Người chiến sĩ cộng sản kiên trung

Một mùa Xuân lại về trên Tổ quốc thanh bình của chúng ta. Chiến tranh đã lùi xa, những câu chuyện, những ký ức và những mốc son về một thời cả dân tộc sục sôi ra trận giành tự do, độc lập đã trở thành huyền thoại. Nhưng, với thời gian, những trang sử vẻ vang đó, cùng những cống hiến vô cùng lớn lao của các chiến sĩ cộng sản càng được lịch sử làm sáng tỏ và tôn vinh. Trong hàng ngũ lớp lớp những người con ưu tú đã hiến dâng cả đời mình cho độc lập dân tộc ấy, chúng tôi muốn nhắc đến Liệt sĩ Phạm Văn Lẫm (Phạm Phong Lẫm), nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1945.

Người chiến sĩ cộng sản kiên trung

Năm 1958, tình hình Sài Gòn vô cùng rối ren, giặc ngày đêm bố ráp, mạng lưới tình báo của đồng chí Ðinh Thị Vân (Anh hùng LLVT, Ðại tá tình báo) - đường dây liên lạc với Cục tình báo bị đứt nhưng sau đó đã được một đồng chí cán bộ của Ðặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn giúp đỡ nối lại. Ðồng chí ấy tên là Nguyễn Văn Thành, phụ trách tuyên văn giáo huấn, làm nghề viết báo lấy bút danh là Hoa Lư, vóc dáng gầy yếu cho nên còn gọi là "ông Ba Ốm". Bị địch truy sát, Ba Ốm ẩn náu tại nhà "Bà Sáu di cư" (Ðinh Thị Vân). Bằng nhạy cảm của nghề nghiệp, bà Vân biết chắc đây là đồng chí của ta bị địch truy ráp. Lúc ấy, ông Ba Ốm đã kiệt sức, được cơ sở cách mạng nuôi dưỡng trong nhà thương làm phúc, biết mình không qua khỏi, trước khi trút hơi thở cuối cùng ông đã trao tài liệu cho bà Vân và nói: "Sau này sẽ có người trả ơn bà". Bà Vân ân cần trả lời: "Ông cứ yên tâm, đây là Ðảng nuôi ông". Ông Ba nở nụ cười rồi thanh thản ra đi. Bà Vân chưa biết sẽ xử lý ra sao để đồng chí của mình được "mồ yên mả đẹp". Cuối cùng, bà quyết định nhận ông Ba Ốm là chồng để công khai lo tang lễ cho ông, đồng thời che mắt địch. Với vành khăn trắng trên đầu, bà Vân tìm cách báo cáo cấp trên, bắt liên lạc để trao trả toàn bộ tài liệu quan trọng mà ông Ba gửi lại cho Ðặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Ðây là một đóng góp rất quan trọng của điệp viên Ðinh Thị Vân trong việc bảo vệ cơ sở Ðảng của Ðặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Năm 1975, đất nước thống nhất, nhưng mãi đến năm 1994, 36 năm sau khi đồng chí Phạm Văn Lẫm hy sinh, qua báo chí, truyền hình, gia đình đồng chí Lẫm mới biết tin và tìm gặp được "ân nhân" là Anh hùng Ðinh Thị Vân. Từ đầu mối này, gia đình đồng chí Lẫm và cơ quan chức năng đã tìm gặp và chắp nối được với những cán bộ cách mạng cùng hoạt động từ tiền khởi nghĩa cho đến khi đồng chí Lẫm hy sinh. Trong đó, có các cán bộ là cấp trên của đồng chí Lẫm như: ông Nguyễn Thọ Chân (Sáu Khánh), nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (1946), nguyên Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Bộ Lao động; ông Trần Bạch Ðằng, nguyên Tỉnh ủy viên Sài Gòn - Chợ Lớn, Phó Ban Tuyên huấn T.Ư Cục miền nam, Phó Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ; bà Nguyễn Thị Nhâm, cán bộ Ban Nghiên cứu lịch sử Ðảng, Thành ủy TP Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Ngọc Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh; bà Phan Hồng Ðào, nguyên Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh, cấp ủy địa phương và Ban Nghiên cứu lịch sử Ðảng huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình) cùng nhiều nhân chứng sống, đã làm sáng tỏ thân thế và sự nghiệp của người chiến sĩ cộng sản kiên trung Phạm Văn Lẫm.

