Nghi lễ cấp sắc và hát Páo dung của đồng bào Dao

Lễ cấp sắc là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đặc trưng nhất của đồng bào Dao (Tuyên Quang). Người đàn ông nào cũng đều trải qua lễ cấp sắc, một nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành cũng như sự thừa nhận của cộng đồng về người được cấp sắc. Lễ cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 và tháng Giêng hằng năm.

Nghi lễ cấp sắc của đồng bào Dao.
Nghi lễ cấp sắc của đồng bào Dao.

Trong lễ cấp sắc, người thụ lễ được đổi tên (đặt pháp danh-tên âm) được học những giáo lý về đạo đức, về nhân sinh quan. Sau khi trải qua lễ, người đàn ông dân tộc Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được cấp âm binh, được trao quyền làm thầy và được thờ cúng tổ tiên. Lễ cấp sắc chỉ được tiến hành một lần duy nhất trong đời. Trong quá trình tiến hành lễ cấp sắc của người Dao gồm nhiều nghi lễ như: đặt tên âm, lễ cấp sắc ba đèn, lễ cấp sắc bảy đèn, lễ cấp sắc 12 đèn và lễ tơ hồng, đội đèn, lễ hạ đèn, lễ giao binh, lễ trình Ngọc Hoàng, lễ cấp bản sắc, lễ tạ ơn tổ tiên,...

Ngoài lễ cấp sắc, đồng bào Dao còn có hát Páo dung là điệu hát dân ca của dân tộc Dao. Giá trị hát Páo dung thể hiện trong những làn điệu chính là định hướng giáo dục cho con người hiểu biết về cội nguồn dân tộc, tình yêu quê hương, đồng loại, tình yêu lứa đôi, động viên nhau hăng say lao động, sản xuất để xây dựng cuộc sống ấm no,... Hát Páo dung được chia thành nhiều loại hình như hát Páo dung lễ nghi tín ngưỡng, phong tục gồm các bài hát được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống như lễ cấp sắc, lễ cưới, đám tang, cúng đầy tháng; hát Páo dung sinh hoạt gồm các bài hát ru, hát vui chơi, hát giao duyên đối đáp nam nữ.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Việt Thanh cho biết, cho đến thời điểm này, tỉnh Tuyên Quang có bốn di sản văn hóa phi vật thể được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là: nghi lễ hát Then và lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, hát Páo dung và nghi lễ cấp sắc của dân tộc Dao. Hiện, ngành văn hóa đang xây dựng cơ chế khuyến khích và động viên các nghệ nhân tăng cường việc truyền dạy cho các hạt nhân văn nghệ trẻ ở cơ sở đễ giữ gìn nét văn hóa truyền thống cho mai sau.