Theo anh, trong xu thế hiện nay, sân khấu xiếc phải đi tìm những cách thức thể hiện mới cho chính mình mới mong giữ chân khán giả. Khán giả muốn được xem những chương trình có cả tính nội dung, sự cao trào, lôi cuốn của tình tiết thì các nghệ sĩ xiếc cũng cần tạo ra những chương trình thể hiện được cả kỹ thuật xiếc điệu nghệ cùng sự xâu chuỗi các tiết mục để chuyển tải nội dung xuyên suốt cùng thông điệp có ý nghĩa. Đó là lý do vì sao thời gian qua, Liên đoàn Xiếc Việt Nam luôn tập trung đầu tư dàn dựng nhiều vở xiếc mang tính chủ đề với những thử nghiệm mới. Tiêu biểu phải kể đến những vở như: Nàng tiên cá, Tráng sĩ và ác điểu, Xứ sở Ai Cập, Cướp biển, Thế giới hoạt hình trong khu rừng thần tiên, Cuộc phiêu lưu của chú Tễu, Phù thủy đại chiến… Đặc biệt, những chương trình được liên đoàn dàn dựng gần đây như: Hà Nội của những giấc mơ, Ký ức trong tôi, Đi cùng năm tháng, Những cánh hồng bay đã góp phần khẳng định xiếc không chỉ là loại hình nghệ thuật mang tính giải trí cao mà còn có khả năng chuyển tải những thông điệp tuyên truyền, giáo dục với ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vẫn là những trò khéo của xiếc như tung hứng, thăng bằng, đu dây, nhào lộn… nhưng khi được kết hợp với các ý tưởng sáng tạo trong dàn dựng cùng ngôn ngữ múa, âm nhạc đã mang đến bất ngờ, thú vị cho khán giả ở nhiều lứa tuổi theo dõi chương trình.
Đảm nhận vai trò lên kịch bản và dàn dựng phần lớn vở diễn, chương trình xiếc hiện nay của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng khẳng định, xiếc là loại hình nghệ thuật có ưu thế kết hợp được với nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác để làm phong phú hơn khả năng biểu đạt của mình. Đây cũng là “chìa khóa” gợi ý để những người làm nghệ thuật mở rộng khả năng sáng tạo cho xiếc cũng như các loại hình nghệ thuật khác, từ đó thu hút đa dạng đối tượng khán giả. Với mục tiêu biến rạp xiếc thành trung tâm biểu diễn nghệ thuật, hàng loạt dự án thử nghiệm theo hình thức kết hợp này đã được liên đoàn lên kế hoạch thực hiện. Vừa qua, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã “bắt tay” Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng thành công vở diễn Cây gậy thần. Sau đó, hai đơn vị tiếp tục hợp tác xây dựng những tác phẩm còn lại của dự án “Huyền Sử Việt” về tứ bất tử của Việt Nam.
Trong tình hình mọi hoạt động sân khấu gần như phải đóng băng vì dịch Covid-19, cũng như những đơn vị nghệ thuật khác, Liên đoàn Xiếc Việt Nam không được biểu diễn, không có nguồn thu, khó bảo đảm lương hợp đồng cho những diễn viên trẻ… Tuy nhiên, các nghệ sĩ vẫn đang nỗ lực tập luyện để sau khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ có ngay những món ăn tinh thần hấp dẫn phục vụ khán giả. Như vở xiếc kết hợp cải lương Thượng thiên Thánh Mẫu đang được liên đoàn và Nhà hát Cải lương Việt Nam từng bước hoàn thiện; chương trình xiếc Biệt đội anh hùng dành cho các em nhỏ dự định ra mắt đúng dịp Tết thiếu nhi nhưng phải dừng lại vì dịch, dự kiến sẽ lùi lịch công diễn vào thời điểm Trung thu; chương trình xiếc kết hợp rock nhằm thu hút khán giả trẻ dịp 20/10.