Phim Tâm hồn mẹ: Bình cũ nhưng rượu mới

NDO - NDĐT - Lấy ý tưởng từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từ những năm 80, bộ phim Tâm hồn mẹ của nữ đạo diễn Phạm Nhuệ Giang vẫn đưa ra được những thực tại của xã hội ngày nay, thông qua cuộc sống bần cùng của những người dân lao động nghèo khó quanh cây cầu Long Biên.

Chuyện phim xoay quanh tình bạn đặc biệt của hai đứa trẻ ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Hai mảnh đời côi cút, hai mảnh khuyết của vầng trăng chẳng biết tròn bao giờ dạt vào với nhau, líu ríu bên nhau và trở thành chỗ dựa của nhau. Đó là Thu, con gái duy nhất của một phụ nữ bán hoa quả đơn thân, nhà ở ngoài bãi Giữa sông Hồng và Đăng, cậu bé mồ côi mẹ, bố bỏ đi đâu không rõ, sống với ông bà. Hai đứa học cùng lớp, mang sẵn trong lòng những tủi phận và cảm thông với người đồng cảnh ngộ, đã gần lại với nhau sau những trò đùa ác ý của bạn học.

Mẹ của Thu, đã ngoài 30 nhưng sống quá bản năng và hồn nhiên, lún sâu vào mớ bòng bong của mối tình vụng trộm với anh chàng lái xe chở hoa quả ở chợ Long Biên. Có một cô con gái duy nhất cũng từ một mối tình không thành duyên khác, nhưng người phụ nữ này dường như nhiều khi bỏ quên vai trò và trách nhiệm của một người mẹ, mải mốt chạy theo cung phụng cho tình yêu của mình.

Lớn lên và sống giữa thiên nhiên, Thu giống một cái cây hoang dã, tự sinh tồn và chững chạc hơn rất nhiều so với tuổi của mình. Trong những trò chơi trẻ con, Thu tự nhận là mẹ của Đăng, và đã thực sự bao bọc, che chở cho cậu bé này cả trong lớp học và ngoài cuộc sống...

Tâm hồn mẹ gây ấn tượng bằng những con số: 20 năm thai nghén ý tưởng, và đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Nhuệ Giang trên phim trường sau 10 năm. Phim có sự tham gia của cả những gương mặt cũ và rất mới. Hồng Ánh, từng tham vai cô giáo Giao trong Thung lũng hoang vắng của đạo diễn Nhuệ Giang cách đây 10 năm, và bây giờ trở lại trong vai diễn Lan, người phụ nữ bán hoa quả. Vẫn là mô típ quen thuộc về người phụ nữ lam lũ vất vả, nhưng lần này Hồng Ánh đã có những nỗ lực làm mới mình khi diễn tả sự nông nổi, nhẹ dạ đến mức quên cả bản thân mình và con gái ruột. Không ít cảnh diễn trong phim cũng đòi hỏi sự hy sinh của nữ diễn viên này, như một vài cảnh nóng với Trương Minh Quốc Thái, cảnh tắm bùn khoả thân và say rượu bên bờ sông.

Vai diễn anh lái xe của Trương Minh Quốc Thái cũng thể hiện sự làm mới chính mình của nam diễn viên này. Khác với những vai hiền hậu, chân chính thường thấy, lần này anh lột tả một nhân vật với đầy đủ tính cách phản diện: bặm trợn, chơi bời, dữ dằn, đểu cáng, sở khanh và rất hèn. Không chỉ khác ở ngoại hình: râu ria, xăm mình, Trương Minh Quốc Thái còn diễn rất đạt tính cách của nhân vật từ ánh mắt nhìn khi lấm lét khi hằn học, giọng nói khi gằn từng tiếng, khi tỉnh bơ lạnh lùng...

Tuy nhiên, vai diễn Thu và Đăng mới thực sự là những điểm sáng của bộ phim. Vai Thu do Phùng Hoa Hoài Linh và vai Đăng do Nguyễn Bách Tùng Lâm thể hiện. Đây thực sự là những nhân tố mới của điện ảnh Việt Nam qua Tâm hồn mẹ. Nguyễn Bách Tùng Lâm tạo thiện cảm từ khuôn mặt tròn trĩnh xinh trai, với ánh mắt buồn buồn nhìn xuống đầy ám ảnh và mặc cảm về thân phận. Còn Phùng Hoa Hoài Linh gây ấn tượng từ ánh nhìn bướng bỉnh, rắn rỏi, cho đến những bùng nổ trong cú điện thoại nửa chừng với mẹ khi biết mẹ bỏ đi xa... Hai diễn viên nhí này đã thực sự chiếm được trọn vẹn tình cảm của khán giả.

Tâm hồn mẹ là phim hiếm hoi được Nhà nước đầu tư vốn trong năm nay. Ngoài kinh phí 4 tỷ đồng của Nhà nước, phim còn huy động được nguồn vốn tài trợ của Quỹ điện ảnh Phương Nam (Fond Sud) của Pháp. Tâm hồn mẹ cùng với Mùi cỏ cháy là hai phim mới nhất tham gia tranh giải Bông sen vàng tại LHP 17, và cùng mới ra mắt khán giả Hà Nội trong Tuần phim chào mừng Liên hoan.

Phim chọn bối cảnh là bãi Giữa với sông Hồng, cầu Long Biên, chợ hoa quả đầu mối Long Biên. Phim có những cảnh quay từ rất đẹp, rất thơ mộng với bãi Giữa xanh rợp lau, cánh đồng ngô trải dài tít tắp dưới nắng chiều, những con thuyền trôi bình yên trên sông... cho đến cảnh lam lũ khó nhọc, bần hàn ở chợ đầu mối và trong ngôi nhà xiêu vẹo của hai mẹ con ngoài bãi sông. Các diễn viên phụ, từ anh chàng đánh cá trên sông, gã côn đồ đòi nợ thuê, các chủ nợ, khách tẩm quất... đều thể hiện rất tốt nhân vật của mình. Phim có góc máy đẹp, cắt cúp hợp lý, có phần mang hơi hướng của Phan Đăng Di (anh cũng tham gia biên tập phim này) đã góp phần không nhỏ vào thành công của bộ phim.

Với những hình ảnh đẹp, diễn viên tốt, không có sạn, nhạc phim hay, câu chuyện gợi được nhiều cảm xúc ở người xem, Tâm hồn mẹ có thể sẽ là một ứng cử viên nặng ký cho giải Bông sen vàng năm nay.