ong mật hàng trăm tổ, khu rừng mênh mông rợp mát với hơn 2.000 cây keo lai, 1.000 cây xà cừ, 1.000 cây điều, gần trăm cây dó bầu, 60 cây sưa, các loại cây ăn quả và một ao cá, một bể nuôi cá.
Ka Sô Liễng đã là ông chủ một trang trại trị giá nhiều tỷ đồng. Kết quả lao động của ông thật sự là tấm gương để người dân Chăm Hroi, Ê Đê, Ba Na... ở địa phương và các vùng gần xa học hỏi. Cũng từ mô hình trang trại này và sự vận động, giúp đỡ, chỉ dẫn tận tình của Ka Sô Liễng mà đồng bào dân tộc Chăm và các dân tộc thiểu số ở Ea Chà Rang và nhiều xã khác ở Sơn Hòa đã ngăn suối dẫn nước lên đồi để cải tạo đất hoang thành ruộng lúa nước một năm hai vụ, đào ao thả cá, lập chuồng trại nuôi gà, nuôi heo, trồng xen canh các loại cây ngắn ngày, dài ngày. Được ông Liễng hướng dẫn chỉ bảo, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, từng bước có của ăn của để, mua được máy thu hình, xe máy và các tiện nghi sinh hoạt hiện đại. Đồng bào Ea Chà Rang nói rằng khi ông Ka Sô Liễng về đây mọi người đã biết ông là một nhà văn hóa, có rất nhiều sách vở, hát "khan" (trường ca) rất hay và thường chỉ dạy thanh, thiếu niên trong xã hát dân ca dân tộc mình, nhưng không ai ngờ ông là một người làm kinh tế giỏi, sẽ giúp họ đổi đời...
![]() |
Đêm lễ hội nghe già làng diễn xướng sử thi ở Đác Lắc.
Không chỉ thành công trong làm kinh tế, trong quá trình dẫn dắt người dân quê mình thoát nghèo, Ka Sô Liễng còn đem đến cho họ một thứ hết sức quý giá: chữ viết của dân tộc mình. Chính từ quá trình sưu tầm nghiên cứu trường ca các dân tộc Tây Nguyên và những tháng ngày về sống với đồng bào Chăm Hroi mà ông Ka Sô Liễng thấu hiểu nỗi khổ của một dân tộc không có chữ viết. Trong cộng đồng Chăm thì người Chăm Bà Ni ở Ninh Thuận, Bình Thuận và người Chăm Nam Bộ đã có chữ viết, nhưng hơn ba mươi nghìn người Chăm Hroi ở Phú Yên, Bình Định chỉ có tiếng nói. Khi sưu tầm những trường ca Chăm Hroi đầu tiên, Ka Sô Liễng phải mượn chữ Ê Đê ghi chép, cho nên từ những năm 1990, ông đã trăn trở đi tìm chữ viết cho dân tộc mình.
Và khi về hưu về ở Ea Chà Rang, ông Liễng dồn hết tâm sức bền bỉ nghiên cứu, trao đổi, học hỏi, hợp tác với các nhà ngôn ngữ, và cuối cùng đến giữa năm 2010, bộ chữ Chăm Hroi do Ka Sô Liễng sáng tạo, có kết hợp sử dụng một phần chữ viết Ê Đê với những mẫu tự Latinh đã cơ bản hoàn thành. Trước tiên, ông Liễng thử dạy cho người dân Ea Chà Rang bộ chữ này. Đồng bào học rất nhanh, chỉ hơn mười ngày đã viết được những câu đơn giản. Cuối năm 2010, chương trình phát thanh tiếng Chăm Hroi phát mỗi tuần hai lần trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên hình thành, người biên dịch kiêm phát thanh viên là Ka Sô Liễng. Sau đó, ông Liễng đã đào tạo hai phát thanh viên Hờ Nguyệt, Nguyễn Ninh đảm nhiệm việc này thay ông. Đầu năm 2011, Ka Sô Liễng gửi bộ chữ viết Chăm Hroi do ông sáng tạo đến Viện Ngôn ngữ học Việt Nam thẩm định và công nhận. Sau đó, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc sử dụng bộ chữ này để in song ngữ Việt -Chăm Hroi các tác phẩm do chính Ka Sô Liễng sưu tầm, biên soạn như: Kho tàng sử thi Tây Nguyên -sử thi Chăm Hroi: Chi Bri - Chi Brit, Tiếng cồng ông bà Hbialơ Đăk...
