Trao giải kịch bản phim về môi trường:

Được và chưa được

Hấp dẫn và sát với thực tiễn cuộc sống

Đó là ý kiến của nhiều nhà chuyên môn có mặt tại lễ trao giải. Cuộc thi được phát động từ ngày 15-7, kéo dài cho đến hết ngày 30-11-2008, thu hút gần 80 kịch bản dự thi. Trong số các tác giả, bên cạnh những nhà biên kịch có tên tuổi trong nghề, còn có những tác giả không chuyên, thậm chí cả học sinh, sinh viên…

Phần lớn các kịch bản đều bám sát các sự kiện ô nhiễm môi trường xảy ra trong thời gian qua như xả nước thải xuống các con sông, dầu tràn trên biển, sản xuất gây ô nhiễm môi trường, xả rác thải, săn bắn thú rừng, khai thác tài nguyên rừng, ca ngợi các gương điển hình bảo vệ môi trường…

Nhiều tác giả đầu tư rất công phu cho kịch bản, đào sâu và tìm hiểu kỹ vấn đề, làm tăng tính thuyết phục, chẳng hạn như một số kịch bản phim tài liệu và khoa học “Côn trùng cánh vẩy” của Nguyễn Thu Tuyết (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, giải Nhất) nghiên cứu về vòng đời của đời của bướm và giới thiệu một số loài bướm đặc trưng ở Việt Nam, “Lễ cấm bang và truyền thống nuôi giữ rừng của người Phù Lá ở Lùng Phình” – tác giả Đoàn Hữu Nam (Hội Văn học Nghệ thuật Lào Cai, giải Nhì) đi sâu tìm hiểu lễ cúng rừng và truyền thống nuôi giữ rừng của đồng bào Phù Lá... 

Nhiều kịch bản khai thác tốt một số phong tục độc đáo của các dân tộc thiểu số, hoặc khéo léo phê phán những tập tục cổ hủ lạc hậu và có hại đối với môi trường như “Đường về cát bụi” của tác giả Nguyễn Thanh Tùng (Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp). Có những kịch bản viết rất dài: 60-80 trang đánh máy. Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ môi trường nhận xét, các kịch bản dự thi hầu hết đều có tính thời sự cao, theo sát những sự kiện môi trường “nóng” nhất trong năm qua. Các kịch bản phim truyện, bên cạnh việc lồng ghép khéo léo yếu tố bảo vệ môi trường với những câu chuyện, còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Các kịch bản phim tài liệu và khoa học, ngoài việc được xây dựng công phu, tìm hiểu chi tiết, còn giải đáp được nhiều câu hỏi của thực tiễn hiện nay thông qua ngôn ngữ điện ảnh. Các kịch bản phim hoạt hình bám sát yêu cầu bảo vệ môi trường, có tính giáo dục cao và gợi mở ý thức bảo vệ môi trường cho đối tượng trẻ em. Một số phim hoạt hình còn khai thác tốt những kinh nghiệm dân gian trong việc bảo vệ môi trường như “Mẹo vặt” của tác giả Đoàn Trúc Quỳnh (Hãng phim truyện I, giải Nhất).

Được và chưa được ảnh 1

NSND Ngô Mạnh Lân.

Đánh giá về chất lượng các kịch bản tham gia cuộc thi đầu tiên này, NSND Ngô Mạnh Lân cho rằng môi trường đang là mối quan tâm của toàn dân hiện nay, vì vậy các kịch bản dự thi hầu hết đều thể hiện được tính nóng bỏng của đề tài này. Một số kịch bản viết về môi trường nhưng không hề khô khan mà vẫn hấp dẫn với mâu thuẫn, kịch tính cao “Linh Huyết” của tác giả Phạm Thanh Phong (Trung tâm sản xuất phim truyền hình – Đài Truyền hình Việt Nam, giải Nhất) là một thí dụ. “Linh Huyết” khai thác yếu tố tình yêu tay ba lồng ghép trong vấn đề săn bắn động vật quý hiếm, là câu chuyện cảm động về thiên nhiên và con người, có thể xây dựng thành bộ phim hay về bảo vệ môi trường… Hay kịch bản “Đường về cát bụi” của tác giả Nguyễn Thanh Tùng (Đài Phát thanh và Truyền hinh Đồng Tháp, giải Ba) phê phán những tập tục lạc hậu và gây hại cho môi trường của đồng bào dân tộc thiểu số. Kịch bản này khá cuốn hút với chất liệu lạ, độc đáo, thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc, và cũng được lồng trong câu chuyện tình yêu bị cấm đoán.

