Tiềm năng truyện tranh Việt Nam

Chỉ mới tổ chức lần thứ hai nhưng Ngày hội truyện tranh Việt Nam 2016 (Vietnam Comics Day) vừa qua tại Hà Nội đã tập hợp được đội ngũ họa sĩ trẻ ngày càng đông hơn và thu hút sự quan tâm của bạn đọc nhiều lứa tuổi.

Các tác giả trẻ giao lưu trong Ngày hội truyện tranh Việt Nam 2016.
Các tác giả trẻ giao lưu trong Ngày hội truyện tranh Việt Nam 2016.

Không chỉ dành cho trẻ em

Ngày hội truyện tranh Việt Nam là dự án ấp ủ đã nhiều năm của cộng đồng truyện tranh trong nước, được Công ty truyện tranh Comicola và một số nhà xuất bản, phát hành sách phối hợp tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngày hội mang đến những thông tin bổ ích, những câu chuyện thú vị chung quanh các bộ truyện và các tác giả đang được giới trẻ yêu thích. Lâu nay, định kiến “truyện tranh là dành cho trẻ con” đã trở thành một rào cản đáng kể đối với các tác giả truyện tranh Việt Nam khi tìm đường xuất bản tác phẩm của mình. Còn thực tế, truyện tranh là sự kết hợp rất riêng của văn chương với hội họa và có khả năng truyền tải thông điệp tới mọi đối tượng. Ở các cường quốc truyện tranh trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức… đề tài truyện tranh hết sức đa dạng và thường hướng đến độc giả trưởng thành (từ 18-35 tuổi); mặt khác đây cũng chính là nguồn chất liệu dồi dào cho ngành công nghiệp hoạt hình, điện ảnh. Vài năm trở lại đây, với sự xuất hiện của các cá nhân và nhóm tác giả ở độ tuổi rất trẻ, truyện tranh Việt Nam bắt đầu được chú ý nhờ sự đầu tư trau chuốt cho các khung hình và nội dung gần gũi với văn hóa Việt. Tuy truyện tranh Việt vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ nhoi trên thị trường truyện tranh nói chung, nhưng những cái tên như Thành Phong, Can Tiểu Hy, Dương Thạch Thảo, Vũ Đình Lân, Dương Minh Đức, nhóm BRO, nhóm Phong Dương Comics… đã có vị trí nhất định trong lòng độc giả.

Theo thống kê so cùng kỳ năm 2015, số lượng bộ truyện tranh Việt Nam mới ra mắt không nhiều, nhưng bù lại các họa sĩ Việt Nam đã đoạt được một số giải thưởng uy tín như: truyện tranh Long thần tướng giành giải Bạc cuộc thi Truyện tranh quốc tế lần thứ 9 tại Nhật Bản; tác giả Đình Lân đạt giải nhì của cuộc thi Silent Manga (cũng tại Nhật)… Tác phẩm “Lớp học Mật Ngữ” của nhóm vẽ BRO xuất bản trong năm qua cũng đã lọt top 3 cuốn sách bán chạy nhất của hệ thống sách Fahasa, với số lượng hơn 50 nghìn bản trong lần đầu tiên xuất hiện.

Tại Ngày hội truyện tranh Việt Nam 2016, các tác phẩm truyện tranh mới được ra mắt là “Oanh giảm cân” (nhóm BRO), “Long thần tướng” tập 3 (Phong Dương Comics), “Nhóm máu O” tập 2 (Dương Minh Đức). Cùng với đó là dự án Hoa Văn Đại Việt - một dự án đa dạng về hoạt động và giàu yếu tố văn hóa với mục tiêu không chỉ hướng tới thị trường truyện tranh. Tại tọa đàm về đào tạo sáng tác truyện tranh tại Việt Nam, những băn khoăn chung nhất vẫn là truyện tranh Việt Nam đang ở đâu so với thế giới? Làm thế nào để truyện tranh “thuần Việt” không bị bắt chước, lai tạp các phong cách nước ngoài?…

“Hướng tới chiều sâu”

Đó là ý kiến của Khánh Dương, người sáng lập Công ty Comicola về hướng đi của truyện tranh Việt Nam. Comicola là hệ thống giới thiệu, phát hành truyện tranh, đồng thời là diễn đàn chuyên nghiệp, sôi động nhất của cộng đồng truyện tranh Việt Nam hiện nay. Nền truyện tranh Việt Nam tuy còn non trẻ song có tiềm năng to lớn nếu biết khai thác, áp dụng mô hình phù hợp. Xuất bản trực tuyến và gây quỹ cộng đồng chính là lời giải cho truyện tranh Việt Nam sau nhiều năm “loay hoay” học hỏi, tìm phương hướng phát triển. Một loạt bộ truyện tranh ra đời nhờ gây quỹ cộng đồng đã chứng minh tính ưu việt so với xuất bản truyền thống. Với hình thức này, tinh thần trách nhiệm đối với sản phẩm phải được bảo đảm, đồng thời tính tương tác giữa tác giả và cộng đồng được nâng cao.

Nắm được thị hiếu độc giả, truyện tranh Việt Nam cũng ngày càng đa dạng, phong phú về thể loại, từ hài hước, lãng mạn đến trinh thám, ly kỳ. Đề tài dã sử cũng được khai thác mặc dù đòi hỏi rất nhiều công sức nghiên cứu, tìm tòi. Yếu tố “thuần Việt” được đề cao từ nét vẽ cho tới cốt truyện, lời thoại… Trong vòng hai năm (2015- 2016) đã xuất hiện khoảng 20 bộ truyện tranh mới “made in Vietnam”, một con số khiêm tốn so với các quốc gia có nền công nghiệp truyện tranh phát triển, nhưng là bước tiến bộ vượt bậc nếu so với khoảng thời gian 10 năm trước đó tại Việt Nam. Trong khi thị trường xuất bản truyện tranh nhập ngoại vẫn còn nhiều vấn đề như: Truyện tranh kém chất lượng, không phù hợp thuần phong mỹ tục; nạn in lậu, vi phạm bản quyền… thì truyện tranh Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức và cũng là cơ hội. Tuy rằng để tiến tới chuyên nghiệp, bài bản, chủ yếu vẫn là sự “tự thân vận động” của các tác giả, nhóm tác giả. Hiện tại, hầu như chưa có cơ sở nào đào tạo chính quy về vẽ truyện tranh (ngoài chuyên ngành đồ họa của một số trường đại học, cao đẳng), cũng như việc sản xuất truyện tranh và hoạt hình chưa có sự liên kết cần thiết.

Hầu hết những người tham gia Ngày hội truyện tranh Việt Nam 2016 đều rất trẻ, giàu nhiệt huyết và nhiều ý tưởng với khát vọng truyện tranh nội có thể cạnh tranh với tác phẩm nước ngoài. Các lễ hội truyện tranh phần nào đã góp phần tích cực trong khuyến khích sáng tạo, mang đến cái nhìn đúng đắn, cởi mở hơn về nghề sáng tác truyện tranh ở Việt Nam.