Học nghệ thuật trực tuyến trong ngày giãn cách

Việc dạy và học trực tuyến các loại hình nghệ thuật hay kỹ năng không phải mới lạ, nhưng giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương do dịch Covid-19 thời gian qua khiến hoạt động này thêm phong phú, sôi động. Một số lớp học phi lợi nhuận trên các nền tảng số như học vẽ, thư pháp, học thêu hay cắm hoa... giúp nhiều người vừa được giải trí lành mạnh, vừa được tích lũy kiến thức, khám phá bản thân khi ở nhà phòng, chống dịch.

Một buổi dạy vẽ ký họa mầu nước trực tuyến của giảng viên mỹ thuật Lưu Vũ Minh.
Một buổi dạy vẽ ký họa mầu nước trực tuyến của giảng viên mỹ thuật Lưu Vũ Minh.

Chỉ cần có máy tính, điện thoại thông minh hay chiếc ti-vi kết nối internet, ai cũng có thể tham gia các khóa học nghệ thuật trực tuyến tại nhà. Hội họa là một trong các bộ môn thường được lựa chọn bởi sự thư giãn nhẹ nhàng, sản phẩm mang dấu ấn cá nhân và có tính ứng dụng cao, có thể trưng bày hoặc làm quà tặng. Khác với hình dung về các khóa học chuyên nghiệp cầu kỳ dành cho đối tượng có chuyên môn và thí sinh thi vào trường mỹ thuật, các lớp vẽ trực tuyến thường dạy ký họa với các dụng cụ đơn giản để mọi người không ngại thử sức.

Giảng viên mỹ thuật Lưu Vũ Minh có 10 năm kinh nghiệm, tổ chức phát hình trực tuyến trên Facebook (livestream) dạy vẽ thường xuyên vào buổi tối, mỗi lần một chủ đề, đều đặn từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách để chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Trên fanpage dạy vẽ có gần 14 nghìn người theo dõi của giảng viên Vũ Minh, các học viên thường xuyên chia sẻ tác phẩm, tương tác với nhau và với người hướng dẫn. Kiến thức hội họa căn bản được truyền đạt dễ hiểu, dễ thực hành với các đề tài, chất liệu phong phú... phần nào giúp các học viên được thỏa mãn đam mê vẽ tranh, đồng thời sử dụng hữu ích thời gian rảnh rỗi khi ở nhà. Cũng với mong muốn đem nghệ thuật giúp nhau giải tỏa căng thẳng, tăng cường giao lưu và kết nối trong mùa dịch, họa sĩ Nguyễn Hải Kim (TP Hồ Chí Minh) tổ chức dạy miễn phí vào mỗi cuối tuần trên ứng dụng Zoom, hướng dẫn học viên vẽ trên vải, thủy tinh, nhựa... để trang trí các vật dụng cá nhân hay đồ dùng gia đình, mang lại vẻ đẹp tươi mới cho những món đồ quen thuộc. Lớp học được hưởng ứng nhiệt tình bởi đa số học viên là phụ nữ, với đa dạng độ tuổi, nghề nghiệp. Một số hội nhóm, diễn đàn mỹ thuật có đông đảo thành viên như Mỹ thuật Bụi, Zest Art, Hội Vẽ... đều có các chương trình dạy vẽ miễn phí từ cơ bản đến nâng cao, người có nhu cầu dễ dàng tiếp cận chỉ qua vài thao tác trên mạng xã hội hoặc công cụ tìm kiếm.

Hấp dẫn những ai yêu thích sáng tạo còn có các lớp dạy trực tuyến nghệ thuật cắm hoa. Nghệ nhân Nguyễn Thanh Hiền (Hà Nội) và Tạ Thanh Kim (đang sống ở Australia) duy trì các buổi dạy phong cách cắm hoa Ikebana (Nhật Bản) với nguyên vật liệu thông dụng của Việt Nam, thậm chí các loại rau củ trong vườn, trong bếp cũng có thể được tận dụng, tạo thành các tác phẩm lạ mắt, sinh động. Lớp học trực tuyến độc đáo này còn triển khai quyên góp hỗ trợ bữa ăn cho các y sĩ, bác sĩ tuyến đầu và người có hoàn cảnh khó khăn tại một số bệnh viện dã chiến trong vùng dịch TP Hồ Chí Minh.

