Mùa đông, Tràng An ẩn hiện trong làn sương mờ ảo. Khua nhẹ mái chèo, chở đoàn chúng tôi đi là một phụ nữ ngoài 50 tuổi với nụ cười mộc mạc của một người nông dân gắn bó gần trọn cuộc đời với bến nước này… Bà Nguyễn Thị Dung, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư cho biết, vùng này sông nước, người dân cấy và gặt lúa rất vất vả. Nếu mùa mưa thì các hang nước dâng lên, lúa chất lên thuyền người dân phải lội ngang cổ để đẩy thuyền lúa về… Cuộc sống trước đây gặp nhiều khó khăn và luôn nghèo.
Sống trong khu vực núi non hiểm trở và hệ thống sông ngòi chằng chịt, người dân Tràng An trước đây chủ yếu sống dựa vào nghề trồng lúa, đánh bắt thủy sản và làm nông nghiệp tự cung tự cấp. Tuy nhiên, với địa hình không mấy thuận lợi, năng suất lao động luôn ở mức thấp. “Hồi đó, ngày nào cũng phải ra đồng từ sáng sớm đến chiều tối mà cuối tháng tính lại chỉ vừa đủ nuôi gia đình. Nghĩ đến việc cho con cái học cao, học xa, mình thấy quá xa vời”, chị Bùi Thị Lành, một người dân ở thôn Trường Yên, chia sẻ.
Sự thay đổi lớn đến vào năm 2014, khi Tràng An chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp, tiềm năng du lịch của khu vực bắt đầu được khai thác. Những tuyến du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh được mở ra, mang lại cơ hội việc làm và thay đổi cách nhìn của người dân về phát triển kinh tế.
Hiện nay, riêng khu vực Quần thể danh thắng Tràng An có 44.000 người dân sinh sống, trong đó vùng lõi có hơn 14.000 người. Cùng với chủ trương phát huy giá trị di sản Tràng An thông qua phát triển du lịch, cơ cấu kinh tế của địa phương chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sang dịch vụ, du lịch; sinh kế của người dân có sự biến đổi theo hướng đa dạng, phong phú hơn.
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, hoạt động du lịch giúp tạo ra nhiều ngành, nghề mới, như kinh doanh lưu trú, nhà hàng ăn uống, chèo thuyền phục vụ du khách, chụp ảnh, hướng dẫn viên tại các điểm du lịch, bán hàng lưu niệm, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch trang trại, dịch vụ vận chuyển khách. Sự thay đổi này làm cơ cấu lao động theo hướng hợp lý hơn, người lao động có cơ hội tìm việc làm, có thu nhập cao hơn trước và cải thiện đời sống gia đình. Dưới tác động của du lịch, khi ruộng đất nông nghiệp không còn là sinh kế chính, nhận thức của người dân vùng di sản đã có sự thay đổi. Người dân chú trọng đầu tư cho công tác giáo dục con em trong gia đình các thế hệ tiếp theo có sinh kế tốt hơn trong tương lai, có thể trở lại quê hương tham gia vào các ngành, nghề, các hoạt động phát triển du lịch địa phương nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Bình nói chung.
Bà Nguyễn Thị Dung chia sẻ, ban đầu, bà còn bỡ ngỡ nhưng nhờ được tập huấn về kỹ năng làm du lịch, giờ bà thấy công việc này không chỉ nhẹ nhàng hơn mà còn thú vị bởi mỗi ngày gặp bao nhiêu du khách, nghe họ kể chuyện từ khắp nơi trên thế giới.
Việc chuyển đổi từ nông nghiệp sang làm du lịch đã mang đến những thay đổi rõ rệt trong đời sống người dân vùng lõi Tràng An. Trước tiên, thu nhập của họ đã được cải thiện đáng kể. Theo thống kê từ Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, thu nhập bình quân của người dân trong vùng đã tăng gấp 3-4 lần so với trước đây. Nhiều gia đình từ chỗ sống trong những căn nhà đơn sơ, nay đã xây dựng được nhà kiên cố, mua sắm các đồ dùng tiện nghi phục vụ cuộc sống.
Đại diện một doanh nghiệp du lịch ở Tràng An cho biết, những năm qua, đơn vị luôn chú trọng đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn cho người dân tham gia làm dịch vụ du lịch tại khu, điểm du lịch vùng di sản, nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức du lịch, ngoại ngữ và nhất là các kỹ năng mềm trong ứng xử, sự văn minh, lịch sự trong giao tiếp. Doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề hằng năm cho người dân lao động trong khu vực di sản; xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh tại các thôn, xóm trong khu di sản.
Ngoài kinh tế, nhận thức và kỹ năng của người dân cũng được nâng cao. Qua các chương trình tập huấn về du lịch và ngoại ngữ, người dân dần quen với việc giao tiếp với du khách nước ngoài và hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa, thiên nhiên của quê hương mình.
Anh Đinh Văn Hải, một hướng dẫn viên tự do trong khu vực cho biết: “Hồi trước chỉ biết đến cái cuốc, cái cày, giờ mình biết cả cách sử dụng điện thoại, máy tính để quảng bá dịch vụ du lịch. Công việc này không chỉ giúp kiếm thêm thu nhập mà còn thấy mình tự tin hơn nhiều” ■