Nghề đục đá ở Thổ Sơn

Sáng, trưa, thậm chí tối, chẳng mấy khi dưới chân những dãy núi đá ở xã Thổ Sơn (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) vơi tiếng cưa, tiếng búa, tiếng đục. Hàng chục năm qua, từ khi nghề đục đá xuất hiện ở đây, cũng là lúc những giọt mồ hôi của thợ thấm đẫm vào từng phiến đá với biết bao nhọc nhằn, công sức.
0:00 / 0:00
0:00
Thợ hoàn thiện sản phẩm sau khi tách ra từ khối đá lớn. (Ảnh VĂN KHÊ)
Thợ hoàn thiện sản phẩm sau khi tách ra từ khối đá lớn. (Ảnh VĂN KHÊ)

Sáng sớm. Nắng soi rõ từng ngọn núi đá nham nhở. Dưới chân núi, dọc theo con đường nhựa lổn nhổn ổ voi, ổ gà là hàng chục bãi tập kết đá. Ở đó, tiếng cưa xè xè, tiếng búa, tiếng đục rộn ràng. Thức dậy khi trời chưa tỏ mặt người, anh Nguyễn Đình Cường nhanh chóng xếp chiếc lều tự chế bên cạnh những tảng đá to bằng mấy cái bàn. Anh bảo, theo kinh nghiệm, hôm nay sẽ nắng gắt, phải tranh thủ làm khi còn mát mẻ.

Rồi Cường đến bên tảng đá lớn ngắm nghía kích thước, đưa tay lần mò trên từng thớ đá và căng dây, nẻ mực thành một đường dài. Xong đâu đấy, anh dùng cưa máy, cưa theo đường mực. Máy chạy, bụi đá văng mù mịt. Đứng cạnh, tôi ngộp thở bởi mùi khét lẹt của bột đá, mùi xăng nồng của máy cưa. Cường tập trung cao độ. Đầu tóc, quần áo phủ một lớp bụi mỏng trắng xóa như phấn. Tầm 15 phút, một đường rãnh hiện ra trên tảng đá. Cường đưa tay vuốt khuôn mặt đầy mồ hôi nhễu nhện, mắt đỏ hoe. Ngón tay vân vê lớp bột ươn ướt, đủ để vo tròn thành viên. Sau đó, những chiếc nêm được xếp ngay ngắn vào đường rãnh.

Nghề đục đá ở Thổ Sơn có từ bao giờ, hỏi những người thợ cao tuổi họ cũng không nhớ chính xác. Người bảo chưa đến 30, người thì bảo đã hơn 40 năm. Ông Lâm Văn Dũng, người địa phương, tuổi ngấp nghé 60 cho biết, từ tuổi thanh niên ông đã được học nghề. Hồi đó, người ta thấy được nguồn mưu sinh từ những ngọn núi đá ở Thổ Sơn, rồi kéo đến khai thác. Thợ từ nhiều vùng miền đến, hành nghề và truyền nghề cho dân địa phương.

Cường đưa búa đập liên hồi, vẫn thế, tỉ mỉ, tập trung và kiên nhẫn cao độ. Những tiếng đanh đanh chát chúa vang lên. Bỗng, một tiếng “bục” khe khẽ, khối đá to bằng viên gạch nung rời ra. Cường cầm khối đá, quẳng ra xa đầy bực dọc. Có lẽ làm vội, hơi chệch mạch đá mà hỏng mất, vì trụ đá thành phẩm phải dài hơn một mét. Ngồi thở dốc, lưng áo đẫm mồ hôi, Cường bảo: “Làm mấy chục năm rồi nhưng nhiều khi vẫn bị lỗi. May mà bây giờ có cưa máy, chứ ngày xưa cưa tay, sơ suất là đi tong cả buổi”.

Nghề đục đá ở Thổ Sơn có từ bao giờ, hỏi những người thợ cao tuổi họ cũng không nhớ chính xác. Người bảo chưa đến 30, người thì bảo đã hơn 40 năm. Ông Lâm Văn Dũng, người địa phương, tuổi ngấp nghé 60 cho biết, từ tuổi thanh niên ông đã được học nghề. Hồi đó, người ta thấy được nguồn mưu sinh từ những ngọn núi đá ở Thổ Sơn, rồi kéo đến khai thác. Thợ từ nhiều vùng miền đến, hành nghề và truyền nghề cho dân địa phương.

Qua hàng chục năm, ở đây không hiếm gia đình vài ba đời bám lấy đá mưu sinh. Đám trẻ học hành chưa hết phổ thông, chỉ cần sức khỏe tốt đã rời lớp, xa trường gia nhập đội quân thợ đá. “Hồi tui mới vô nghề, chở đá xuống núi rất khó, thợ làm việc luôn ở lưng chừng núi, nguy hiểm vô cùng. Các khối đá nằm trên cao, nhiều khi phải treo người trên vách núi hoặc kê chân lên các thang gỗ mà đục. Tai nạn xảy ra liên miên, nhiều khi tối hôm trước còn ngồi nhậu với nhau, hôm sau đã không bao giờ gặp nhau nữa. Vô nghề, sắm một bộ dụng cụ với mấy cái búa, vài cái đục và những con nêm rồi học nghề mấy tháng là thành thợ để rồi cả đời bám riết lấy mấy hòn đá”, ông Dũng kể.

