Nghe Kiều ca cùng nhạc sĩ Phạm Duy

Với sự hòa âm phối khí của Phạm Duy Cường, cùng với sự thể hiện của nhiều ca sĩ như Thái Hiền, Thái Thảo, Ái Vân, Khắc Tư, Tuấn Ngọc…, Kiều ca đem đến cho công chúng yên nhạc những cảm nhận mới mẻ và đầy hứng khởi.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên nhận xét: Truyện Kiều là một tác phẩm văn học khá đồ sộ, đa chiều với hơn 3000 câu thơ, trong đó hội tụ nhiều cung bậc tình cảm hỉ nộ ái ố. Tác phẩm này như một cách minh họa thơ, một lối hát thơ nên phần nhạc không lời thể hiện hơi ít, chưa thể lột tả hết được các sắc thái tình cảm. Ông cho rằng mình “thích phần dạo đầu và phần kết thúc của tác phẩm bởi cách thể hiện mới lạ và đầy sáng tạo.”

Nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Phạm Tuyên (phải).

Tự nhận mình là người hát rong, nhạc sĩ Phạm Duy vào lúc khởi đầu của một nền nhạc mới, thường được gọi là tân nhạc, ông đã sáng tác những ca khúc lấy căn bản từ những điệu dân ca cổ truyền. Nhạc sĩ Phạm Duy tâm sự, ông muốn “kết thúc sự nghiệp của mình bằng một tác phẩm vô cùng Việt Nam.”

Nghe Kiều ca, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha bộc lộ ý tưởng khá độc đáo, rằng mong đến một ngày, tác phẩm này được sản xuất thành băng đĩa và đưa vào hệ thống nhà trường để thầy và trò được biết đến Truyện Kiều không chỉ dưới góc độ văn học mà còn ở góc độ âm nhạc.

Hai cha con Phạm Duy và Duy Cường.

Nhạc sĩ Phạm Duy từng sáng tác nhiều ca khúc với nhiều thể loại khác nhau, từ nhạc phòng trà, nhạc hát một mình hay hát chung với bè bạn, đó là những đoản khúc hoặc những tổ khúc hay chương khúc gồm nhiều đoản khúc. Một loại nhạc được nhạc sĩ Phạm Duy hay sáng tác nữa là nhạc sân khấu. Ông khởi sự viết từ những năm 1960 với nhạc cảnh Chức nữ về trời, truyện Tấm Cám, Thằng Bờm, Chum vàng, Mài dao dạy vợ … đã được các hãng sản xuất phim và các nhà sản xuất video, DVD phát hành trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, những nhạc cảnh đó đều có độ dài không quá 10 phút.

Năm 1997, nhạc sĩ Nguyễn Duy quyết định soạn nhạc phẩm Kiều ca , hay như ông vẫn nói, đó là tác phẩm Minh họa Truyện Kiều (theo thơ của cụ Nguyễn Du) để có thể trình diễn trên sân khấu, dài tới hai tiếng đồng hồ.

Mặc dù, ông liên tục trau chuốt tác phẩm này trong suốt hơn mười năm qua, nó vẫn chưa hoàn thành và như ông nói, “chưa có cơ hội chỉnh đốn nó” nhưng nhạc sĩ vẫn rất sung sướng được đem đến công chúng, như để trả lời câu hỏi của cụ Nguyễn Du “Ba trăm năm lẻ mơ màng/Ai trong thiên hạ khóc chàng Tố Như” và ông: “Hai trăm năm lẻ qua rồi/Có tôi vinh dự hát lời Nguyễn Du ”…

Nhạc sĩ Phạm Duy tâm sự đầy xúc động: “Cho dù con tạo xoay vần thế nào đi nữa, tôi cũng đã được trở về giữa lòng thủ đô mến yêu này để gặp lại chính mình và gặp lại bạn bè mới cũ…”.

Quách Thu Hiền