Các nhiệm vụ này xuất hiện tại các thời điểm mà kế hoạch KH và CN hằng năm đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nhiệm vụ cấp thiết được thực hiện chủ yếu là đặt hàng của các địa phương. Ðây là một ưu điểm nổi trội của loại hình nhiệm vụ này, thực hiện tinh thần đổi mới cơ bản về cơ chế quản lý và hoạt động KH và CN là "tăng cường cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ KH và CN cấp nhà nước"; kết quả của nhiệm vụ phải đáp ứng yêu cầu của địa phương và được bàn giao cho địa phương đưa vào ứng dụng trong thực tiễn.
Trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2012, các địa phương đã kiến nghị, đề xuất khoảng gần 100 nhiệm vụ cấp thiết, Bộ KH và CN đã xem xét lựa chọn, đưa vào thực hiện được 44 nhiệm vụ cấp thiết trong cả nước.
Sau năm năm thực hiện nhiệm vụ cấp thiết, các nhà khoa học ở trung ương đã nghiên cứu tạo ra được các kết quả cụ thể, tạo ra được 43 quy trình công nghệ, trong đó có những quy trình có hàm lượng khoa học cao như: Quy trình công nghệ nhân giống vô tính cây sâm Ngọc Linh; quy trình công nghệ sản xuất rễ sâm Ngọc Linh bằng hệ thống bioreactor; quy trình gây động dục đồng loạt cho bò bằng các hoóc-môn; quy trình phòng trừ bệnh ruồi đục quả thanh long...; thiết kế được 11 phần mềm máy tính. Xây dựng được 57 đề án, quy hoạch, luận chứng kinh tế kỹ thuật, báo cáo nghiên cứu khả thi; thiết kế được 133 bộ bản đồ các loại như: Bộ Bản đồ Nông hóa thổ nhưỡng đất sản xuất nông nghiệp của 123 xã và năm huyện của tỉnh Lạng Sơn để phục vụ công tác quản lý sử dụng đất hợp lý ở tỉnh Lạng Sơn; bản đồ phân vùng dông sét cho tỉnh Quảng Nam để phục vụ công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp của tỉnh; bộ bản đồ về tình trạng hạn hán và thiếu nước của tỉnh Ðác Nông; bộ bản đồ phân vùng cháy rừng tỉnh Phú Yên; tổ chức được 106 lớp tập huấn cho 4.239 lượt người thông qua việc xây dựng các mô hình trình diễn. Thí dụ như: mô hình nuôi thâm canh phối hợp các giống thủy sản bảo đảm bền vững về mặt môi trường và tăng giá trị kinh tế tại đầm Thị Nại, tỉnh Bình Ðịnh; mô hình phòng trừ ruồi đục quả cho cây thanh long tại Bình Thuận để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, mô hình xử lý đất, nước ô nhiễm ở vùng đất ô nhiễm gần sông Nhuệ tại tỉnh Hà Nam để trồng lúa và nuôi cá...
Ngoài ra, kết quả việc thực hiện 44 nhiệm vụ cấp thiết còn tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị về kinh tế và xã hội lớn như: Nghiên cứu đề xuất được phương pháp phòng, chữa cháy rừng cho vườn quốc gia U Minh, tại tỉnh Kiên Giang; giải pháp tích hợp đa dữ liệu cho hệ thống thông tin cảnh báo, bảo vệ an toàn khu di tích đền Hùng; bảo tồn và phát triển nguồn gien của giống bò Mông ở Bắc Cạn, giống lúa Séng Cù của Lào Cai; đề xuất được các mô hình canh tác hợp lý trong điều kiện xâm nhập mặn trong các vùng nước lợ, ngọt và mô hình trồng các loại cây thích hợp cho vùng nhiễm mặn của Bến Tre; nghiên cứu, chế tạo được các loại thiết bị cảnh báo và phòng, chống sét cho Quảng Nam; ứng dụng công nghệ tiên tiến để xây dựng các giải pháp cấp nước phục vụ vùng di dân tái định cư cho hai huyện Phong Thổ và Sìn Hồ (Lai Châu); ba nhóm giải pháp có tính khả thi cao để phòng ngừa cá dữ tấn công người ven bờ biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh...
Việc thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết mới phát sinh tại địa phương đã huy động đồng bộ các nguồn lực (nhân lực, vật lực và tài lực) từ các tổ chức KH và CN, chính quyền các cấp và cả người dân cùng tham gia, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương (thông qua Sở KH và CN và các ngành liên quan) cùng tham gia giám sát, đề xuất điều chỉnh các nội dung cho phù hợp thực tiễn.
Kết quả của nhiệm vụ cấp thiết đã thật sự đáp ứng các yêu cầu của địa phương, có khả năng ứng dụng cao. Ðó là những kết quả cụ thể, có tính thực tiễn, thậm chí nhiều kết quả đã được đưa vào áp dụng ngay từ khi đang trong quá trình nghiên cứu; tất cả kết quả sau khi nghiên cứu đã được bàn giao cho địa phương để ứng dụng.
Trong quá trình thực hiện, các đơn vị chủ trì đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, địa phương có liên quan; huy động được sự tham gia của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực chuyên môn; có sự vào cuộc tích cực của các tổ chức khoa học ở cả trung ương và địa phương.
Ngoài những kết quả về khoa học, các đơn vị chủ trì nhiệm vụ cấp thiết còn đào tạo, tập huấn các quy trình kỹ thuật, công nghệ cho hàng nghìn cán bộ kỹ thuật, người dân ở địa phương để có kiến thức áp dụng vào sản xuất; đào tạo được hàng chục thạc sĩ và tiến sĩ cho một số cán bộ khoa học.
Việc thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết đã hình thành một mô hình quản lý mới về nhiệm vụ KH và CN triển khai trên địa bàn địa phương. Ðó là, Bộ KH và CN phối hợp chặt chẽ với Sở KH và CN của các tỉnh, thành phố, có sự phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng để quản lý và giám sát quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ; Bộ KH và CN là nơi tổ chức, đánh giá, nghiệm thu cấp nhà nước đối với nhiệm vụ. Quá trình này tạo nên sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức KH và CN trung ương về triển khai nhiệm vụ trên địa bàn địa phương.
VIỆC triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết mới phát sinh ở địa phương thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực cho các địa phương; đã đáp ứng được một phần các nhu cầu cấp thiết, vượt khả năng giải quyết của lực lượng KH và CN địa phương; những nhiệm vụ phát sinh khi kế hoạch KH và CN đã được bố trí và đang được triển khai thực hiện; đây cũng là một kênh hỗ trợ trực tiếp, nhanh chóng và hiệu quả cho một số địa phương có nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học hạn hẹp, nguồn nhân lực KH và CN còn thiếu, không đủ khả năng giải quyết các vấn đề KH và CN lớn; nâng cao hiệu quả làm việc nhóm giữa các nhà khoa học ở trung ương và địa phương và giữa các viện nghiên cứu với nhau.
Ths LÊ KIM PHƯƠNG Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH và CN địa phương, Bộ KH và CN