***

Trưa. Gần Tết mà trời nóng như nung. Nắng chiếu chếnh choáng, đá hiện nguyên hình, trắng hếu, khô khốc và trần trụi. Trên núi, máy đào, xe hạng nặng la liệt nằm nghỉ. Cánh lái xe trốn vào lán, phe phẩy quạt cho bớt oi bức. Dưới núi, tiếng máy cưa, tiếng đục, tiếng đẽo vẫn vang đều đều. Ăn tạm đĩa cơm, ông Lâm Văn Dũng miệt mài làm việc. Bên cạnh, người vợ bảo vào nghỉ, chiều hẵng làm. Ông gắt nhẹ: “Nghỉ chi mà nghỉ. Không làm nhanh sao kịp giao hàng”. Rồi ông quay sang tôi cười: “Cực vậy đó chú, có phải muốn nghỉ là nghỉ đâu. Không kịp giao hàng, khách họ la”.

Nghề đục đá ở Thổ Sơn ảnh 1

Cưa đá để tạo rãnh sau khi tách ra từ khối lớn.

Mấy năm qua, nghề này có thu nhập khá cao so với mặt bằng chung cho nên thợ đá kéo đến ngày càng nhiều. Cả vùng có đến hàng trăm người, cạnh tranh cũng cao. Có đất, có chút tiền thì thuê bãi riêng, tự làm. Đám còn lại phải đục đá thuê cho chủ bãi với tiền công ít hơn nhiều. Anh Nguyễn Đình Cường vốn quê ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Tuổi thanh niên đi làm thuê, làm mướn khắp nơi, cuối cùng anh dừng ở đất Thổ Sơn. Thấm thoắt đã hơn 20 năm, anh có bãi đá riêng, cưới vợ, dựng nhà. “Làm quanh năm suốt tháng chẳng dám ốm đau, vì ráo mồ hôi là ráo tiền.

Được cái chịu khó thì mỗi tháng cũng kiếm được hơn chục triệu, đủ sống”. Nói rồi anh Cường đưa bàn tay chi chít sẹo lên cho tôi xem. Người anh gầy gò, nhỏ thó nhưng đôi bàn tay to bản, chai sạn. Móng tay anh bị dập thường xuyên. Sau nhiều lần, các móng tay không còn ra hình thù, cứ như bị hơ nóng bằng lửa rồi vặn xoắn lại. Cường cười: “Khắp người toàn dằm từ búa, đinh bắn vào da thịt. Cái nào tự lấy ra được thì lấy, còn không thì để luôn trong người. Gặp dằm to cắm vào đau buốt, ít ngày mưng mủ, phải ra trạm xá để gắp. Thế là còn may, hồi mới làm cũng mấy bận suýt bị đá đè, may nhờ cao số nên không chết”.

Danh Toàn mới ngoài 20 tuổi, nhưng mồ hôi của em đã thấm trên hàng trăm khối đá. Gian khổ, khắc nghiệt khiến em già đi chục tuổi. Như những người thợ ở đây, làm việc trong bụi bặm nhưng chẳng ai đeo khẩu trang. Toàn bảo, khẩu trang gây nóng bức, mồ hôi ra nhiều rất khó chịu. “Mỗi cây đá được thu mua 15.000 đồng. Chịu khó cũng đục được tầm 20 đến 30 cây mỗi ngày. Thu nhập cũng tạm, dù nghề này nguy hiểm anh ạ! Cứ vài ba bữa lại có tai nạn, nghe riết thành quen”, Cường chia sẻ.

***

Trời ngả về chiều. Anh Nguyễn Đình Cường nghỉ tay, phân vân liệu có kéo đèn ra để làm tiếp không? Tôi hỏi sau này khi anh già đi, hoặc xa hơn, khi nguồn nguyên liệu từ núi đá cạn kiệt thì sao? Ngẫm ngợi, Cường lấy chiếc điện thoại cũ kỹ đưa tôi xem hình cậu thanh niên đang làm việc trong nhà máy và nói: “Tương lai của tui đó!”. Trong hình là con trai cả của Cường, năm nay 18 tuổi. Trước đây, học hết lớp 9, cậu theo bố đi đục đá, sau theo bà con ra Bình Dương, vừa làm công nhân, vừa học bổ túc để lấy bằng cấp 3. “Thu nhập của nó cao hơn tui mà việc nhẹ hơn nhiều. Tui tiếc ngày xưa đừng cho cháu nghỉ học sớm. Hai đứa sau tui sẽ cho học hành đàng hoàng”, anh Cường tâm sự.

Dọn dẹp dụng cụ để nghỉ ngơi, Danh Tròn chưa đến tuổi 30 nhưng đã có hơn chục năm làm thợ đá vui vẻ khoe với tôi về đứa con sắp chào đời. Tròn dự tính làm thêm vài năm, tích lũy ít vốn liếng sẽ đưa cả nhà qua quê vợ ở An Giang mở quầy tạp hóa hoặc mua chiếc ô-tô nhỏ chở hàng. Chắc mấy tháng nữa Danh Toàn tiết kiệm đủ tiền đi học nghề lái xe. Nhìn xa xa về những ngọn núi đá đang bị mòn đi từng ngày, ông Lâm Văn Dũng kể với tôi về cuộc “cách mạng” ông thực hiện cách đây không lâu.

Nghề thợ đá đã vất vả, thu nhập thì bấp bênh, giá đá nguyên liệu cũng ngày một cao. Vì thế một đêm ông gọi ba đứa con trai đến, khuyên con thoát ly tìm công việc khác để chuẩn bị cho tương lai. Nghe theo phân tích của ông, mấy đứa con túa đi khắp nơi. Đứa đi Đồng Nai, đứa đến Bình Dương, đứa xuống Thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân. Năm nay, Tết sắp đến, các con ông đã có chút tiền gửi về để bố mẹ mua sắm.