Đồng bào Chăm Hroi Phú Yên, Bình Định rất phấn khởi và bảo nhau học bộ chữ này. Bộ chữ Chăm Hroi đi vào đời sống rất nhanh. Ka Sô Liễng mừng lắm. Nhiều lần ông tâm sự với bạn bè: "Có chữ viết rồi, văn hóa Chăm Hroi sẽ được lưu truyền bền vững trên những trang sách, tôi không mong gì hơn. Đây là công việc có ý nghĩa nhất tôi làm được cho đồng bào mình".
Kỷ lục gia sưu tầm, biên dịch trường ca Tây Nguyên Từ những ngày còn làm Trưởng phòng Văn nghệ rồi Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Phú Khánh (cũ) hay Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Phú Yên, Ka Sô Liễng đã say mê sưu tầm, biên dịch trường ca Tây Nguyên. Nhưng đến khi về hưu, về quê, ông mới có điều kiện tập trung làm công việc ông mê đắm này. Cho đến nay, Ka Sô Liễng đã cho công bố hàng chục bản trường ca của dân tộc Chăm Hroi và các dân tộc Tây Nguyên khác như: Xing Chi Ôn, Chơ Lơ Kok, Tiếng cồng ông bà Hbialơ Đăk, Chi Pơ Nâm, Chi Đê, Chi Liêu, Tìm lại chị em Jông Uốt, Giàng Hlăk xấu bụng, Anh em lạc nhau,... với hơn 7.000 trang in. GS, TS Phan Đăng Nhật, chủ nhiệm đề tài khoa học cấp nhà nước về trường ca Tây Nguyên và chủ biên Tổng tập Trường ca Tây Nguyên, coi ông Ka Sô Liễng là kỷ lục gia về sưu tầm và biên dịch trường ca Tây Nguyên.
Điều đáng chú ý là hầu hết việc sưu tầm và biên dịch các trường ca Tây Nguyên của Ka Sô Liễng đều do ông làm với tình yêu sâu nặng, ý thức trách nhiệm rất cao với vốn văn hóa của ông cha. Ông tự bỏ công bỏ sức, bỏ tiền túi cặm cụi làm khi chưa hề có chương trình sưu tầm sử thi được Nhà nước cấp kinh phí hàng chục tỷ đồng. Có thể nói, Ka Sô Liễng là nhà sưu tầm trường ca Tây Nguyên duy nhất ở Việt Nam làm được điều này.
Bên cạnh việc sưu tầm, biên dịch trường ca Tây Nguyên, ông còn có các công trình nghiên cứu: Nhận diện văn hóa Chăm trên đất Phú Yên, Ghi chép trên đường sưu tầm nghiên cứu, Luật tục Chăm... Không có gì lạ khi từ năm 1995 đến nay, Ka Sô Liễng đã nhận được gần 20 giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và của tỉnh Phú Yên dành cho các công trình sưu tầm, biên dịch, nghiên cứu của ông. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm thơ và văn xuôi phản ánh cuộc sống của người Chăm Hroi và người Ba Na, Ê Đê được đánh giá cao như bài thơ Con lạch và các truyện ngắn Đưa nước lên đồi, Người biết làm giàu đã được đưa vàoTuyển tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam vàCác nhà thơ Việt Nam thế kỷ 20...
Cuối năm 2014, các đại biểu Phú Yên tại Đại hội Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số cho biết, Ka Sô Liễng bị ốm nên không ra Hà Nội dự Đại hội được. Đầu năm 2015, vào Phú Yên công tác, tôi nhờ bạn bè đưa lên Ea Chà Rang thăm ông. Hóa ra, Ka Sô Liễng chẳng đau ốm gì. Ông nói: "Mình nhiều tuổi quá rồi, ở nhà để những người trẻ có thêm một suất dự Đại hội, thế nên cáo ốm". Sang năm 2015, Ka Sô Liễng bước vào tuổi 80 (ông sinh năm 1936), nhưng có lẽ nhờ chăm chỉ lao động hằng ngày, người ông vẫn rất khỏe mạnh, giọng nói vẫn sang sảng và tiếng cười vẫn vô tư lắm. Dẫn chúng tôi dạo thăm trang trại của mình, Ka Sô Liễng nói: "Nếu trời thương cho sống ít năm nữa, tôi sẽ tập trung hết sức lực, thời gian làm cho nơi này thật đẹp, thật giá trị và khi ra đi, tôi sẽ hiến cả bốn ha trang trại cho xã Ea Chà Rang xây dựng một thư viện và một trường mầm non".