Những sáng tạo của người thợ-họa sĩ tâm huyết này xứng đáng được thành phố Hà Nội đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, danh hiệu lần đầu tiên dành cho ngành thủ công mỹ nghệ.
Từ đam mê của người thợ-họa sĩ
Nghệ nhân Vũ Đức Thắng khá nổi tiếng không chỉ trong làng gốm sứ truyền thống Bát Tràng mà cả trong giới nghệ thuật ở Hà Nội. Anh là nghệ nhân hiếm hoi của làng Bát Tràng từng tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Hơn 40 năm gắn bó với nghề “gia truyền”, với anh, nghề luôn cho anh những cơ hội tìm tòi, những sáng tạo mới. Chắt lọc bí quyết kỹ thuật làm nghề truyền thống hòa trộn với phong cách mỹ thuật, tạo hình hiện đại mang đến những sản phẩm gốm có “gu” nhưng lại có tính nghệ thuật cao.
Một góc phòng trưng bày gốm của nghệ nhân Vũ Đức Thắng
Gốm mang tên “Hồn đất Việt” là “mạch nguồn” để anh theo đuổi và là cảm hứng sáng tạo. Nhạy bén với sự cạnh tranh khá gay gắt của thị trường, từ cách đây hơn mười năm, gia đình anh cũng là một trong những gia đình ở Bát Tràng áp dụng công nghệ mới vào nghề gốm, mạnh dạn đầu tư vốn để xây dựng lò gas thay thế lò nung bằng than để tăng năng suất cũng như chất lượng sản phẩm.
Nghệ nhân Vũ Đức Thắng đặc biệt say mê sáng tác sản phẩm như lọ hoa, hũ, âu, chum, chóe với nhiều kiểu dáng với những nét vẽ cầu kỳ, những nét vẽ đường diềm tinh tế. Tỏ ra có duyên với với nghệ thuật trang trí đắp nổi, anh tâm sự, hoa văn trang trí ấy dường như làm mềm hóa và làm những cốt đất trở nên có “hồn”.
Những đường nét sắc sảo và tinh tế của gốm
Anh hay sử dụng các mô típ như hoa cúc, hoa sen, nhất là cánh sen, các hoạ tiết tôm, cá, chuồn chuồn, cây rong, cây khoai nước sắp xếp trên bề mặt gốm tạo nên sự nhẹ nhàng với những nét vẽ khoáng đạt đầy rung cảm với thiên nhiên.
Những họa tiết gốm của nghệ nhân Vũ Đức Thắng không chỉ là sự độc đáo kỳ ảo từ chất liệu đất và men được "hóa" qua lửa mà lại là sự tái hiện nghệ thuật trên chất men nâu, đen, hay những mầu men trầm. Những men gốm thể hiện đặc trưng gốm mang tên “Hồn đất Việt” của nghệ nhân Vũ Đức Thắng.
Hai năm lại đây, nghệ nhân Vũ Đức Thắng lại khá thành công trong việc sáng tạo các sản phẩm giả cổ với hình dáng có khi cao ngang mặt người, nặng hàng tạ như lư hương, long đình, đài sen, chân đèn, bình vôi…
Cũng với men lam, men xanh dương, men nâu nhưng “chất xương” của những sản phẩm này được nghệ nhân tính toán kỹ về độ co dãn khi nung. Phần lớn các đồ giả cổ đều được vuốt tay, nặn đắp và chạm khắc mới chỉ trong thời gian “thử nghiệm” nhưng đã được khách hàng nhiều nơi tìm đến đặt hàng.
Đến những ấn tượng của “Hồn đất Việt”
Giữa bộn bề lọ lộc bình mới ra lò chuẩn bị “xuất” tại “công trường” sản xuất gốm của mình, nghệ nhân Vũ Đức Thắng trực tiếp kiểm tra từng sản phẩm trước khi “đóng” hàng theo container đi Mỹ. Anh chia sẻ, đây là lô hàng chuẩn bị tham dự một hội chợ thường niên hàng thủ công mỹ nghệ có quy mô lớn ở nước này.
Với tính độc đáo gửi gắm trong từng đường nét, hoa văn, các sản phẩm gốm của nghệ nhân Vũ Đức Thắng được nhiều thị trường trong và ngoài nước để ý đến, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và nhiều nước châu Âu. Cuối năm qua, trong ngày hội văn hóa Việt Nam tại thành phố Toulouse (Pháp), thành phố kết nghĩa với Hà Nội, anh là nghệ nhân gốm duy nhất trong đoàn Việt Nam biểu diễn ấn tượng khi “cho ra đời” những chiếc bình mộc mạc và độc đáo, mỗi chiếc mỗi vẻ.
