Chúng ta đang bước vào năm thứ 20 kể từ khi Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI về nông nghiệp ban hành ngày 5-4-1988 mà chúng tôi cho là một nghị quyết có những nội dung có tính đột phá, tạo bước phát triển mới rất quan trọng cho nông nghiệp và nông thôn trong thời kỳ đổi mới.
Trước khi nói tới Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị cần nhắc tới Chỉ thị 100 của Ban Bí thư khóa IV, tháng 1-1981 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp đã tạo ra không khí hồ hởi trong nông thôn và bước phát triển mới về nông nghiệp mà đã được nhắc tới nhiều lần...
Thực sự thì trong văn bản đó cũng chỉ nói tới khoán sản phẩm tới nhóm và người lao động chứ chưa nhắc tới khoán hộ; gia đình mới chỉ được làm ba khâu là cấy, chăm sóc và thu hoạch còn tập thể đảm nhiệm năm khâu trong quá trình sản xuất cây lúa. Nghĩa là đã cởi mở hơn trong quá trình gắn trách nhiệm của người sản xuất với sản phẩm cuối cùng và giao cho gia đình đảm nhiệm một số khâu trong quá trình sản xuất cây lúa.
Chỉ đột phá như thế thôi mà nông dân đã phấn khởi, sản xuất tăng rõ rệt nhưng vẫn còn có sự gò bó. Và ngay từ lúc đó, người nông dân tuy đã phấn khởi nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn, vướng mắc, tiếp tục tìm cách gỡ ra, không chịu bó buộc ở "năm khâu" do tập thể đảm nhiệm mà tôi đã tìm hiểu ở Thiên Hương - Kiến Thụy, Hải Phòng ngay cuối năm 1981 và Ngọc Thành - Hiệp Hòa, Hà Bắc khi chưa chia tách năm 1986, rồi giới thiệu trên Báo Nhân Dân. Cũng chỉ dám giới thiệu vài dòng trên báo thôi vì sợ mới quá và bị quy là ủng hộ "khoán trắng".
Tuy nhiên đã báo cáo miệng tỉ mỉ với các đồng chí Hoàng Tùng, Nguyễn Thanh Bình về Thiên Hương khi triển khai Chỉ thị 100 của Ban Bí thư và với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về Ngọc Thành khi chuẩn bị Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị. Cũng phải nói tới kinh nghiệm của An Giang từ năm 1987 đã nêu "hộ tự chủ" vượt qua những cởi mở của Chỉ thị 100.
Nêu lại vấn đề trên để thấy rằng Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp đã tháo gỡ một nội dung rất quan trọng nhưng còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn, và cũng như lần trước nông dân một số vùng và lãnh đạo một số địa phương cũng bắt đầu tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn.
Tôi nghĩ rằng, nghiên cứu sự ra đời của Nghị quyết 10 trong nông nghiệp cũng nên thấy tình hình thực tiễn đó, cũng để thấy thực tiễn cuộc sống lúc đó đang đòi hỏi đổi mới hơn nữa, cần có bước đột phá mới.
Bối cảnh ra đời của Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khác với khi ra đời Chỉ thị 100 của Ban Bí thư, vì Ðại hội lần thứ VI của Ðảng đã mở ra thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước tạo ra không gian mới hơn cho tư duy.
Trên cơ sở đó tôi thử nêu lên một số nhận thức của mình về những vấn đề đột phá mới của Nghị quyết 10:
Trước hết Nghị quyết 10 một lần nữa khẳng định tư tưởng "giải phóng sức sản xuất" và trong các mối quan hệ về lợi ích, nhấn mạnh "nhất là lợi ích người lao động". Thực ra tư tưởng này đã được nêu ra tại Nghị quyết Trung ương 6 khóa IV năm 1979, coi như sự đột phá đầu tiên về tư duy của Ðảng ta trong quá trình đổi mới.
Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm nhìn sâu xa thì cũng bắt nguồn từ tư tưởng này. Nhưng sau 7-8 năm thực hiện khoán sản phẩm, tuy đã cởi ra nhiều nhưng vẫn còn nhiều trói buộc. Nói "giải phóng" nghĩa là trong thực tiễn các chính sách, mô hình trong Chỉ thị 100 vẫn còn kìm hãm sức sản xuất.
Nói "nhất là lợi ích người lao động" có nghĩa là lợi ích người lao động tuy đã được coi trọng hơn nhưng vẫn chưa được coi trọng đúng mức trong quan hệ các lợi ích. Thế cũng là rất mới về tư duy, đòi hỏi phải đổi mới hơn nữa.
Nhưng tư duy nào thì cũng chỉ có thể vào cuộc sống thông qua chính sách và mô hình. Sau Nghị quyết Trung ương 6, khóa IV và Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI có nhiều chính sách đổi mới trong công nghiệp, lưu thông phân phối, nghề rừng... Tôi chỉ xin trình bày một chuyện về mô hình hợp tác xã có những điều mới mẻ, hết sức mới mẻ so với thời kỳ thực hiện Chỉ thị 100 mà lúc đó những người làm báo chúng tôi hay gọi là "một chủ, bốn tự".
