Nghệ sĩ múa Ðỗ Minh Tiến từ trần

Ðại tá, NSND, biên đạo múa Ðỗ Minh Tiến, nguyên Ðoàn trưởng Ðoàn ca múa quân đội, một trong những con chim đầu đàn của nghệ thuật múa Việt Nam nói chung và ngành múa quân đội nói riêng đã qua đời. Với 75 tuổi đời và hơn 50 năm tuổi nghề, ông đã cống hiến những sáng tạo rất đáng kể cho nền nghệ thuật múa của đất nước

Với hàng trăm tác phẩm nghệ thuật  múa lớn nhỏ, trong đó có những tác phẩm khắc họa sự nghiệp chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta trong suốt hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như: các thơ múa, kịch múa: Ngọn lửa Nghệ Tĩnh (đồng tác giả), Bão lửa Thăng Long, Mùa xuân bão táp, Cánh chim biên giới, Huyền thoại nữ biệt động Sài Gòn, Nước non một dải, Khải hoàn ca, Trở lại Ðiện Biên. v.v.

Có người nói: NSND Minh Tiến chiếm kỷ lục về sáng tác những tác phẩm hoành tráng trong ngành múa, vì từ trước tới nay chưa ai trong số các biên đạo của ngành múa lại có được số lượng tác phẩm lớn như anh. Những tác phẩm đó đều mang lại thành công cả việc khắc họa nội dung tư tưởng tác phẩm cũng như hình thức thể hiện nghệ thuật. Mặt khác anh còn có những thành công trong lĩnh vực múa dân tộc, sưu tầm vốn cổ dân tộc và phát triển nâng cao những tinh hoa sáng tạo nghệ thuật của múa dân gian, đưa những yếu tố múa cổ xưa vào trong những tác phẩm mang hơi thở thời đại. Một trong số những tác phẩm đó là: Mùa hoa ban nở, phát triển từ chất liệu múa Nón Thái (Tây Bắc), múa xòe hoa...

Múa Mùa hoa ban  nở, còn tham gia thi múa dân tộc trong các cuộc thi quốc tế và được tặng nhiều huy chương vàng. Ðó là một tác phẩm đạt kỷ lục về biểu diễn và được hầu hết các nhà hát, các đoàn nghệ thuật trong nước dàn dựng, biểu diễn, kể cả một số đoàn nghệ thuật múa nước ngoài như Ðoàn nghệ thuật Phương Ðông, Trung Quốc. Trong từ điển Bách khoa nghệ thuật thế giới (của Liên Xô trước đây) đã có ghi tác phẩm và tác giả điệu múa này.

Ngoài lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo trên sân khấu múa chuyên nghiệp, anh còn là tổng đạo diễn của nhiều chương trình biểu diễn mang tính sử thi trong những dịp kỷ niệm các sự kiện lịch sử của đất nước ở một số địa phương, gần đây nhất là kỷ niệm Ngày Bác Hồ trở về đất nước ở Cao Bằng, và Chào mừng Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ X. Một tác phẩm với hàng trăm người biểu diễn và thu hút sự tham gia của hàng chục nhạc sĩ, biên đạo có tên tuổi chung sức cùng anh sáng tạo nên, tác phẩm đã được giới thiệu trên Ðài Truyền hình Việt Nam. NSND Minh Tiến còn là một cây bút lý luận, phê bình nghệ thuật múa.

Vì sao trong tác phẩm múa của NSND Ðỗ Minh Tiến lại có nhiều thành công và được sự công nhận của dư luận nhân dân, kể cả trong giới hoạt động chuyên nghiệp. Có lẽ ngoài tâm hồn nghệ sĩ và tài năng trong sáng tạo nghệ thuật của anh, ta hãy nghe thêm những điều anh tâm sự khi trả lời Tạp chí Nhịp Ðiệu (Tạp chí chuyên ngành múa HNSVN số 3-1995): "Trước hết tôi cho rằng, nghệ thuật không phải là sự tùy hứng của một khối óc thông minh nào, và nó cũng không sinh ra để thưởng thức giải trí một cách vô nghĩa.  Hơn nữa, nếu không kịp thời, nghệ thuật sẽ tách mình ra khỏi cuộc sống, không đuổi kịp thời gian thì người nghệ sĩ sẽ để trôi đi những cảm xúc của những sự kiện lịch sử sẽ không bao giờ trở lại...". Ý nghĩ ấy đã trở thành phương châm và chi phối trong suốt quá trình sáng tạo nghệ thuật của anh.

Trước  khi lâm bệnh hiểm nghèo, anh được Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội bầu vào cương vị Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội. Anh đề xuất nhiều vấn đề trong việc phát triển nghệ thuật múa của thủ đô và chương trình hoạt động đón chào sự kiện lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Anh đã viết xong đề cương một kịch bản múa: Người mẹ Thăng Long. Kịch bản này được Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội chấp nhận. Anh mong muốn sẽ cùng các nghệ sĩ Nhà hát ca múa Thăng Long dựng trong dịp kỷ niệm Ngày giải phóng thủ đô 10-10-2006.

Những ngày lâm bệnh, NSND Ðỗ Minh Tiến được gia đình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tận tình điều trị, chăm sóc, bạn bè xa gần đến động viên, thăm hỏi, an ủi, cầu mong cho anh thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Nhưng 2 giờ 15 phút ngày 30-9-2006, NSND Ðỗ Minh Tiến đã qua đời, để lại niềm thương tiếc về một người nghệ sĩ sinh ra, lớn lên trong nghèo khổ, từ tuổi 13 đã tham gia cách mạng, rèn luyện, nuôi dưỡng ý chí trong cuộc sống chiến đấu và sáng tạo nghệ thuật, được đi du học ở nước ngoài và trở thành nhà biên đạo nổi tiếng, với danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý (đồng tác giả) và Giải thưởng Nhà nước trong các tác phẩm múa của đất nước.