Những hạn chế cần khắc phục

Đây là cuộc thi sáng tác kịch bản đầu tiên về đề tài môi trường nên cũng không tránh khỏi những hạn chế. Trước hết, theo NSND Ngô Mạnh Lân, do thời gian phát động quá ngắn, không phù hợp với việc sáng tác một kịch bản thường tốn rất nhiều thời gian. Cuộc thi chỉ diễn ra trong vỏn vẹn ba tháng cũng khiến cho chất lượng các kịch bản tham gia không đồng đều. Nhiều kịch bản còn thiếu tính điện ảnh, không có hành động, không có mâu thuẫn, hư cấu quá nhiều so với hiện thực, không có cơ sở, nhiều kịch bản đi chệch hướng so với yêu cầu tuyên truyền bảo vệ môi trường, một số kịch bản phim tài liệu khoa học viết không khác báo cáo, thiếu hình ảnh và minh chứng cụ thể, không tác động được tới người xem… Ông Ngô Mạnh Lân cho rằng, kịch bản điện ảnh phải phục vụ yếu tố Nhìn và Nghe, cho nên ngôn từ của kịch bản điện ảnh phải

Một hạn chế nữa cần rút kinh nghiệm là cuộc thi chưa được quảng bá rộng rãi, chưa thu hút được sự chú ý của công chúng và các nhà viết kịch, nên số lượng kịch bản chưa nhiều như mong đợi.

Tuy nhiên, với những gì đã đạt được, có thể coi cuộc thi đã thành công và đáp ứng được yêu cầu đề ra ban đầu, như Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận xét.

Ông Hà khẳng định, trong năm 2009, đề nghị Tổng cục Môi trường, đơn vị đầu mối ở Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin Truyền thông, Cục Điện ảnh, các hãng phim, đài truyền hình để lựa chọn trong số các kịch bản đoạt giải để xây dựng thành những tác phẩm hoàn chỉnh. Đó mới là những hành động thiết thực nhất để nâng cao hơn nữa nhận thức của xã hội về những vấn đề môi trường bức xúc hiện nay, bảo vệ môi trường cho những thế hệ hôm nay và mai sau.

Danh sách các tác phẩm đoạt giải:

Ba giải nhất:

- Linh Huyết (phim truyện), tác giả Phạm Thanh Phong (Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam).

- Côn trùng cánh vẩy (phim tài liệu và khoa học), tác giả Nguyễn Thu Tuyết (Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương).

- Mẹo vặt (phim hoạt hình), tác giả Đoàn Trúc Quỳnh (Hãng phim truyện I).

Sáu giải nhì:

- Bồng bềnh… trên sông (phim truyện), tác giả Huỳnh Mẫn Chi (Quận 11, TP Hồ Chí Minh).

- Trở về Sơn Nguyệt (phim truyện), tác giả Đặng Linh (Tam Đảo, Vĩnh Phúc).

- Lễ cấm bang và truyền thống nuôi giữ rừng của người Phù Lá ở Lùng Phình (phim tài liệu khoa học), tác giả (Hội Văn học Nghệ thuật Lào Cai).

- Việt Nam với biến đổi khí hậu (phim tài liệu và khoa học), tác giả Phan Thanh Tú (Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương).

- Vương quốc đã mất (phim hoạt hình), tác giả Lê Trương Công (ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội).

- Làng Lâm Viên (hoạt hình), tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung, (Công ty cổ phần truyền thông VTI).

Chín giải ba:

Phim truyện:

- Hoa trúc đào, Phan Thuý Diệu, ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội.

- Đường về cát bụi, Nguyễn Thanh Hùng, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp.

- Tiếng rừng, Nguyễn Văn Thông, Hội Điện ảnh Việt Nam.

Phim tài liệu và khoa học:

- Về làng, Vũ Lệ Mỹ, Hà Nội

- Cơm núi, Nguyễn Phúc Lập, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng.

- Hiểm họa từ cây xóa đói giảm nghèo: sắn, Lê Thị Thái Hòa, báo Thanh Niên.

Phim hoạt hình:

- Quái vật ở hồ sen, Bùi Hoài Thu, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam.

- Dấu hỏi, Hà Minh Trang, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam.

- Sơn Tinh Thủy Tinh ngày nay, Viết Linh, Hà Nội.