"Một chủ" là xác định hộ là đơn vị kinh tế tự chủ. Nghĩa là không còn ám ảnh bởi "khoán hộ" nữa. Chúng tôi đã từng nói và viết "khoán hộ" phải đi vòng vèo 22 năm từ khoán hộ của Vĩnh Phúc thời đồng chí Kim Ngọc là Bí thư Tỉnh ủy năm 1966 tới Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị năm 1988. Thế là sự đột phá rất quan trọng.
"Bốn tự", nghĩa là hợp tác xã tự xác định phương hướng, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; tự xác định hình thức, quy mô sản xuất; tự xác định hình thức phân phối, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm để xã viên tự vào ra hợp tác xã. Cũng là thể hiện nguyên tắc tự nguyện của nông dân và tự chủ của các đơn vị kinh tế. Tuy nhiên trong những "tự" này có những "tự" rất mới có tính đột phá quan trọng vào thời kỳ đó:
Ðảm bảo tự xác định hình thức, quy mô sản xuất có nghĩa là xóa bỏ việc chỉ đạo nhất loạt lên hợp tác xã cấp cao, lên quy mô xã to một thời cho đó là biểu hiện của chủ nghĩa xã hội.
Ðảm bảo tự xác định hình thức quản lý nghĩa là không nhất thiết "năm khâu, ba khâu" như Chỉ thị 100 mà khoán theo định mức, đơn giá, gia đình làm được khâu nào thì cứ tính theo đơn giá mà làm và hưởng".
Cụm từ "khoán theo đơn giá" trong Nghị quyết là cụm từ mà tôi giới thiệu trên báo cách làm của Thiên Hương, Hải Phòng cuối năm 1981 ngay từ vụ sản xuất đầu tiên thực hiện Chỉ thị 100.
Trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm, tư tưởng chính sách "thuận mua vừa bán" trong nghị quyết là xóa cách bắt buộc bán theo giá nghĩa vụ đang thực hiện mà thời ấy có người mỉa mai cho là "bán như cho, mua như cướp" làm thua thiệt cho tập thể và người lao động; chính sách này chỉ có thể thực hiện khi đổi mới đồng bộ khâu lưu thông, phân phối mà khi ban hành Chỉ thị 100 của Ban Bí thư chưa có được bối cảnh đó.
Tôi chỉ nói một việc liên quan tới hợp tác xã nông nghiệp để nói về những đột phá rất quan trọng trong chính sách và mô hình lúc đó, tạo ra sinh khí mới cho nông nghiệp và nông dân. Tất nhiên so với tư tưởng, chính sách hiện nay thì còn nhiều điều mới hơn nữa, sẽ đề cập trong một dịp khác.
Như trên đã nói, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về nông nghiệp, nông thôn có những thay đổi quan trọng, phải nói là rất quan trọng. Tuy đã có tư tưởng đổi mới của Nghị quyết Ðại hội Ðảng chỉ đạo nhưng trong cán bộ không tránh khỏi còn có những ý kiến khác nhau, đồng thời phải được kiểm nghiệm trong thực tiễn. Cho nên theo dõi quá trình ra quyết định, tôi ít thấy có Nghị quyết Ðảng nào được thảo luận dân chủ và quyết định thận trọng như lần ra Nghị quyết này:
Dự thảo Nghị quyết được trình bày và thảo luận dân chủ rộng rãi, sôi nổi với cán bộ chủ chốt ở cả hai miền: miền bắc ở Hội trường 4 Nguyễn Cảnh Chân, miền nam ở Hội trường 10 Trần Quốc Toản;
Dự thảo Nghị quyết được Bộ Chính trị cho phép các địa phương làm thử trong bốn tháng, nghĩa là một vụ sản xuất đông xuân, trên cơ sở rút kinh nghiệm để hoàn chỉnh. Về sau, một số địa phương cho rằng mình làm trước khi Trung ương có nghị quyết, thực ra là được làm thử theo yêu cầu của Bộ Chính trị.
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị trong đó có cả Tổng Bí thư đều mang tư tưởng dự thảo Nghị quyết đi khảo sát thực tiễn; tôi được theo đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đi khảo sát ở một số tỉnh như Long An, Tiền Giang, Bình Ðịnh, Hà Bắc...
Lúc đó 28, 29-3-1988, có Ðại hội Nông dân toàn quốc họp ở Hội trường Ba Ðình gồm hơn 500 đại biểu. Bộ Chính trị đề nghị các đại biểu đọc, góp ý sửa chữa vào dự thảo Nghị quyết trước khi ký ban hành.
Trong dịp kỷ niệm 20 năm Ngày ban hành Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, tôi xin phép nhớ lại và suy nghĩ về tầm quan trọng của Nghị quyết này.
Cũng chỉ ghi lại một phần những gì tôi biết với tư cách Ủy viên Ban Biên tập và sau là Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân được cử biệt phái tại Văn phòng Tổng Bí thư lúc đó.
Cũng là để suy nghĩ về vấn đề đang bàn và quyết định những vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong tình hình mới.