Với sự trợ giúp của công nghệ, việc dạy và học các bộ môn có tính nghệ thuật hay thiên về kỹ năng đều có ưu thế là thuận tiện, mọi nơi mọi lúc. Nếu không theo dõi trực tiếp buổi học, học viên vẫn có thể tìm các bài giảng trực tuyến được lưu trữ và chia sẻ trên mạng. Từ những lớp học không tốn phí để "cho vui", không ít người đã nhận thấy năng khiếu của mình và tìm ra con đường nghệ thuật biểu diễn, kinh doanh... rồi theo đuổi nghiêm túc. Chẳng hạn như học đàn guitar, piano hay học nhảy, làm bánh, may vá, thêu thùa, làm gấu bông, túi xách, đồ lưu niệm từ vật liệu tái chế...

Ðối với nhu cầu học nghệ thuật một cách chuyên sâu hơn, một số đơn vị chuyên ngành cung cấp chương trình học trực tuyến miễn phí, nhưng vẫn được đầu tư kỹ càng, bài bản. 17 khóa học trực tuyến miễn phí của chương trình "Kết nối văn hóa" thuộc dự án Không gian Văn hóa sáng tạo Việt Nam, được Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) phối hợp Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức và diễn ra đến hết năm 2021. Các khóa học được xây dựng bởi chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, phù hợp với những người quản lý không gian văn hóa, nghệ sĩ, nhà báo, nhà phê bình và tất cả những bạn trẻ quan tâm đến văn hóa và sáng tạo. Có thể kể đến một số lớp học như: "60 phút chuyển động đương đại" về các kỹ năng nhảy, múa; "Viết - Từ cảm nhận đến phê bình nghệ thuật" về phương pháp nghiên cứu và viết phê bình; "Nghệ thuật dành cho mọi người" hay "Lưu trữ nghệ thuật trong thời đại số" đề cập những vấn đề nóng và gần gũi của nghệ thuật đương đại.

Người yêu điện ảnh hoặc các nhà làm phim thì có dịp học trực tuyến hoàn toàn miễn phí với các đạo diễn, nhà sản xuất tên tuổi từ Mỹ, Việt Nam, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Singapore… trong chương trình Master Class do Giải thưởng Hàn lâm Ðiện ảnh châu Á và Công ty BHD Việt Nam tổ chức cuối tháng 7 vừa qua. 13 buổi học chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia hàng đầu của điện ảnh khu vực và thế giới, về viết kịch bản, quay phim, âm nhạc, diễn xuất. Khán giả theo học được tương tác với những người nổi tiếng như đạo diễn Hàn Quốc Lee Jeong Hyo, biên kịch phim hoạt hình Ronnie del Carmen... Văn phòng UNESCO và Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) - Hội Ðiện ảnh Việt Nam cũng vừa phát động tuyển sinh cho khóa học trực tuyến miễn phí On the reel Film Lab diễn ra vào đầu tháng 10 tới đây, tạo cơ hội học tập và thực hành làm phim ngắn cho các đạo diễn trẻ, sinh viên ngành điện ảnh.

Bên cạnh các lớp học phi lợi nhuận, có rất nhiều chương trình học trực tuyến thu phí với nhiều mức khác nhau để người học lựa chọn tùy theo nhu cầu, định hướng lâu dài. Không chỉ mang lại niềm vui hay cải thiện các kỹ năng sống, tham gia học trực tuyến còn xóa nhòa khoảng cách địa lý, giúp học viên hòa nhập các cộng đồng thú vị với những người bạn có chung đam mê, sở trường. Tranh thủ học qua mạng những điều mới mẻ có thể khiến những ngày ở nhà tuân thủ giãn cách xã hội thêm ý nghĩa và đáng nhớ đối với mỗi người.

MỸ HẠNH