Giải thưởng Dế Mèn lần thứ ba không có giải Hiệp sĩ Dế Mèn. Giải Khát vọng Dế Mèn được trao cho năm tác phẩm: "Biệt đội thám tử" và "Emma thảm họa" (hai truyện dài của Quyên Gavoye, Nhà xuất bản Kim Đồng); "Cơ Bản là Cơ Bản" (truyện dài của Phạm Huy Thông, Nhà xuất bản Kim Đồng); "Đu đưa trên ngọn cây bàng" (bản thảo truyện dài của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy); bản thảo chùm truyện ngắn của Nguyễn Vũ An Băng (9 tuổi) và "Chiếc dép thất lạc" (sách tranh của Geralda De Vos (Bỉ) và Sofia Holt (Thụy Điển), Kim Ngọc dịch, Nhà xuất bản Kim Đồng).
Được khởi động từ đầu tháng 4/2022, tính đến ngày 5/5, giải thưởng Dế Mèn thu hút 89 tác phẩm/chùm tác phẩm dự thi với 60 bản thảo và 29 tác phẩm đã công bố hoặc xuất bản trong thời gian từ quý II/2021 đến tháng 5/2022. Trong đó, có chín chùm thơ, tập thơ hoặc series thơ nhiều tập; 19 phim hoặc series phim hoạt hình; còn lại là các tập truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết... So với mùa giải đầu tiên tổ chức năm 2020 và mùa thứ hai năm 2021, số lượng tác phẩm dự thi năm nay ít hơn, song vẫn phong phú về đề tài, thể loại. Đặc biệt, biên độ cuộc thi đã được mở rộng. Ở hai mùa giải trước, chỉ có các tác giả trong nước tham dự, năm nay đã thu hút nhiều tác phẩm của tác giả là Việt kiều hoặc các tác giả, họa sĩ người nước ngoài có nhiều năm gắn bó với Việt Nam. Một điểm nhấn quan trọng khác, giải thưởng năm nay xuất hiện nhiều tác phẩm của tác giả độ tuổi thiếu nhi. Ngoài thể loại thơ, truyện ngắn, còn có tiểu thuyết giả tưởng nhiều tập, mỗi tập dày hàng trăm trang, dựng lên một thế giới tuổi thơ và nghệ thuật sinh động. Có những tác giả nhí còn viết truyện dài bằng tiếng Anh sau đó tự dịch ra tiếng Việt để in sách song ngữ Việt-Anh, xác lập một kỷ lục đẹp trong đời sống văn học thiếu nhi giai đoạn này. Ban tổ chức cũng phát hiện ra những dự án sáng tạo, trong đó có ý tưởng xuất bản dự án sách do chính thiếu nhi sẽ viết lời, vẽ tranh, dịch sang tiếng Anh với tất cả niềm đam mê, hứng khởi khi được phát huy sở trường.
Cây bút nhí Nguyễn Vũ An Băng mới chín tuổi, học sinh Trường tiểu học Quỳnh Lôi (Hà Nội) là gương mặt gây chú ý ở giải thưởng Khát vọng Dế Mèn. Chùm truyện ngắn của tác giả thuộc dòng truyện đồng thoại, ngôn ngữ trong sáng, diễn biến bất ngờ, lối kể cuốn hút. Hội đồng giám khảo đánh giá, nếu giải thưởng Dế Mèn mùa đầu tiên phát hiện ra Cao Khải An (11 tuổi) với truyện dài "Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm" khá già dặn, đẫm chất nhân sinh, thì ở mùa này, tác phẩm của Nguyễn Vũ An Băng mang một vẻ đẹp "băng thanh, ngọc khiết" hiếm thấy. Tại lễ trao giải, nhà thơ Trần Đăng Khoa đặt câu hỏi cho tác giả rằng em có mong ước trở thành nhà văn không, tác giả đã trả lời "không" và ước mơ của em là trở thành một nhà thiên văn học.
Năm nay, có tới ba tác phẩm trong top 8 lọt vào vòng chung kết lấy cảm hứng từ đại dịch Covid-19. Trong đó, "Cơ Bản là Cơ Bản" của Phạm Huy Thông được viết nhanh trong một tuần tác giả phải tự cách ly vì F1. Một câu chuyện giản dị, tốc độ kể nhanh, thể hiện được tinh thần thời đại mới qua triết lý giáo dục trẻ em về sự tự lập để được là chính mình. Hai tác phẩm khác cùng đề tài này là "Trường học chẳng có gì vui?" của Hải Nam và "Covid trong mắt trẻ thơ", một sự kết hợp thú vị của bảy em thiếu nhi phụ trách vẽ mỗi truyện và bốn em phụ trách dịch sang tiếng Anh. Ba tác giả đến từ nước ngoài đoạt giải là sự đóng góp đáng kể cho khát vọng vì trẻ thơ. Geralda De Vos là nghệ sĩ người Bỉ, đến Việt Nam theo một chương trình lưu trú nghệ sĩ và thật kỳ lạ là bà quan tâm đến những chiếc dép vô tình bị đánh rơi trên các nẻo đường để đưa vào tác phẩm của mình. Họa sĩ Sofia Holt người Thụy Điển đồng điệu với câu chuyện đó nên đã thể hiện bằng những bức tranh minh họa đặc trưng về những cảnh sắc Việt Nam. Quyên Gavoye là một chuyên gia di sản tại Pháp. Tác phẩm của bà thể hiện sự quan sát kỹ càng về cuộc sống trẻ thơ với gia đình cùng bài học về ý nghĩa giáo dục kỹ năng sống.
Lý giải hiện tượng tác phẩm văn học ở mùa giải này bội thu so với những thể loại khác, Hội đồng giám khảo cho rằng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt đời sống, trong đó những sản phẩm nghệ thuật tổng hợp đòi hỏi sự tham gia của một tập thể, một ê-kíp lớn. Khác với các loại hình khác, công cụ của văn học là ngôn ngữ, không cần sự tương tác lớn mà vẫn có thể đào sâu vào thế giới nội tâm để phát huy cao độ trí tưởng tượng, sáng tạo. Văn học chiếm ưu thế cũng là một điểm nhấn với mùa giải năm nay. Tương tự, tuy chưa tìm ra giải thưởng Hiệp sĩ Dế Mèn nhưng các thành viên Hội đồng giám khảo cho rằng đó cũng là điều bình thường vì giải thưởng lớn ấy là sự vinh danh dành cho tác giả đã có sự cống hiến lâu dài, có thành tựu đáng kể trong sự nghiệp.
Cùng với Lễ trao giải thưởng, Ban Tổ chức đã thực hiện chương trình đấu giá nghệ thuật "Vì mái trường cho em" với nhiều vật phẩm ý nghĩa. Tổng phiên đấu giá thu về hơn 500 triệu đồng, số tiền sẽ được dùng để xây trường học cho trẻ em tại một huyện vùng cao của tỉnh Sơn La.