Ðồng chí Phạm Văn Lẫm sinh ngày 27-9-1905; quê quán thôn Nộn Khê, xã Yên Tử, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, trong một gia đình nông dân có truyền thống hiếu học và lòng yêu nước nồng nàn. Trong quá trình hoạt động, đồng chí còn có những tên gọi, biệt danh khác như: Phạm Phong Lẫm, Ba Ốm, Hoa Lư, Phạm Ngọc Lẫm, Trần Văn Thành, Nguyễn Văn Thành… Năm 1926, đồng chí Phạm Văn Lẫm cùng với Phạm Ngọc Nhĩ, Phạm Ngọc Dư - người cùng xã, đều học ở Trường Thành Chung Nam Ðịnh - đã được thầy giáo Nguyễn Văn Hoan tuyên truyền giác ngộ cách mạng và tham gia các phong trào đấu tranh tại ngôi trường nổi tiếng giàu truyền thống cách mạng này.

Năm 1927, đồng chí Lẫm tham gia Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng ở Trường Thành Chung Nam Ðịnh; được phân công theo dõi và tuyên truyền cho học sinh, viên chức tại trường. Ðây là ngôi trường đã tham gia đào tạo nhiều thế hệ học sinh yêu nước, đóng góp không nhỏ vào quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, giành độc lập dân tộc, tiêu biểu như: Nguyễn Ðức Cảnh, Nguyễn Danh Ðới, Nguyễn Văn Hoan, Trường Chinh, Nguyễn Cơ Thạch..., nhiều người trong số họ đã trở thành lãnh đạo chủ chốt của Ðảng và Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước.

Năm 1928, xã Yên Tử thành lập Chi bộ Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng do đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư, phụ trách một tổ ở địa phương, tổ thứ hai gồm các ông Lẫm, Nhĩ, Dư sinh hoạt tại Trường Thành Chung Nam Ðịnh. Trong thời gian học ở trường, đồng chí Lẫm thường về quê tham gia việc tuyên truyền phát triển cơ sở cách mạng ở địa phương. Tháng 6-1929, Ðông Dương Cộng sản Ðảng ra đời. Tháng 7-1929, ở Yên Mô, chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập tại Côi Trì, xã Yên Mỹ do đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư Chi bộ và đồng chí Phạm Văn Lẫm phụ trách công tác phát triển đảng viên mới.

Ðầu năm 1930, đồng chí Lẫm bị địch bắt, bị kết án 20 năm tù khổ sai và 15 năm quản thúc. Sau đó, đồng chí Lẫm được bố mẹ vợ bán tài sản lấy tiền bảo lãnh và bằng mọi cách đấu tranh để đồng chí Lẫm được trả tự do, chỉ bị quản chế tại quê nhà cho nên có điều kiện chắp nối với cơ sở để tiếp tục hoạt động cách mạng. Thời kỳ những năm 1936 - 1939, ở Ðông Dương phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc do Ðảng Cộng sản Ðông Dương phát động lên cao, liên kết rộng rãi với quần chúng qua tổ chức Mặt trận Dân chủ Ðông Dương, kèm theo đó là sự ủng hộ của các đảng phái, nhân sĩ, trí thức… Ðồng chí Phạm Văn Lẫm đã tích cực tham gia vận động, ủng hộ cuộc đấu tranh của 8.000 công nhân Nhà máy Dệt Nam Ðịnh đòi tăng lương, giảm giờ làm, không được đánh đập công nhân và cuộc đấu tranh của nhân dân Phương Nại với hai tên địa chủ Hội Ky, Chánh Huyến, buộc chúng phải trả ruộng đất cho nông dân cấy cày. Từ 1941 đến 1944, đồng chí Lẫm cùng chi bộ xã Yên Tử tham gia lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh chống bắt lính, bắt phu đi đào sông mới làm đường thủy vận chuyển quân sự bắc - nam của Pháp…

