Nghề trồng cây su su ở Tam Ðảo

NDO -

Từ lâu, nghề trồng cây su su ở thị trấn núi Tam Ðảo (huyện Tam Ðảo, Vĩnh Phúc) được xem là một nghề truyền thống. Nghề trồng su su đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho hàng trăm hộ dân địa phương.

Người dân thị trấn Tam Ðảo thu hoạch su su.
Người dân thị trấn Tam Ðảo thu hoạch su su.

Thị trấn Tam Ðảo được thiên nhiên ưu đãi chất đất màu mỡ, khí hậu mát mẻ, nhất là ở độ cao 1.500 m so với mặt nước biển và gần hồ Xạ Hương, hồ Làng Hà nên độ ẩm cao, việc tưới tiêu thuận lợi, không cần phun thuốc kích thích để phát triển nhanh. Cây su su rất phù hợp với chất đất, khí hậu trên đỉnh núi Tam Ðảo, cho nên sinh trưởng tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Ngọn, quả su su có độ giòn, vị ngon ngọt khó quên với ai đã từng thưởng thức. Ðặc biệt  ngọn và quả su su Tam Ðảo đã có thương hiệu "Rau su su an toàn Tam Ðảo" có mặt trên thị trường trong nước từ nhiều năm nay.

Anh Nguyễn Xuân Hiền, một trong những hộ nông dân trồng su su đầu tiên trên núi Tam Ðảo cho biết: Từ năm 2000 đến nay, nhờ trồng hai héc-ta cây su su mà nuôi được gia đình năm miệng ăn, các con anh được ăn học và sắm sửa tiện nghi gia đình. Từ năm 1995, hầu hết quả giống su su đem về trồng ở đây là do các hộ kinh doanh nhập từ Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa (Lào Cai) đem về cho nên chất lượng giống rất khó kiểm soát, giá giống cũng cao. Từ năm 2000, giá giống quả su su từ 5.000 đến 6.000 đồng/kg, trồng một sào (360 m2), hết từ 120 đến 130 kg giống, tiền đầu tư giống từ 600 đến 700 nghìn đồng/sào nhưng đến năm 2012 giá giống là 14 nghìn đồng/kg, đầu tư nguyên tiền giống cho một sào đã hết hơn hai triệu đồng, ngoài ra còn tiền phân bón, giàn leo, công tác chăm sóc hằng ngày. Ðến nay, giống cây su su tự người dân gây giống không phải mua ở nơi khác về nữa, cho nên bớt khoản chi phí giống như trước kia.

Theo Chủ tịch UBND thị trấn Tam Ðảo Nguyễn Duy Hoạt: Toàn thị trấn có hơn 250 hộ, nhưng diện tích đất canh tác vào khoảng 250 ha, có thể nói là nơi có quỹ đất lớn. Ngoài một số người dân có nghề làm du lịch và khách sạn, nhà hàng phục vụ khách du lịch, còn số thanh niên đến tuổi lao động đi làm thuê, làm mướn ở nơi khác, cho nên những năm trước, đời sống người dân rất khó khăn. Kể từ khi thị trấn phát triển trồng cây su su theo hướng hàng hóa phục vụ khách du lịch thì đời sống các hộ dân đã được cải thiện đáng kể. Hộ nào cũng trồng su su, có hộ trồng   hai, ba sào, hộ trồng nhiều cũng bảy, tám sào. Ðến nay, diện tích trồng su su toàn thị trấn có khoảng 45 - 50 ha. Nhờ đó đã tạo thêm một số nghề dịch vụ kèm theo như: Dịch vụ thu gom rau đem đi Hải Phòng, Hà Nội, Nam Ðịnh, Phủ Lý... bán; dịch vụ cung ứng giống, phân bón... Nhiều hộ từ trồng su su và làm dịch vụ đã có của ăn, của để, sắm được ô-tô tải trọng nhỏ, tải trọng lớn phục vụ thương mại và xây được nhà hai, ba  tầng và các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền cho gia đình...

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tam Ðảo Lưu Bằng Hội chia sẻ: Cây su su ở Tam Ðảo đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn, nhất là giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Tuy nhiên người trồng cây su su ở đây vẫn còn nhiều băn khoăn bởi đây là loại cây trồng đòi hỏi mức độ đầu tư lớn, thời gian cây ở trên giàn khá dài, tốn nhiều công chăm sóc, cho nên trên những sườn đồi, thung lũng trồng su su chỉ được một vụ. Ðến nay, nghề trồng cây su su đã phát triển về các thôn, xã lân cận, diện tích trồng su su toàn huyện Tam Ðảo được mở rộng. Ngoài thị trấn núi Tam Ðảo, các xã lân cận khác như: Hợp Châu, Tam Quan, Ðại Ðình, Minh Quang, Hồ Sơn... cũng phát triển mạnh trồng su su lấy ngọn, lấy quả, cây su su chính thức được đưa vào cơ cấu cây trồng mùa vụ của huyện. Chính vì vậy mà việc quy hoạch trồng su su ở đâu, diện tích bao nhiêu cần được cân nhắc kỹ để phù hợp với sự phát triển. Một trong những khó khăn nữa cho nông dân đó là công tác cung ứng giống cho các hộ mới vào nghề...

Chủ tịch UBND huyện Tam Ðảo Phạm Quang Nguyên cho biết để gỡ vướng cho người trồng su su, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định hỗ trợ vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa giai đoạn 2012 - 2015. Theo hướng dẫn, vùng trồng su su hàng hóa nếu bảo đảm các yêu cầu sẽ được hỗ trợ từ 10 đến 15 triệu đồng/ha. Ðể cây su su thật sự trở thành cây trồng mũi nhọn của huyện Tam Ðảo, các cơ quan chuyên môn cần làm tốt các khâu từ quy hoạch, quản lý chất lượng giống, đến khâu chăm bón bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, quảng bá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ lâu dài, ổn định, có như vậy người dân mới thật sự an tâm đầu tư sản xuất. Quan điểm chỉ đạo của huyện Tam Ðảo là tiếp tục duy trì ổn định diện tích, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ ngọn, quả su su, coi đây là cây trồng mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Ðây cũng là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của huyện Tam Ðảo.

Bài và ảnh: TRỌNG CHÀM