Tập thể cũ Hà Nội lên phim

NDO - NDĐT - Cuộc sống trong khu tập thể cũ những năm 70s với những mảnh ghép sáng tối được thể hiện trong bộ phim truyền hình 36 tập “Công dân tập thể” sẽ lên sóng VTV1 ngày 22-6 tới. Sau hàng loạt phim chính luận như “Bí thư tỉnh ủy”, “Chủ tịch tỉnh”…, “Công dân tập thể” vẫn là dòng chính luận, nhưng đã gần gũi hơn cuộc sống đời thường.
Kiều Anh, nữ diễn viên chính của phim.
Kiều Anh, nữ diễn viên chính của phim.

Những lát cắt từ cuộc sống hằng ngày

Ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng ban Thư ký – Biên tập, Đài truyền hình Việt Nam khẳng định: “Bộ phim sẽ tạo ra một sắc thái mới lạ, hoàn toàn khác với các phim truyền hình chính luận từng phát sóng trên kênh VTV1”.

33745.jpg

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình của VTV (VFC) cho biết, cách làm hoàn toàn mới là đưa những câu chuyện đời thường, gần gũi với cuộc sống vào phim. Đó có thể là một góc phố bất kỳ của Hà Nội, một hàng ăn vỉa hè, những người lao động lam lũ…

Chuyện phim xoay quanh một khu tập thể cũ tại Hà Nội, xây dựng từ thập niên 70 và tới nay đã xuống cấp. Bối cảnh chính là gia đình bà giáo Mai với hai vợ chồng cô con gái tên Dương, một phụ nữ xinh đẹp, có trình độ và địa vị. Vẻ ngoài gia đình mẫu mực, đầm ấm và hạnh phúc không được giữ lâu khi Dương phát hiện chồng mình ngoại tình. Cả bà Mai và Dương đều đứng trước những bi kịch về một cuộc hôn nhân có nguy cơ đổ vỡ.

Cùng với tuyến nhân vật này là hàng loạt nhân vật khác với những số phận, hoàn cảnh khác nhau tiêu biểu cho những tính cách đâu đó trong cuộc đời thật chúng ta vẫn gặp hằng ngày.

Phim có sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Như Quỳnh, các NSƯT Trung Anh, Lan Hương, Minh Hằng, Quốc Trọng, Quốc Trị, cùng các gương mặt trẻ đã từng khẳng định mình như Kiều Anh, Công Dũng… Kịch bản của nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến, do hai đạo diễn Nguyễn Trường Khoa và Trần Quang Vinh thực hiện.

Đạo diễn Nguyễn Trường Khoa cho hay, ban đầu anh và ê kíp làm phim không dự định hài hước hoá các nhân vật trong “Công dân tập thể”. Nhưng bản thân cuộc sống mỗi nhân vật đã có sẵn yếu tố hài hước, cùng với những chất liệu đời thường mà các diễn viên đưa vào trong mỗi nhân vật của mình đã khiến bộ phim không khô khan, cứng nhắc mà gần gũi và dễ xem, dễ cảm nhận.

Tự làm mới mình

Gương mặt được chú ý đến nhiều nhất trong bộ phim là Kiều Anh, từng nổi đình đám trong bộ phim “Phía trước là bầu trời”. Trở lại màn ảnh nhỏ sau tám năm, Kiều Anh chia sẻ: “Tám năm nay tôi không tham gia đóng phim, phần vì bận rộn với công việc, phần vì thấy chưa hài lòng với diễn xuất của chính mình, muốn dừng lại để tự xem lại mình”. Khi nhận kịch bản “Công dân tập thể”, Kiều Anh đã khóc cho số phận của nhân vật Dương và từng bày tỏ với đạo diễn Nguyễn Trường Khoa rằng, cô thích tất cả các nhân vật trong phim, trừ Dương. Ban đầu nhân vật Dương được mô tả trong kịch bản rất tròn trịa, hoàn hảo, nhưng sau khi nghiên cứu kỹ, Kiều Anh đã đề nghị sửa lại, để Dương cũng có những khiếm khuyết trong cách sống và cư xử đối với gia đình. Kiều Anh chia sẻ, mỗi ngày đóng phim, cô lại càng thấy thương cảm cho nhân vật của mình hơn, và thực sự sống với nhân vật.

33744.jpg

Tạo hình nhân vật của diễn viên Trung Anh.

Cũng như Kiều Anh, NSƯT Trung Anh cũng là một trong những người nỗ lực làm mới vai diễn của mình, mặc dù anh chỉ tham gia một nhân vật phụ. Trung Anh kể, nhân vật của anh khá khác biệt với những vai bộ đội xuất ngũ, người khắc khổ nghèo khó mà anh hay được giao. Một nhân vật hoàn toàn mới là điều thôi thúc Trung Anh tự tìm tòi để đầu tư cho vai diễn. Tuy nhiên, anh thừa nhận mình chưa hài lòng hoàn toàn với vai diễn: “Đến mức tôi không muốn lồng tiếng cho nhân vật mà đã đề nghị diễn viên Trung Hiếu lồng tiếng giúp. Tôi cảm thấy giọng của mình không giúp ích được cho nhân vật”.

Còn đạo diễn Nguyễn Trường Khoa chia sẻ: “Bộ phim không lấy bối cảnh cuộc sống hiện đại sang trọng ở đô thị như thường thấy trên các phim truyền hình, mà lựa chọn những góc nhỏ trong cuộc sống, gần gũi và chân thực để người xem dễ cảm nhận”.