Năm 1945, đồng chí Phạm Văn Lẫm với bí danh là Phạm Phong Lẫm được Trung ương chỉ định bí mật vào Sài Gòn nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (tiền nhiệm là đồng chí Phạm Văn Khung, kế nhiệm là đồng chí Trịnh Ðình Trọng). Cuối năm 1945, đồng chí Lẫm bị mắc bệnh hiểm nghèo, được tổ chức đưa vào một bệnh viện tư ở Chợ Lớn, do bác sĩ Ðơ-ni-ê (Denier), là đảng viên Ðảng Cộng sản Pháp trực tiếp điều trị. Nhưng, ngay khi ra viện, đồng chí Lẫm bị địch bắt ở Sài Gòn cùng với ông Huỳnh Tấn Phát. Sau thời gian câu lưu, thẩm vấn, do không đủ bằng chứng buộc tội cho nên đồng chí Lẫm được thả. Ra tù, đồng chí đã chắp nối ngay với tổ chức để hoạt động cách mạng. Thời gian này, đồng chí là Tổng Thư ký Ủy ban Cứu trợ tù nhân chính trị.

Ðến năm 1946, Trung ương bố trí đồng chí Lẫm ra căn cứ hoạt động. Năm 1951, đồng chí công tác ở Sở Văn hóa Nam Bộ. Năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) là Bí thư Ðặc khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh lúc đó đã phân công đồng chí Phạm Văn Lẫm cùng vợ là Giáo sư Nguyễn Thị Diệu ở lại nội thành hoạt động, đồng chí Lẫm được phân công phụ trách Tuyên huấn Thành ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh.

Trong những năm 1955 - 1959, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đẩy mạnh chống Cộng rất tàn khốc. Trong hoàn cảnh hoạt động bí mật cực kỳ khó khăn gian khổ, mặc dù đồng chí Phạm Văn Lẫm được cơ sở cách mạng nuôi dưỡng tận tình, nhưng vì bệnh tình mỗi lúc một trầm trọng, lại nhận được tin dữ là vợ và con bị địch thủ tiêu dã man cho nên đồng chí Phạm Văn Lẫm đã từ trần ngày 12-9-1958, khi ấy mới 53 tuổi.

Do chiến tranh, cho nên mộ phần của đồng chí Phạm Văn Lẫm bị thất lạc. Mãi đến năm 1995, gia đình mới tìm thấy mộ của đồng chí và tổ chức lễ truy điệu trang trọng tại cơ quan Thành ủy Hà Nội vào ngày 28-8-1995. Ðồng chí Phạm Văn Lẫm được truy tặng Liệt sĩ và được thưởng nhiều huân chương cao quý của Ðảng và Nhà nước.

Sẽ là thiếu sót nếu không nói về đời tư của đồng chí Phạm Văn Lẫm. Do hoàn cảnh lịch sử, đồng chí Lẫm có hai người vợ: Bà Lê Thị Chinh ở quê hương Ninh Bình. Năm 1945, khi ông Lẫm nhận nhiệm vụ đặc biệt, nhận thấy bà có trình độ văn hóa cho nên cấp trên quyết định cử bà sang Trung Quốc học tập, nhưng bà Chinh đã từ chối, trả lời rất giản dị: "Anh Lẫm đi xa rồi, tôi ở nhà nuôi con và công tác ở địa phương thôi!". Bà Lê Thị Chinh có hai người con là Phạm Minh Hằng và Phạm Bá Cường.

Người vợ sau của đồng chí Phạm Văn Lẫm là Giáo sư Nguyễn Thị Diệu, con gái Thượng thư Nam triều Nguyễn Hiền. Bà Nguyễn Thị Diệu tham gia hoạt động cách mạng rất sớm, là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Nam Bộ. Bà đã anh dũng hy sinh ở tuổi 30 khi đang mang thai ba tháng, để lại ba người con (hai gái, một trai). Ðể ghi nhận công lao của bà, TP Hồ Chí Minh đã đặt tên đường phố và một trường THPT mang tên Liệt sĩ Nguyễn Thị Diệu.