Nhìn những phoi đất bắn tung luồn qua kẽ tay của người thợ tài hoa này, chỉ một loáng một chiếc bình đã được tạo hình, nghệ thuật gốm Bát Tràng vuốt tay thật sự thu hút sự chú ý của khách quốc tế.
Mầu men đặc trưng của gốm "Hồn đất Việt"
Anh liên tục được nhận các giải thưởng như giải thưởng Bàn tay vàng (The Golden Hand Award) năm 1999, Giải bạc Ngôi sao Việt Nam tại ngày hội hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2002, Giải Ngôi sao Việt Nam năm 2006, Giải sản phẩm tinh hoa làng nghề năm 2007... Sau khi Vũ Đức Thắng được thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu nghệ nhân, đến năm 2007 anh được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng Nghệ nhân làng nghề, một phần thửơng cao quý và xứng đáng cho người giàu sáng tạo, gìn giữ và phát triển nghề truyền thống.
Những giải thưởng, bằng khen trở thành động lực thôi thúc anh có trách nhiệm hơn với sản phẩm của mình, hướng tới một nghệ thuật đích thực. Sáng tạo gốm sứ ở Bát Tràng trong thời buổi hàng hóa cạnh tranh như hiện nay đòi hỏi người thợ phải làm chủ được “cuộc chơi”. Nói rộng ra, trong “cuộc chơi” này, kinh nghiệm cổ truyền đóng một vai trò quan trọng song để thật sự giỏi nghề và theo kịp sự biến chuyển thị trường gốm cần phải có kiến thức chuyên môn bài bản. Sự sáng tạo khi ấy dựa trên những hiểu biết sẽ giúp người thợ tự hoàn thiện bản thân, nâng “tầm” sản phẩm và sẽ có hiệu quả thương mại trên thị trường. Đó luôn là ý tưởng, ý thức làm nghề và cũng là kinh nghiệm tạo nên thành công cho nghệ nhân Vũ Đức Thắng.
Nghệ nhân Vũ Đức Thắng đang cố gắng hoàn tất các sản phẩm kịp tham dự vào ngày hội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Đó là những chiếc chum lớn nổi bật với những nét đắp hình, những nét vẽ sắc sảo. Phải chiêm ngưỡng các sản phẩm này hồi lâu mới thấy rõ được sự tinh xảo, cầu kỳ đến từng chi tiết. Sự tinh tế của tác giả toát lên trên sản phẩm không chỉ ở hình thức mà nét độc đáo hơn là sản phẩm chính là bức tranh nghệ thuật mang hình ảnh quê hương và con người.
Đó là phong cảnh trữ tình của Hà Nội, từ chùa Một Cột đến Khuê Văn Các, từ liễu rủ Hồ Gươm đến đường Thanh niên, từ cầu Thê Húc đến đảo Hòa Bình trong công viên Thống Nhất; hay những cảnh núi sông, từ sông Hồng đến sông Hương, từ vịnh Hạ Long, thác bản Giốc đến dãy Trường Sơn; hay hình ảnh về từng giai đoạn lịch sử dân tộc… tất cả hiện lên sống động và lãng mạn trên chất men tự nhiên và sâu lắng.
Để tạo nên một góc cạnh ưng ý, có khi nghệ nhân Vũ Đức Thắng phải mất hàng tháng trời. Mỗi sản phẩm là một sự ngẫu hứng sáng tạo, là tinh hoa của gốm vuốt tay.
Từ vài năm lại đây, khu đất rộng với ngôi nhà cổ mới xây, cửa hàng giới thiệu sản phẩm và cơ sở sản xuất của nghệ nhân Vũ Đức Thắng luôn là điểm dừng chân khá yêu thích của du khách trong và ngoài nước khi đến với Bát Tràng. Năm nay, một vinh dự đến với nghệ nhân tài hoa ấy là khu đất này được Cục Di sản của Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch công nhận là một trong ba điểm đến hấp dẫn dành cho nghệ nhân làng gốm Bát Tràng.
Với nghệ nhân Vũ Đức Thắng, những việc anh đã đang và sẽ làm là giữ gìn nét đẹp và tinh hoa của làng nghề không chỉ là niềm đam mê mà còn là bổn phận và trách nhiệm của người thợ-họa sĩ gốm tìm về nguồn cội. Anh được bà con trong làng quý trọng vì những đóng góp cho việc tôn tạo ngôi đình làng khá quy mô và hoành tránh nhằm tôn vinh truyền thống làng nghề gốm sứ hơn 600 năm của Hà Nội.
Với các thế hệ nghệ nhân, những người thợ và người con làng gốm cổ Bát Tràng, niềm đam mê với nghề truyền thống ấy cũng luôn “cháy bỏng” và quyết tâm mang thương hiệu gốm sứ Bát Tràng vươn xa tới nhiều thị trường trên thế giới.